Không có định nghĩa cụ thể cho “burnout”, nhưng có vài biểu hiện đáng kể như: Không có động lực hoặc cảm hứng; cảm giác trống rỗng sau một dự án; xu hướng né tránh công việc; kiệt sức về thể chất và tinh thần; không hài lòng về thành tựu cá nhân…
Nếu bạn đang có những “triệu chứng này”, không cần phải cảm thấy xấu hổ. Ngành công nghiệp sáng tạo đòi hỏi rất nhiều, từ những deadlines dồn dập đến tính cầu hoàn gần như đã trở thành bản năng, nên dễ dẫn đến tình trạng kiệt sức.
Quan trọng là cách bạn giải quyết nó
1. Thiền định
“Burnout” thường bắt đầu từ sự căng thẳng, cản trở suy nghĩ sáng tạo và mức độ tập trung. Mỗi khi đối mặt với căng thẳng, nhiều người thường tìm đến giải pháp tức thời như caffeine, rượu, đồ ăn… Nhưng một trong những phương thức giảm bớt căng thẳng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần hiệu quả nhất vẫn là thiền.
Trạng thái thư giãn khi thiền định giúp cơ thể hạn chế sản xuất các hormone gây căng thẳng như cortisol, tạo môi trường thuận lợi để “nạp lại” năng lượng sáng tạo. Về lâu dài, thiền định sẽ giúp bạn hòa hợp hơn với suy nghĩ, cảm xúc và cơ thể của chính mình. Khi ý thức cá nhân được nâng cao, bạn có thể xác định các dấu hiệu ban đầu của “burn out” nhanh hơn và giải quyết chúng trước khi quá kiệt sức.
Không cần phải lên núi mới có thể học thiền, hãy bắt đầu bằng cách ngồi yên và tập trung vào nhịp thở trong khoảng 10-20 phút.
2. Nghỉ giải lao thường xuyên
Nếu bạn đang kiệt sức, giải pháp rõ ràng nhất có lẽ là nghỉ ngơi trong vài ngày để phục hồi thể chất lẫn tinh thần. Di chuyển đến một địa điểm mới, thay đổi cảnh quan sẽ giúp bạn thoát khỏi thói quen hàng ngày, kích thích các giác quan và mang đến một góc nhìn mới mẻ, phá vỡ sự đơn điệu trong cuộc sống.
Tuy vậy, không phải lúc nào ta cũng có thể bỏ hết tất cả và nghỉ ngơi. Khi đó, hãy thử nghỉ giải lao nhiều hơn bằng phương pháp Pomodoro: Tập trung làm việc trong 25 phút rồi nghỉ giải lao 5 phút. Rất nhiều thế hệ sáng tạo đã áp dụng phương pháp này để tăng năng suất làm việc và tránh tình trạng kiệt sức. Bạn có thể tự đặt giờ, hoặc sử dụng ứng dụng được thiết kế riêng cho phương pháp này như Tomato Timer.
Quan trọng hơn cả, đừng cho rằng bạn đang lãng phí thời gian trong lúc nghỉ ngơi, mà hãy xem nghỉ ngơi là một phần công việc.
3. Hoạt động thể chất
Nếu có một thứ gây căng thẳng, đó sẽ là việc ngồi một chỗ cả ngày. Tổ tiên loài người đi lang thang khắp nơi, hết săn bắt rồi hái lượm, không phải để ta phí hoài cơ thể này suốt một nơi. Hãy bước ra ngoài và vận động.
Tập thể dục thể thao sẽ giải phóng các nỗi lo lắng, sự căng thẳng bị dồn nén và kích thích tư duy sáng tạo, bởi cơ thể sẽ sản xuất endorphin trong thời gian này, đồng thời hạn chế lượng cortisol, giúp cải thiện tâm trạng đáng kể. “Nhưng còn sức đâu mà tập thể dục?” Thực ra, hoạt động thể chất thường xuyên còn giúp tăng cường sức khỏe, rèn luyện sức bền, từ đó tỉnh táo hơn khi làm việc.
Bạn cũng không cần phải “cố quá”. Hoạt động thể chất nhảy từ 0 đến 100 ngay lập tức sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại. Vậy nên, hãy bắt đầu một cách thoải mái và vui vẻ, theo sở thích của bạn, như đi dạo trong công viên, chạy bộ cự ly ngắn hay khiêu vũ nhẹ nhàng.
4. Viết nhật ký
Những cảm xúc phức tạp và đau đớn thường bị “bỏ xó”. Thậm chí, nhiều người còn làm việc nhiều hơn, sống thật bận rộn để tránh đối mặt với chúng. Nhưng những cảm xúc tiêu cực không bao giờ biến mất, mà tồn tại trong tiềm thức và liên tục muốn thoát ra, dẫn đến tình trạng căng thẳng và kiệt sức.
Lúc này, quyển nhật ký có thể là một công cụ tốt dành cho bạn. Hãy viết ra những cảm xúc, suy nghĩ và ý tưởng để có thể thấu hiểu bản thân hơn, đồng thời khơi dậy khả năng sáng tạo mà không chịu áp lực của bất cứ ai. Viết nhật ký thường xuyên sẽ giúp bạn nhìn nhận được những thứ khiến bạn căng thẳng, những thứ gây tổn thương hoặc những thứ cho bạn động lực để tiếp tục phát triển.
5. “Đổi gió” sáng tạo
“Burnout” là kết quả của sự đơn điệu, của một công việc lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Khi điều này xảy ra, ta quên mất lý do mình dấn thân vào ngành sáng tạo.
Khi đang “mắc kẹt” trong một dự án, bạn có thể thử đổi sang một công việc khác. Nếu bạn viết văn, hãy thử vẽ vài nét. Nếu bạn là họa sĩ, hãy thử sức với âm nhac. Sự thay đổi này giúp kích thích não bộ, giúp bạn tập trung và ngăn được cảm giác trì trệ.
Bên cạnh đó, bạn có thể thử hợp tác với một nguồn lực sáng tạo mới để tham khảo góc nhìn mới, tiếp nhận năng lượng và động lực mới. Dù kết quả có ra sao, đảm bảo bạn vẫn sẽ học được nhiều điều thú vị về thế giới, con người và chính bản thân.
“Burnout” quả thật rất đáng sợ, nhưng cũng là cơ hội giúp chúng ta tạm ngưng quay cuồng trong công việc. Nếu vẫn đang chật vật với cảm giác chán chường của “burnout”, bạn còn có thể thử:
-
Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử để hạn chế thông tin mà não bộ tiếp nhận
-
Đọc sách/Xem phim về những nhân vật khác trong ngành sáng tạo
-
Chấp nhận sự bất hảo trong quá trình làm việc và thành quả sáng tạo
-
Nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè, cộng đồng hoặc chuyên gia tâm lý
Theo Lofficielvietnam