Grand

'TP.HCM cần xây dựng kịch bản để quay lại cuộc sống bình thường'

Hà Quyên
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng giãn cách xã hội chỉ là biện pháp đối phó có thời điểm, TP.HCM cần xây dựng kịch bản sống chung với đại dịch.
TP.HCM gian cach xa hoi anh 1

Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần kể từ 14/6. Riêng quận Gò Vấp và quận 12 chuyển từ giãn cách theo Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đánh giá đây là giải pháp bắt buộc vào thời điểm này nhưng không nhất thiết phải giãn cách đủ 14 ngày.

TP.HCM gian cach xa hoi anh 2

Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa 14. Ảnh: Quốc hội.

Vì sao không nhất thiết giãn cách đủ 14 ngày?

- Ông đánh giá về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM hiện tại như thế nào?

- Dịch lần này ở TP.HCM không như các lần bùng phát trước, rất phức tạp vì đã có âm ỉ trong cộng đồng khá lâu rồi. Khi phát hiện, virus đã lây lan nhiều đối tượng, hình thành nhiều ổ dịch.

- TP.HCM tiếp tục giãn cách toàn thành phố thêm 14 ngày. Ý kiến của ông về quyết định này như thế nào?

- Tôi cho rằng để có quyết định này, lãnh đạo thành phố đã rất cân nhắc. Giãn cách là cách duy nhất lúc này để tránh tổn thất nặng nề không chỉ cho thành phố mà còn cả đất nước. Nhưng tôi xin đề nghị cần có tiêu chuẩn giãn cách và phải dựa trên các chứng cứ khoa học.

Có 3 tiêu chí cần căn cứ là: Số lượng các ca mắc mới tăng lên so với những ngày trước, số lượng ổ dịch mới được ghi nhận và tình hình dịch xâm nhập khiến các cơ sở y tế phải đóng cửa. Hiện cả 3 tiêu chí, TP.HCM đều ở mức nguy hiểm. Số bệnh nhân vẫn tăng nhanh, ổ dịch mới được phát hiện mỗi ngày. Đặc biệt, một số bệnh viện của thành phố đã phải phong tỏa.

Ngược lại, TP.HCM cũng phải có tiêu chuẩn gỡ giãn cách. Từ đó, chính quyền có thể gỡ giãn cách dần từng khu vực, tiến tới toàn thành phố. Chẳng hạn khi số ca nhiễm không tăng, ổ dịch được khống chế, các bệnh viện an toàn và có thể đủ sức chiến đấu, chúng ta sẽ dừng giãn cách. Chứ không phải căn cứ cứng theo số lượng 14 ngày rồi tính tiếp.

Sở Y tế và các đơn vị chức năng có chuyên môn cần đưa ra những quy chuẩn, tư vấn cho chính quyền, chẳng hạn các tiêu chí cần căn cứ để bắt đầu hoặc kết thúc giãn cách, phong tỏa ở khu vực nào, quy mô ra sao. Hiện, không thể có quy định chung cho cả nước. Mỗi địa phương sẽ có các đặc thù khác nhau về dân số, địa chính trị nên ngành y tế địa phương cần chủ động tham mưu vấn đề này.

- Dịch còn kéo dài. Vậy nên nhiều ý kiến cho rằng việc kéo dài giãn cách toàn thành phố gây bất tiện. Theo ông, TP.HCM có nên giãn cách theo diện hẹp thay vì cả thành phố?

- Việc giãn cách nhằm hạn chế và ngăn cản không cho người mang mầm bệnh lây sang người lành, từ đó hạn chế dịch lan rộng. Hiện ngành y tế TP.HCM đang làm tốt. Nhưng với diễn biến hiện tại, không tiếp tục giãn cách, họ sẽ không đủ sức.

Chiến lược từ lâu của Việt Nam là “lửa lớn khoanh lớn, lửa nhỏ khoanh nhỏ". Khi chưa có vaccine để tiêm, biện pháp này có ý nghĩa trong khống chế dịch. Thử hình dung nếu chính quyền thành phố không quyết liệt ngay từ đầu thì hôm nay dịch sẽ diễn biến phức tạp thế nào. Chúng ta sẽ không tránh khỏi bùng phát mạnh như các nước láng giềng Thái Lan, Campuchia…

Tôi nghĩ với khả năng của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng như ngành y tế, dịch Covid-19 tại thành phố có thể khống chế được trong vòng một tuần tới, tức không ghi nhận các ổ dịch mới. Nhưng thành phố cần lưu ý ổ dịch tưởng đã khống chế được nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát tiếp như tại Gò Vấp. Ổ dịch này phức tạp không kém ở các khu công nghiệp vì các ca liên quan di chuyển quá nhiều địa điểm. Việc khống chế không để tiếp tục xảy ra tình trạng F3, F2 của ổ dịch này trở thành F0 rất quan trọng. TP.HCM phải nhanh chóng cắt đứt hoàn toàn đường lây của ổ dịch này.

Tuy nhiên, kể cả khi dịch được khống chế, chúng vẫn chưa thể kết thúc mà vẫn tồn tại và xuất hiện các ca bệnh nhỏ lẻ. Do đó, TP.HCM cần xây dựng kịch bản để quay lại cuộc sống bình thường, phát triển kinh tế và sống chung với đại dịch.

TP.HCM gian cach xa hoi anh 3

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội 14 ngày, từ 00h 15/6. Ảnh: Phạm Ngôn.

Nên kéo dài khoảng cách 2 mũi tiêm vaccine Covid-19

- Việc 54 nhân viên y tế của BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mắc Covid-19 có làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta về hiệu quả, lợi ích của vaccine Covid-19?

- Vaccine Covid-19 chắc chắn là chìa khoá cuối cùng của bất cứ đại dịch nào trên thế giới. Dù có những thông tin bất lợi, chúng ta nên nhìn nhận vào các lợi ích của vaccine.

- TP.HCM cần có giải pháp gì để sống chung với dịch?

- TP.HCM cần tiếp tục các biện pháp đang thực hiện, đồng thời triển khai tiêm vaccine Covid-19 như Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng phải cố gắng tiêm càng nhiều người càng tốt thay vì chú trọng vào các đối tượng cụ thể.

Ngoài ra, hiện các nhà khoa học, đặc biệt nhà sản xuất AstraZeneca có khuyến cáo tiêm mũi thứ 2 của vaccine Covid-19 sau 12 tuần thay vì sớm hơn. Bởi sau thời gian này, tác dụng bao phủ và sự ngăn chặn virus của vaccine cao hơn. Tôi cho rằng Bộ Y tế nên cân nhắc kéo dài thời gian giữa 2 mũi tiêm. Vaccine mới nên chúng ta phải theo sát các khuyến cáo của giới khoa học trên thế giới, đặc biệt là nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế nên triển khai đánh giá đáp ứng kháng thể của nhân viên đã được tiêm vaccine với virus. Điều này nhằm đánh giá khả năng bảo vệ sau khi tiêm vaccine để có chiến lược phù hợp. Chúng tôi cũng đang có đề xuất, song việc thực hiện đòi hỏi chi phí rất đắt.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ ngày 27/4 đến sáng 15/6, TP.HCM có tổng cộng 894 bệnh nhân Covid-19. Đây là đợt dịch nghiêm trọng nhất bùng phát tại thành phố với nhiều chùm ca bệnh, tốc độ lây lan nhanh do sự xuất hiện của biến chủng Delta (B.1.617 - lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ).

Dịch không chỉ xuất hiện ngoài cộng động mà còn xâm nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 lớn. Điều may mắn là các bệnh nhân nội trú và bác sĩ điều trị Covid-19 đều âm tính với SARS-CoV-2.