Grand

Tham vọng của Tổng thống Biden trong chuyến xuất ngoại đầu tiên

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Tổng thống Biden muốn trấn an đồng minh châu Âu, củng cố những liên minh lâu đời, và gửi thông điệp tới các đối thủ - đặc biệt là Nga.
ong Biden cong du nuoc ngoai anh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/6 đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu. Chuyến đi sẽ kéo dài 8 ngày.

Trước thềm chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Biden miêu tả ngắn gọn một trong các mục tiêu là đoàn kết khối phương Tây nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Mỹ và châu Âu đang dần bước ra khỏi đại dịch Covid-19.

Ông Biden cũng sẽ phải trấn an các đồng minh EU rằng nước Mỹ đã trở lại với tư cách một đồng minh đáng tin cậy, bảo vệ châu Âu trước sức ép từ Nga, cả ở mặt trận phía Đông, cũng như trên không gian mạng.

ong Biden cong du nuoc ngoai anh 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP.

Những mục tiêu tham vọng

"Chuyến công du của Tổng thống Biden sẽ chủ yếu nhằm đưa ra các thông điệp, thay vì đạt được những hành động hay thỏa thuận cụ thể", tờ AP bình luận.

Tổng thống Biden sẽ phải thuyết phục thế giới rằng chính sách đối ngoại theo kiểu "con buôn" dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump - thứ mà các đồng minh lo ngại sẽ là hướng đi không thể đảo ngược của nước Mỹ trong tương lai - chỉ là sự chệch hướng tạm thời.

Và nay Washington đã quay trở lại đúng hướng.

"Về cơ bản, chuyến công du sẽ nhằm thúc đẩy động lực nền tảng trong chính sách đối ngoại của ông Biden, tập hợp lực lượng các nước đồng minh nhằm đối phó thách thức lớn nhất thời đại của chúng ta", Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết.

Khi đáp xuống căn cứ Không quân hoàng gia Midenhall tại Sulfork, Anh ngày 9/6 (giờ địa phương), khởi động chuyến thăm châu Âu, Tổng thống Biden sẽ mang theo một danh sách mục tiêu đầy tham vọng.

ong Biden cong du nuoc ngoai anh 3

Một trong những mục tiêu hàng đầu của ông Biden là củng cố liên minh giữa Mỹ và các nước châu Âu. Ảnh: AFP.

Sự kiện có lẽ là đáng chú ý nhất trong chuyến công du là cuộc gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 16/6.

Mục tiêu hàng đầu của ông chủ Nhà Trắng là gây sức ép buộc Moscow chấm dứt các động thái khiêu khích, bao gồm tấn công an ninh mạng vào các doanh nghiệp Mỹ, cũng như can thiệp vào bầu ở tại Mỹ.

Tổng thống Biden sẽ tìm cách lôi kéo các đồng minh đoàn kết trong cuộc đối đầu về kinh tế cũng như an ninh quốc gia với Trung Quốc - nước hiện đã trở thành đối thủ cạnh tranh ở quy mô hệ thống kinh tế - xã hội với phương Tây.

Ông Biden cũng muốn thúc đẩy các đồng minh ngoài châu Âu, như Australia, cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

"Nói rộng ra, các cuộc gặp sẽ không đặt nặng vấn đề kết quả, đó sẽ là những cuộc gặp để tìm hiểu lẫn nhau một lần nữa đối với Mỹ và châu Âu, hay để gửi đi thông điệp tới Tổng thống Putin. Ông Biden sẽ tìm cách hồi sinh các liên minh lâu đời, cho thấy rằng nước Mỹ đã trở lại đúng hướng", Richard Haass, chủ tịch cơ quan tư vấn chính sách Council on Foreign Relations, nhận xét.

Đối mặt hoài nghi từ các đồng minh

Đây sẽ không phải chuyến đi dễ dàng với Tổng thống Biden. Lãnh đạo các nước trên thế giới đa phần vẫn chưa khôi phục hoàn toàn niềm tin với Washington.

Bốn năm người tiền nhiệm Donald Trump theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết" làm lung lay ngay cả những liên minh lâu đời nhất giữa hai bờ Đại Tây Dương.

"Trong thời khắc bất ổn trên quy mô toàn cầu này, khi thế giới vẫn vật lộn với đại dịch trăm năm có một, chuyến công du sẽ nhằm hiện thực hóa cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác, cho thấy năng lực của chúng ta có thể ứng phó với những thách thức, cũng như răn đe các đe dọa nổi lên trong kỷ nguyên mới", Tổng thống Biden viết trên Washington Post.

Tổng thống Biden sẽ dành 5 ngày đầu chuyến công du ở Anh. Tại đây, ông Biden sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7, làm việc cùng Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson cũng như diện kiến Nữ hoàng Elizabeth.

ong Biden cong du nuoc ngoai anh 4

Quan hệ giữa Mỹ và một số nước EU sứt mẻ sau 4 năm nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: DPA.

Từ ngày 14/6, ông Biden sẽ tới Brussels, Bỉ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo NATO, cũng như làm việc với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).

Lúc này, chia rẽ đang nổi lên trong nội bộ EU khi đánh giá về quan hệ an ninh với Mỹ. Các nước ở Đông và Trung Âu hy vọng Mỹ sẽ cam kết sâu hơn, trước những động thái ngày càng quyết liệt của Nga tại biên giới với Ukraine.

Đức, quốc gia có tiếng nói lớn nhất tại châu Âu lục địa, mong muốn Mỹ sẽ duy trì hiện diện quân sự ở nước này, để Berlin không phải chi tiền cải thiện năng lực quốc phòng.

Trong khi đó, Pháp lại hoài nghi cho rằng Washington không còn là đối tác đáng tin cậy như xưa, và rằng EU cần tự chủ nhiều hơn nữa về an ninh và chiến lược trong tương lai.

"Các nước châu Âu thật sự lo ngại khuynh hướng của ông Trump sẽ trở lại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, hoặc trong kỳ bầu cử tổng thống tiếp theo", Alexander Vershbow, cựu phó tổng thư ký NATO, nhận định.

Trình tự chuyến công du được sắp xếp rõ ràng có chủ đích. Tổng thống Biden sẽ có một tuần tham vấn với các đồng minh phương Tây, để xây dựng lòng tin và sự đoàn kết, trước khi ông bước vào cuộc gặp Tổng thống Putin.

Cạm bẫy chờ đợi

Hai trong những vấn đề có thể tạo ra căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh là biến đổi khí hậu và thương mại, di sản sau 4 năm quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương sóng gió dưới thời Trump.

Và trong bối cảnh Mỹ đang dư thừa vaccine Covid-19, lãnh đạo một số nước có thể gây sức ép yêu cầu Tổng thống Biden chia sẻ nguồn vaccine cho phần còn lại của thế giới.

Một trong những vấn đề trọng tâm của các cuộc thảo luận sẽ là Trung Quốc. Các lãnh đạo G-7 sẽ công bố một chương trình tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng dành cho các nước đang phát triển, nhằm cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến Vành đai, Con đường của Bắc Kinh.

Nhưng, trong khi Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh định hình nên thế kỷ 21, không phải mọi quốc gia châu Âu đều coi Bắc Kinh là mối đe dọa.

Tới nay, EU đã né tránh công khai một lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong các vấn đề như Hong Kong, Tân Cương theo đề nghị của Washington. Dù vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy châu Âu sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh.

Tháng 3 vừa qua, EU đã công bố lệnh trừng phạt nhắm vào 4 quan chức Trung Quốc bị cáo buộc liên quan tới vấn đề Tân Cương. Trung Quốc đáp trả bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhiều thành viên Nghị viện châu Âu.

ong Biden cong du nuoc ngoai anh 5

Những vấn đề trong quan hệ với Nga và Trung Quốc sẽ là thách thức chờ đợi ông Biden trong chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị tổng thống. Ảnh: Reuters.

Trong ngày cuối cùng của chuyến công du, Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp tay đôi với người đồng cấp Nga Putin ở Geneva, Thụy Sĩ.

Với Nga, Tổng thống Biden có cách tiếp cận rất khác người tiền nhiệm.

Dưới thời Trump, Nhà Trắng khởi đầu bằng cử chỉ thân thiện với Điện Kremlin. Cuộc gặp thượng đỉnh tháng 7/2018 ở Helsinki giữa lãnh đạo hai nước được nhớ đến với việc cựu Tổng thống Trump bác bỏ cáo buộc mà giới chức tình báo Mỹ đưa ra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.

Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, ông Biden quyết tâm cho thấy thái độ cứng rắn đối với Nga nói chung cũng như Tổng thống Putin nói riêng. Và Moscow cũng thẳng thừng đáp trả.

Trong cuộc gặp ngày 16/6 tới, nhà lãnh đạo nước Nga nhiều khả năng sẽ công kích vai trò lãnh đạo thế giới tự do, hình mẫu toàn cầu mà Mỹ luôn muốn xây dựng. Đây cũng là cách để ông Putin nhắc nhở Tổng thống Biden rằng Washington không ở vị thế có thể chỉ trích các vấn đề nội bộ của Nga.

Vụ bạo loạn ở Điện Capitol, cũng như tranh cãi xoay quanh cáo buộc gian lận bầu cử từ phía cựu Tổng thống Trump, sẽ là công cụ ông chủ Điện Kremlin có thể tận dụng.