Grand

TP.HCM tiếp tục giãn cách, kịch bản nào cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10?

Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM nên duy trì tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 để đảm bảo công bằng và đáp ứng đúng nguyện vọng của thí sinh.

Theo quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, từ hôm nay (15/6), toàn TP sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng thêm hai tuần. Điều này đồng nghĩa với việc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tiếp tục bị lùi lại và chưa biết sẽ triển khai vào thời gian nào.

Hủy toàn bộ đề thi, giải phóng hội đồng thi

Thống kê của Sở GD&ĐT, năm nay TP.HCM có hơn 99.000 học sinh (HS) lớp 9 tốt nghiệp THCS. Trong đó, 83.324 thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập trên địa bàn là gần 70.000.

Theo kế hoạch ban đầu, TP sẽ tổ chức 140 điểm thi, trong đó có 10 điểm thi lớp chuyên và tích hợp. Thời gian thi diễn ra trong hai ngày 2 và 3/6.

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến ngày càng phức tạp tại TP.HCM, ngày 31/5, UBND đã quyết định TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội trong hai tuần theo Chỉ thị 15 (riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo Chỉ thị 16).

Ngay sau đó, Sở GD&ĐT thông báo tạm dừng tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm học 2021-2022 cho đến khi có thông báo mới.

Sau 14 ngày, TP.HCM vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 thêm hai tuần. Điều này đồng nghĩa với việc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chưa thể diễn ra. HS và các trường THCS tiếp tục tổ chức ôn thi trực tuyến cho khối 9 để chuẩn bị tốt cho kỳ thi.

Báo cáo tại cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM diễn ra ngày 14/6, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết TP có 702 HS trong các khu phong tỏa, cách ly. Trong đó, có sáu em diện F0, 48 em F1 và 218 em F2. Giáo viên có bảy F0, 133 F1, 594 F2 và có 387 giáo viên trong các điểm phong tỏa, cách ly. Riêng ở khối 9 có đến 108 HS trong khu phong tỏa, cách ly.

Theo ông Dũng, khi quyết định tạm hoãn thi, sở dự kiến tổ chức thi trước ngày 25/6 nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, kỳ thi dự kiến sẽ rất khó tổ chức. Vì vậy, sở đã tiến hành hủy toàn bộ nội dung đề thi và giải phóng hội đồng sao y đề thi để chuẩn bị lại.

Thi tuyển hay xét tuyển?

Với TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là kỳ thi quan trọng để phân luồng HS sau THCS. Trong hơn 83.000 HS sẽ dự thi, chỉ có gần 70.000 em vào các trường THPT công lập. Còn lại các em sẽ phân luồng vào các trường tư thục, giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề.

Đây là điều khiến nhiều phụ huynh, HS không khỏi lo lắng và áp lực. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp, liệu rằng kỳ thi tiếp tục duy trì hay có phương án nào khác?

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 sớm sẽ không ổn.

Tuy nhiên, theo ông Phú, đặc thù của TP.HCM có mật độ dân cư đông, số lượng HS đăng ký dự thi lớp 10 cao trong khi chỉ tiêu trường công hạn chế, nhất là các trường chuyên. Do đó, việc xét tuyển là không khả thi mà phải duy trì thi tuyển. Bởi ông Phú cho rằng thi tuyển mới công bằng, đáp ứng đúng nguyện vọng của HS và giải quyết được vấn đề chỉ tiêu của các trường, nhất là khối trường chuyên.

w-p13-onthilop10pntf-1623714491363-162371449303137018987-1623719429.jpgEm Nguyễn Thanh Tâm Thy, HS Trường THCS Ngô Chí Quốc (TP Thủ Đức), tranh thủ ôn bài trong thời gian giãn cách. Em cho biết chưa được thi nên cũng hồi hộp nhưng không quá lo lắng vì hằng ngày em học ôn trực tuyến với thầy cô hay tự học cũng không quá căng thẳng. Ảnh: KHA NHIÊN

“Theo tôi, TP.HCM nên chờ hết dịch để tổ chức thi, thậm chí đến đầu tháng 8 thi vẫn được vì công tác chấm thi và hoàn thành điểm số trong vòng hai tuần là đủ. Không nhất thiết phải ngày 5/9 làm khai giảng để bắt đầu năm học mới, chúng ta có thể lùi và đồng thời vừa triển khai dạy trực tuyến lẫn trực tiếp để rút ngắn chương trình” - ông Phú nói.

Ông Phú lưu ý thêm đây cũng là một kinh nghiệm cho ngành giáo dục khi xây dựng kế hoạch cho những năm học sau. Ngoài thi tuyển thì nên có thêm phương án dự phòng khác và thông báo trước đến toàn thể HS để các em có sự chuẩn bị và nghiêm túc trong học tập.

Cùng quan điểm này, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM), cho biết hiện trường đang lo lắng vì trường vừa được bàn giao cho ngành y tế để sử dụng làm khu cách ly dự phòng trong khi trường là điểm thi cho cả kỳ thi lớp 10 lẫn thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Do đó, trường vừa gửi báo cáo lên cấp trên để xem xét, có phương án bố trí lại điểm thi phù hợp.

Theo bà An, trong tình hình hiện nay, việc đưa ra phương án thi tuyển hay xét tuyển cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn và chất lượng.

Tuy nhiên, theo bà An, phương án xét tuyển rất khó để thực hiện tại TP.HCM. Bởi xét tuyển cần có sự chuẩn bị tiêu chí về cách tính điểm. Nếu tính điểm dựa vào học bạ hay kỳ kiểm tra sẽ không đánh giá đúng năng lực HS, sẽ không công bằng giữa các trường THCS, giữa các địa bàn quận, huyện.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Sở GD&ĐT TP nên chuẩn bị ba phương án.

Thứ nhất, theo ông Ngai, TP vẫn tổ chức thi tuyển sinh như mọi năm vì TP có độ chênh lớn giữa tỉ lệ số HS dự thi và số HS mà trường tiếp nhận (tỉ lệ chọi). Việc này sẽ đảm bảo công bằng và đáp ứng được nguyện vọng của HS. Hơn nữa, TP.HCM đã có kinh nghiệm tổ chức thi tuyển nhiều năm, nếu có sự chuẩn bị tốt thì đây là phương án tốt nhất. Tuy nhiên, việc tổ chức thế nào sẽ phụ thuộc việc kiểm soát dịch bệnh.

Thứ hai, nếu tình hình dịch kéo dài, TP có thể áp dụng phương án chỉ tổ chức thi tuyển cho các trường chuyên, lớp chuyên. Còn lại các trường thường, lớp thường sẽ thực hiện xét tuyển.

Thứ ba, tổ chức xét tuyển toàn TP. Khi đó, cần có những tiêu chí về học lực, hạnh kiểm của HS ở THCS, nhất là lớp 9. Trong đó, có thể chú trọng điểm trung bình ba môn chính là toán, văn, ngoại ngữ và một số tiêu chí khác.

Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tình thế vì sẽ không công bằng. Điểm học bạ ở lớp của HS chưa khách quan và chất lượng giữa các môn, các giáo viên ra đề, các trường, các địa bàn...

(Theo plo.vn)