Sở Công Thương TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) về việc hỗ trợ xét nghiệm tầm soát diện rộng dịch Covid-19 tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức.
3 chợ đầu mối có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao
Theo Sở Công Thương TP.HCM, hàng đêm tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức có hàng ngàn tấn hàng nông sản từ các tỉnh được nhập về, trong đó có cả hàng hóa từ vùng dịch như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương
Lượng xe vận chuyển hàng hóa, người điều khiển phương tiện gồm tài xế, phụ xế, thương nhân đi cùng từ các tỉnh về thành phố và ra vào khu vực chợ rất đông. Do đó công tác phòng, chống dịch tại các chợ đầu mối cần phải đặc biệt chú trọng.
Sở Công Thương TP.HCM nhận định dịch Covid-19 đang có xu hướng diễn biến phức tạp, hệ thống các chợ nói chung và các chợ đầu mối nói riêng với đặc điểm tập trung đông người, hoạt động giao dịch và lịch trình đi lại rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao.
Chưa kể, hàng hóa từ 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đang được phân phối đến 234 chợ truyền thống trên thành phố và rất nhiều chợ lẻ tại một số địa phương khác.
"Trường hợp phát sinh ca bệnh tại chợ đầu mối sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng với tốc độ lây lan nhanh, rộng, khó khăn trong việc cô lập, truy vết xử lý", lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM nhận định.
Do đó, để đảm bảo lưu thông và cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, Sở này đề nghị cần ưu tiên xét nghiệm tầm soát diện rộng Covid-19 đối với cán bộ, nhân viên các đơn vị quản lý chợ, thương nhân, người lao động đang làm việc, hoạt động tại 3 chợ đầu mối.
Trước đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng đề xuất xem xét bổ sung đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với thương nhân, nhân viên và người lao động tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn và một số chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn.
Tiềm ẩn nguy cơ Covid-19 ở chợ tự phát
Thực tế, không riêng các chợ đầu mối, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng hiển hiện tại một số chợ truyền thống, chợ tự phát tại TP.HCM khi lượng người tập trung vào giờ cao điểm khá đông.
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) ghi nhận của phóng viên cho thấy, cứ đầu giờ sáng và giờ tan tầm, các con đường xung quanh chợ như Vũ Tùng, Trịnh Hoài Đức nhộn nhịp người bán, người mua. Người bán rau cải, thịt cá, trái cây bày hàng ê hề hai bên đường, người đi xe máy dừng lại mua thực phẩm. Người và xe nhích nhau từng chút một.
Trên đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), có một chợ tạm hoạt động cũng khá nhộn nhịp vào buổi sáng. Khu vực thực phẩm tươi sống, rau củ quả là đông khách nhất. So với thời gian trước, người mua lẫn người bán đã chủ động đeo khẩu trang để phòng dịch nhưng thỉnh thoảng vẫn kéo xuống cằm cho… dễ thở.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cũng xác nhận xung quanh một số chợ trên địa bàn hiện vẫn tái diễn tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường. Các điểm này thường tập trung đông người làm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Một số người lại chủ quan, lơ là, không tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang không đúng cách, không đảm bảo giãn cách tối thiểu.
Sở vừa có văn bản yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tăng cường kiểm soát chấn chỉnh tình trạng kinh doanh, buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường xung quanh các chợ. Trong tình hình Covid-19 phức tạp, cần ưu tiên bố trí thành lập các chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình thực tế.
Các quận huyện được yêu cầu xử lý nghiêm và tiến đến giải tỏa dứt điểm các điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng, lề đường; vận động người dân chọn mua thực phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.