Grand

"Người nổi tiếng không phải thích nói gì trên mạng cũng được!"

“Đừng nghĩ tài khoản mạng xã hội là của cá nhân mình thì muốn nói gì, viết gì, làm gì trên đấy cũng được”, luật sư nêu quan điểm.

Mới đây, trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng đối với NSƯT Đức Hải sau những lùm xùm xung quanh phát ngôn với lời lẽ thô tục trên facebook cá nhân của nghệ sĩ này.

Bàn về câu chuyện phát ngôn, bình luận trên mạng xã hội, dư luận cho rằng, bất kỳ ai tham gia cũng đều phải tuân thủ các nguyên tắc cộng đồng, tôn trọng pháp luật. Đặc biệt là những nghệ sĩ, những người của công chúng thì càng không thể lên mạng phát ngôn “bừa”, dùng lời lẽ thô tục.

luat-su-bui-dinh-ung-1623548884.jpgLuật sư Bùi Đình Ứng.

Nhìn nhận xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Đừng nghĩ tài khoản mạng xã hội như facebook, youtube, zalo… là của cá nhân mình thì mình muốn nói gì, viết gì, làm gì trên đấy cũng được. Mọi phát ngôn và hoạt động trên mạng xã hội đều phải có chuẩn mực, phải tuân theo quy định của pháp luật, dù bất kể là ai. Đặc biệt, những nghệ sĩ hoặc những người có ảnh hưởng sâu rộng ngoài xã hội thì càng cần phải lưu ý điều đó. Những phát ngôn trên mạng xã hội thể hiện trình độ văn hóa, đạo đức của mỗi người”.

Cũng theo luật sư Bùi Đình Ứng: “Nếu phát ngôn “bừa” trên mạng xã hội còn có thể vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như có những lời lẽ thô tục, phản cảm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dich điện tử.

Còn nếu như không có căn cứ mà bôi nhọ, vu khống người khác thì có thể bị xem xét, xử lý hình sự về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, làm nhục người khác”.

dien-vien-duc-hai-1623548880.jpg

Nghệ sĩ ưu tú Đức Hải.

Vị luật sư phân tích: “Đối với những người của công chúng, dù là một lời nói hoặc một hành động trên mạng xã hội sẽ có sự ảnh hưởng lớn đối với dư luận, xã hội. Ví dụ như một số nghệ sĩ là thần tượng của nhiều người, trong đó phần lớn là giới trẻ. Nếu những nghệ sĩ đó ứng xử văn minh trên mạng xã hội thì sẽ có sự lan tỏa tốt trong xã hội. Nhưng nếu họ có những hành động thiếu văn hóa, lời nói phản cảm, thô tục thì vô hình trung sẽ ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, việc tiếp thu văn hóa của giới trẻ… Điều đó rất nguy hiểm. Do đó, những hành vi thiếu văn hóa, thiếu đạo đức trên mạng xã hội cần được ngăn chặn, lên án”.

nghe-si-duc-hai-noi-tuc-tren-mang-1623548894.jpg

Ảnh minh họa.

Quay trở lại câu chuyện ồn ào của nghệ sĩ Đức Hải, luật sư Bùi Đình Ứng nêu quan điểm: “Sự việc trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng đối với NSƯT Đức Hải sau những lùm xùm về phát ngôn thô tục trên mạng xã hội, tôi cho rằng là rất kịp thời, để đảm bảo uy tín cho nhà trường”.

“Ngoài ra, theo quan điểm của tôi, ở đây, nghệ sĩ Đức Hải mới chỉ bị miễn nhiệm chức vụ quản lý, chứ chưa phải là hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức. Sau khi sự việc liên quan đến nghệ sĩ Đức Hải được làm rõ thì cơ quan cấp trên hoặc trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn vẫn có thể tiếp tục xem xét xử lý cán bộ tùy theo mức độ vi phạm”, luật sư Bùi Đình Ứng nhấn mạnh.