Hồi tháng 10, Nguyễn Noah (Lại Ngứa Chân) tới Nam Sudan, quốc gia giành được độc lập năm 2011 sau nhiều thập kỷ xung đột sắc tộc, trong chuyến du lịch vòng quanh châu Phi. Anh ghé thăm các bộ lạc như Lotuko - nơi người dân từng sống trong hang đá hay Toposa - nơi người dân sống trên mỏ vàng, đeo vàng bạc từ đầu đến chân. Đặc biệt, Noah dành 5 ngày sống cùng bộ lạc Mundari và liên tục đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác trước lối sống của họ.
Mundari là một trong những nhóm dân tộc bản địa tại khu vực thung lũng sông Nile, có cuộc sống còn nguyên sơ, gần gũi với thiên nhiên. Hiện có khoảng 100.000 người Mundari sống ở Nam Sudan, chủ yếu ở bắc Juba, cách thủ đô nước này khoảng 75 km.
Noah tới làng của bộ lạc Mundari vào những ngày cuối hành trình ở Nam Sudan. Các ngôi nhà trong làng như đúc từ một khuôn với mái lá, tường đất và khung gỗ. Xung quanh các ngôi nhà phảng phất mùi khói từ cỏ và lá dừa được đốt nhằm xua đuổi "rắn và côn trùng", theo người trong làng.
Vào sáng ngày thứ ba, Noah được chứng kiến một đám cưới kiểu Mundari. Cô dâu phải ở trong một ngôi nhà nhỏ, không được ra ngoài cho tới khi quan viên hai họ về hết. Đặc biệt, chú rể cũng không xuất hiện vì "đang bận chăn bò" và được nói sẽ trở lại làng sau hai ngày nữa.
Theo lẽ thường, cô dâu không được gặp ai nhưng một vị khách từ phương xa như Noah là ngoại lệ. Anh được phép vào gặp cô dâu trước cả chú rể. Trong cuộc trò chuyện, cô dâu tiết lộ mình "đáng giá" 80 con bò, con số cao hơn mặt bằng chung. Với người Mundari, bò là thứ quan trọng nhất và mọi giá trị đều có thể được quy ra bò.
"Số bò tùy thuộc vào người phụ nữ, các cô thấp bé đáng ít bò, người cao sẽ nhiều hơn. Ai không có bò chẳng bao giờ cưới được vợ", một người đàn ông cho biết đã trả 35 con bò để cưới vợ nói với Noah.
Trong thời gian này, Noah đến một bãi chăn thả có hàng nghìn con bò trắng giống Ankole Watusi với cặp sừng khổng lồ, được ví như "vua của các loài gia súc".
Người Mundari thường lưu lại một bãi chăn thả khoảng hai đến ba tháng. Khi hết cỏ, họ lùa đàn bò tới một bãi khác rậm rạp hơn.
Buổi sáng, những đứa trẻ sẽ bốc phân bò để dọn sạch khu chăn thả. Sau đó, phân được đốt để "xua đuổi côn trùng". Phần tro sau khi đốt cũng có thể được trát lên người, tạo thành lớp cách nhiệt trong ngày nóng bức.
Các bãi chăn thả thường ở cách xa làng và khan hiếm nước, nên người Mundari thường tận dụng nước tiểu bò thay nguồn nước sinh hoạt. Ở một góc của bãi chăn thả, một người đàn ông dùng những bình nước tiểu bò dội lên đầu. Ở một góc khác, một người rúc thẳng đầu vào một con bò đang đi tiểu và dùng tay hứng nước tiểu để rửa mặt, gội đầu một cách sảng khoái.
Đi thêm một đoạn, trước mắt Noah là một người đàn ông đang uống chai nước tiểu bò và cho biết nước có vị mặn. "Chúng tôi thậm chí còn rửa bình sữa bằng nước tiểu bò", người này nói và cho rằng nước tiểu bò là "thần dược chữa bệnh da liễu".
Bò còn gắn chặt với đời sống người Mundari bằng nguồn sữa. Từ nhỏ, họ đã uống sữa trực tiếp từ bầu sữa bò. Thỉnh thoảng, họ cũng vắt sữa vào các bình nước để đem ra chợ đổi lấy gạo về nấu cháo.
Để đáp lại những gì đàn bò mang tới, buổi sáng, người Mundari thường dùng hỗn hợp làm từ tro và nước tiểu trát lên người con bò, rồi mát xa nhẹ nhàng cho chúng. Việc này giúp con bò thoải mái và "cho ra nguồn sữa, thịt chất lượng hơn".
Uống sữa trực tiếp hay tắm nước tiểu bò vẫn chưa phải hình ảnh lạ nhất Noah chứng kiến. Để kích thích bò cái cho ra nhiều sữa trước khi vắt, người Mundari còn úp mặt vào hậu môn bò để "thổi khí". Mỗi lần thổi khí có thể kéo dài tới 4 phút, người này mệt sẽ có người khác vào thay. Theo người Mundari, việc "thổi khí" cũng có tác dụng khiến những con bò bỏ rơi con chấp nhận lại con của chúng.
Kết thúc 5 ngày sống cùng bộ lạc Mundari và trở lại cuộc sống bình thường, Noah vẫn tưởng tượng thấy mùi cỏ cháy hòa lẫn phân bò hay mùi từ những bình nhựa đựng nước tiểu. Cuộc sống "trần trụi" của họ trở thành một phần không thể quên trong hành trình chinh phục những vùng đất ít người đặt chân tới của Noah.
Theo VnExpress