Chị A là nhân viên văn phòng của một công ty nọ. Một ngày đẹp trời, bỗng nhận được quyết định “miệng” của một vị phó phòng rằng chấm dứt Hợp đồng cùng chị…nhưng không hề nêu rõ lý do. Chị A không nói gì mà chỉ đề nghị vị phó phòng này cho chị hoàn tất hết công việc đã giao trong tuần, sau đó, chị bàn giao công việc và sẽ nghỉ. Khi hoàn thành công việc xong, chị chưa kịp nghỉ thì vị Giám đốc mời chị lên làm việc và nói rõ, chị cứ làm công việc của mình mà không nghỉ việc, vì đó là quyết định của phó phòng còn Giám đốc thì không chấp nhận quyết định ấy, bởi Giám đốc thấy chị có năng lực và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Một tình huống khác, anh B quyết định nghỉ việc. Nhân viên nghỉ việc là điều rất bình thường nhưng đây là trường hợp “lạ”. Hôm nay thông báo, ngày mai nghỉ luôn mà không bàn giao bất cứ thứ gì khiến mọi người ở lại một phen điêu đứng. Anh ứng tuyển vào một công ty khác, khi được hỏi lý do nghỉ việc, anh không ngừng chê trách sếp cũ bạc bẽo, chê bai đồng nghiệp cũ bất tài, chê công ty cũ bất lương. Kết quả, anh trượt phỏng vấn. Lý do sếp mới là người quen của sếp cũ và đã được nghe kể về “chiến tích” của anh.
Với bất kỳ ai đi làm cũng vậy, khi nộp đơn nghỉ việc với bất cứ lý do gì thì tâm lý ở tháng làm việc cuối cùng thường là cảm giác được giải thoát vì thoát khỏi đống bề bộn mà bạn đã lặn ngụp quá lâu. Vì thế nên sau khi thông báo nghỉ việc là thời gian bạn buông xuôi, thậm chí chểnh mảng công việc, không buồn thực hiện công tác bàn giao hoặc chỉ bàn giao qua loa cho có nhưng đừng quên, chúng ta rồi cũng sẽ là người mới ở một công ty mới, may mắn thì được bàn giao đầy đủ, đỡ phải bỡ ngỡ không thì cũng phải nhận lấy tồn động công việc mà ai đó để lại. Do đó, hãy luôn tâm niệm rằng, mình muốn được nhận bàn giao ở nơi mới như nào thì mình sẽ bàn giao ở nơi cũ như thế đó. Cũng giống như một cuộc chơi sòng phẳng, có qua thì có lại.
Nếu chúng ta phụ trách những công việc còn dang dở, hãy cố gắng giải quyết triệt để trước khi bạn chính thức thôi việc. Điều này sẽ giúp người đến sau không phải đào bới khổ sở giữa một mớ bòng bong mà chẳng tài nào tìm ra nút thắt, cũng sẽ hạn chế việc bạn phải nhận những cuộc gọi làm phiền kiểu như Dự án này được thanh toán chưa? Hồ sơ này giải quyết đến đâu rồi?...Những đầu mối này là ai còn phụ thuộc vào công việc mà bạn phụ trách là gì? Đó có thể là những đối tác làm ăn, có thể là đơn vị cung cấp văn phòng phẩm, có thể là anh trai giao nước, cũng có thể là chị gái giao hoa,... Dù là ai đi chăng nữa, nếu người mới đến khi bạn còn “tại vị”, hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tâm và chu đáo của mình bằng cách đưa họ vào các nhóm chat hoặc cho họ gặp mặt trực tiếp với các đối tác và thông báo rằng họ sẽ đảm nhận vị trí của bạn trong tương lai. Vì biết đâu đó, ở công ty mới cũng sẽ có những người tiền nhiệm sẽ vui vẻ giúp đỡ bạn như điều mà bạn đã từng làm.
Để lại cho người mới những lời nhắn nhủ qua cách chỉ hướng dẫn về công việc, chúng ta còn có thể bật mí cho người mới những mẹo nhỏ để cuộc sống chốn công sở suôn sẻ và nhẹ nhõm hơn. Chẳng hạn như làm thế nào khi sếp không vui, sếp thường vui vẻ ký giấy tờ vào khung giờ nào, phải làm sao để chị gái phòng kế toán thôi hạch sách và cau có... Những điều nhỏ nhặt thế thôi nhưng chẳng hề tầm thường chút nào. Tin rằng ở nơi làm mới, chúng ta cũng mong mỏi ai đó có thể chia sẻ với mình những điều bé nhỏ như vậy. Sau cùng, gửi lời cảm ơn đến sếp và đồng nghiệp cũ, vì khi chúng ta nghỉ việc ở một công ty, không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ gặp lại những người cũ mà biết đâu, chính những người sếp cũ, đồng nghiệp cũ sẽ là người giới thiệu cho chúng ta một công việc mới phù hợp hơn hoặc đơn giản là vài câu khen ngợi để giúp bạn tạo thiện cảm với sếp mới, những đồng nghiệp mới. Dù ít hay nhiều, chúng ta cũng đã học được nhiều thứ từ công ty cũ và nên gửi lời cảm ơn cuối cùng để cho nhau những kỷ niệm đẹp.