Ngoái đầu nhìn lại cũng đã gần 30 năm trôi qua. Thời gian ấy cũng đủ để cho con người cảm nhận mọi việc trong cuộc đời. Nó đi qua một cách nhẹ tênh như ngọn lau mềm, như những hạt bụi phù sa của đất đỏ Bzan nơi núi rừng Tây nguyên hung vĩ. Những hạt bụi phù sa bám đầy lên tóc của cô gái Gia Rai căng đầy sức sống ở độ tuổi xuân thì ....
Tất cả đã trở thành kỷ niệm. Kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, của những ước mơ và hoài bão của cuộc đời. Cái ngoái đầu nhìn lại ấy tóc cũng đã bạc theo thời gian. Phải chăng dòng chảy của thời gian là định mệnh để phủ mờ tất cả? Phải chăng chỉ có tâm trí con người mới lưu giữ được những cung bậc thăng hoa của cảm xúc trên những chặng đường đã qua mà giờ chỉ còn là kỷ niệm?
Ngày ấy, cũng tiết trời chớm đông, chúng tôi lại háo hức cùng nhau thực hiện nhiệm vụ của mình trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn. Nơi ấy có nắng và gió, thoang thoảng đâu đó vang vọng tiếng túc chinh của người dân bản địa: Người Gia Rai - còn gọi là Jarai (Jrai) hay Ană Krai (con của rồng) quanh đơn vị huấn luyện. Mùa này những búp hoa Dã quỳ đang lung linh trong gió. Nó như đang nấp mình trong sự kiêu hãnh của tiết trời hanh khô để chờ thời khắc tỏa hương khoe sắc dâng đời. Chúng tôi chỉ thật sự hạnh phúc với những ngày nghỉ cuối tuần khi nhận được chiếc vé thông hành ra vào cổng. Những khi ấy, chúng tôi hạnh phúc với những dự tính tưởng chừng như đơn sơ nhưng to lớn biết dường nào trong cả tháng trời trông ngóng. Hạnh phúc ấy chỉ đơn giản là được ra khỏi cổng đơn vị để cầm ổ bánh mì với nhân là chiếc bánh chưng ngồi bên ly cà phê Phin, ngắm nhìn từng giọt cà phê lắng đọng. Anh em chúng tôi khi đó ai cũng nhìn những giọt cà phê trong sự hạnh phúc, rồi nhoẻn nụ cười trên đôi môi của lứa tuổi 20 căng đầy nhựa sống ...
Thế rồi không lâu, chúng tôi rời mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn để về đơn vị công tác. Chia tay nhau trong những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má của những chàng trai đã cùng nhau đi qua những tháng quân trường khắc nghiệt. Nơi đó chúng tôi học cách thấu hiểu, lắng nghe, tự rèn mình, tự đưa mình vào trong khuôn khổ kỷ luật thép. Chúng tôi vẫn còn nhớ như in những đêm đi bộ gần 40km trên khắp các triền đồi, đi qua các buông làng khi hành quân. Khi ấy anh em thầm nhủ không sợ sương đêm, không sợ nước mưa, chỉ sợ mồ hôi chảy thành dòng để rồi có những thằng không đi nổi. Rời mảnh đất ấy có những thằng còn nợ lại một đống gốc cây to bự mà chưa kịp bổ hết vì bị phạt, rời nơi ấy với những điếu thuốc lá 8 thằng chia nhau ... bởi chúng ta là lính. Thời gian ở cùng nhau, những bộ đồ K82 cũng sờn vai, rách chỉ, thậm chí có lúc chúng tôi nói vui với nhau rằng nếu đem nó để nguyên nó sẽ tự đứng vững bởi lớp bụi dày của đấy đỏ nơi đây ... Rời nơi ấy để rồi chúng tôi cám ơn nhiều hơn về những tháng trui rèn vất vả gian truân để chúng tôi trưởng thành hơn trong trong cuộc sống. Một phần của cuộc sống là những hồi ức và kỷ niệm, vì vậy chúng tôi hàng năm tụ tâp gặp nhau. Điều kiện hoàn cảnh mỗi đứa mỗi khác, có đứa còn, đứa mất, cuộc sống nó vốn dĩ là vậy, thôi thì đành chấp nhận vậy thôi. Còn gặp được nhau được ôm nhau, được bắt tay trong tình đồng chí của một thời đã là quý lắm rồi.
Riêng tôi, chia tay mảnh đất Tây Nguyên với kỷ niệm về sự rung cảm đầu đời của đứa con trai đang chập chững vào đời với bao điều bỡ ngỡ. Những ánh mắt nhìn hoang dại trong mùa dã quỳ đã làm tôi có đôi lúc cảm nhận không thể rời khỏi nơi đây. Cũng bởi tôi là đứa hay tò mò đọc về nó để hiểu rằng loài hoa ấy nó khởi đầu từ câu chuyện tình yêu cảm động của đôi lứa. Họ đã nguyện cùng nhau trong tình yêu của tuổi trẻ.
Đó là vào một năm trời có khí hậu nóng khắc nghiệt của đất trời Tây Nguyên. Nắng tới mức hạn hán làm cho vạn vật trên trái đất đều bị khô héo. Lúc đó, xuất hiện một chàng trai trẻ vì thương dân làng phải sống khó khăn dưới thời tiết nắng nóng không có nước nên đã quyết định từ biệt người yêu để đi tìm nguồn nước cho dân làng. Ngày lại qua ngày, cô gái ngồi bên dòng suối trông mong, chờ đợi người yêu quay trở về. Thời gian cứ như thế trôi qua từ mùa này qua mùa khác. Bỗng nhiên đến một ngày, cô gái ngồi chờ đến tận tối nhưng vẫn không thấy người yêu của mình quay về, cô bỗng sinh lòng lo lắng rồi quyết định chạy đi tìm chàng. Thế nhưng cô đi mãi vẫn không tìm thấy người yêu của mình ở đâu dù đã đi qua hết mười mấy ngọn núi, mười mấy con suối. Dù khó khăn, mệt mỏi như thế nhưng cô gái vẫn không dừng lại mà vẫn cứ mãi đi tìm, đi đến sức cùng lực kiệt rồi ngã xuống, cô ấy đã ngã xuống vì tiếng gọi của tình yêu nơi hoang dã. Về sau, tại chính cái nơi mà cô gái đã ngã xuống, có một loài hoa lạ mọc lên có màu vàng rực. Loài hoa này được mọi người đặt tên là hoa Dã Quỳ. Vì vậy, Dã Quỳ là loài hoa thể hiện cho tình yêu chung thủy và sức sống mãnh liệt. Cây Dã Quỳ thường quen sống ở những nơi có điều kiện khắc nghiệt như khô cằn hoặc sỏi đá sẽ rất dễ mọc và phát triển nhanh. Chính vì vậy, những đóa hoa Dã Quỳ tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt, thủy chung và thể hiện sức sống mạnh mẽ, bền bỉ với thời gian nơi mảnh đất đại ngàn này.
Tôi chia tay Tây nguyên, tôi chia tay em trong chiều cuối Đông nặng trĩu với những hạt mưa, nước mắt em rơi như những giọt sương mai trên cánh hoa Dã Quỳ nhỏ vào lòng đất. Tôi nghĩ đó là những giọt nước mắt của sự chia tay nhưng không hề có cuộc chia tay. Gần 30 năm để tôi nhớ về mùa Dã Quỳ, nhớ về những kỷ niệm đẹp của thời trai trẻ tại Tây nguyên, nhớ và nhớ ... Tôi cám ơn cuộc đời, cám ơn Tây nguyên đại ngàn, tôi mong em hãy mạnh mẽ như những cụm Dã Quỳ kia vươn mình trên con đường hạnh phúc và mãi khoe sắc tỏa hương dân đời. Tôi cám ơn em trong mùa Dã Quỳ vàng sắc, tôi cám ơn em về những gì đã qua và rồi hôm nay nó đã là ký ức của cuộc đời một con người. Tạm gác lại thanh xuân để đến với với ngưỡng cửa gần cuối của cuộc đời, Giờ là hoài niệm với mùa Dã Quỳ trên đất Tây Nguyên./.