Mèo là thú cưng được nhiều người dân chọn nuôi - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Trước những thắc mắc này của bạn đọc, bác sĩ Trần Thiên Tài, trưởng đơn vị Dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, giải đáp những người bị dị dứng với lông chó, lông mèo thì không nên tiếp xúc với chó, mèo.
Nhưng với người bị dị ứng thời tiết thì vẫn có thể nuôi được chó, mèo nếu không bị dị ứng với lông chó, lông mèo.
Muốn biết có bị dị ứng với lông chó, lông mèo hay không, cần chú ý theo dõi sau mỗi lần chăm sóc, tiếp xúc với thú nuôi, cơ thể có các triệu chứng dị ứng hay không?
Khi cơ thể bị dị ứng với lông chó, mèo sẽ có những phản ứng như ngứa da, nổi ban đỏ, hắt hơi, ngứa mũi, nghẹt và chảy nước mũi, nếu người bệnh có mắc bệnh hen phế quản thì có thể lên cơn ho, khò khè, khó thở, nặng ngực...
Để xác định một người có dị ứng với lông chó, mèo hay không, cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng để thăm khám, làm xét nghiệm xác định dị nguyên như test da, test máu để được chẩn đoán chính xác có tình trạng mẫn cảm với lông chó, mèo hay không?
Sau khi thăm khám, kết hợp với kết quả xét nghiệm dị ứng, nếu có dị ứng với lông chó, mèo thì tốt nhất là không nên nuôi hoặc tiếp xúc, còn nếu không bị dị ứng với lông chó, mèo thì vẫn nuôi được bình thường.
Với những người có cơ địa dị ứng như dị ứng thời tiết, có tiền sử về hen phế quản mà trong nhà có nuôi chó, mèo thì có thể áp dụng các biện pháp vệ sinh cho chó, mèo, dùng máy hút bụi để hút, dọn dẹp lông chó, mèo thường xuyên hoặc cách ly vật nuôi khỏi nơi ở nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dị ứng.