Grand

Cần gói hỗ trợ ‘đủ liều’ cho người dân, doanh nghiệp sau thời gian ‘bệnh nặng’ vì COVID-19

NGỌC HIỂN
(CLiCK) - Gói hỗ trợ mới phải thực hiện theo phương châm "5 dễ". Đó là dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện và dễ triển khai. Gói hỗ trợ cũng phải được triển khai nhanh, thần tốc và kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn ngặt nghèo.
Cần gói hỗ trợ ‘đủ liều’ cho người dân, doanh nghiệp sau thời gian ‘bệnh nặng’ vì COVID-19 - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Tuyết (làm nghề lượm ve chai ngụ tại phường Đa Kao, Q.1, TP.HCM) cho biết năm nay vẫn chưa nhận được hổ trợ - Ảnh: T.T.D.

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về gói hỗ trợ mới, sau khi Bộ Chính trị đồng ý chủ trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc thực hiện gói cũ và tiếp thu kinh nghiệm, biện pháp hỗ trợ của các nước trên thế giới.

Ông Ngân nói: Dù vậy, việc kiểm soát, dập được dịch sớm hơn, nhanh hơn là sự hỗ trợ bức bách nhất lúc này.

* Dịch bệnh tái bùng phát khiến cho đời sống nhân dân, các hộ sản xuất kinh doanh của TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, sự hỗ trợ nào là thiết thực nhất cho người dân thành phố, thưa ông?

- Đợt tái bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 này hết sức nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng, không chỉ ảnh hưởng những ngành du lịch, dịch vụ, thương mại mà còn đánh vào ngành sản xuất, các khu công nghiệp... Do dịch tái bùng phát nhiều lần nên sức khỏe DN đang suy kiệt, người lao động và người dân cũng gặp khó khăn và những người neo đơn, hộ chính sách lại càng cùng cực.

Trong đó, kỳ họp thứ nhất HĐND TP khóa X đã thông qua đề xuất của UBND TP về gói hỗ trợ COVID-19 với 886 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Với gói hỗ trợ rất sớm này, TP đã hỗ trợ cho rất nhiều đối tượng là người lao động trong các DN, cơ sở sản xuất, cơ sở giáo dục... phải tạm hoãn, nghỉ việc không lương, chấm dứt lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Đặc biệt, những hộ kinh doanh bị ngừng hoạt động theo yêu cầu của TP để chống dịch cũng được hỗ trợ. Với các tiểu thương, gói này cũng hỗ trợ giảm 50% giá thuê sạp ở chợ và hỗ trợ tiền mặt theo định mức trong 6 tháng.

Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời đối với người dân TP khi dịch lần thứ 4 này đã và đang làm TP này "trọng thương" về đời sống kinh tế. Tuy nhiên, theo tôi, gói hỗ trợ thiết thực nhất hiện nay đó là hỗ trợ tiêm vắc xin cộng đồng để giúp người dân bảo vệ sức khỏe, DN duy trì sản xuất, đảm bảo đơn hàng quốc tế và không đứt gãy chuỗi liên kết trong bối cảnh các quốc gia khác đang phục hồi nhanh nền kinh tế.

Cần gói hỗ trợ ‘đủ liều’ cho người dân, doanh nghiệp sau thời gian ‘bệnh nặng’ vì COVID-19 - Ảnh 2.

Bên cạnh gói hỗ trợ tài chính cho người dân, người lao động và cộng đồng DN, việc hỗ trợ tiêm vắc xin và kiểm soát dịch nhanh chóng là hình thức hỗ trợ hiệu quả nhất hiện nay.

Ông Trần Hoàng Ngân

* Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, theo ông, gói hỗ trợ mới này cần phải lưu ý điều gì khi gói hỗ trợ lần 1 còn những hạn chế?

- Theo tôi, gói hỗ trợ này cần đảm bảo nguyên tắc ngắn gọn, dễ hiểu, súc tích, thủ tục đơn giản, tránh phiền hà cho người dân, DN khi tiếp cận gói. Điều này gắn với trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương và người được thụ hưởng cũng phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Cần phải chia ra theo các thành phần là hỗ trợ DN và hỗ trợ người dân, người lao động.

Với DN, cần phải chia nhóm DN, tùy loại hình hoạt động của từng nhóm, mức độ thiệt hại, quy mô, khả năng phục hồi... Đối với DN gặp khó, tạm ngừng kinh doanh như du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, vận tải, hàng không..., phải có những chính sách đặc thù hơn. Đơn cử như cho vay lãi suất bằng 0% thông qua việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn hay cấp bù lãi suất để DN này trang trải các chi phí để trả lương, giữ chân người lao động, sớm bắt nhịp khi hết dịch.

Đặc biệt, cần có những chính sách với ưu đãi tối đa trong việc thuê đất, thuê mặt bằng... để DN cầm cự, duy trì hoạt động, nhất là trong những nhóm ngành đặc thù như hàng không. Trong quá trình xây dựng gói hỗ trợ, Chính phủ cần phải cân nhắc đối với những DN trước đây làm ăn hiệu quả, có đóng thuế nhiều, nộp ngân sách nhiều... phải được hỗ trợ nhiều hơn và đó là sự công bằng.

* Trong bối cảnh tài chính eo hẹp, các gói hỗ trợ càng tăng gánh nặng cho ngân sách và tăng bội chi, liệu rằng chúng ta cần huy động thêm sức dân như giảm tiền thuê mặt bằng, DN hỗ trợ DN...?

- Tôi đồng ý với đề xuất này, đây xem như là "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Trong dân đã có chợ 0 đồng, đã có ATM gạo, tủ lạnh thức ăn miễn phí... thì không có lý do gì mà các DN không có sự hỗ trợ lẫn nhau.

Chính phủ đã dốc sức hỗ trợ người dân, DN thì cộng đồng cũng cần góp sức để người dân hỗ trợ người dân, DN hỗ trợ DN. Ai cho thuê mặt bằng, cho thuê nhà xưởng nếu có thể nên hỗ trợ lẫn nhau lúc gian khó là giảm tiền thuê mặt bằng, giãn thời gian đóng tiền hoặc tạm ngưng thời gian tăng giá mặt bằng...

DN cần tăng cường liên kết, hỗ trợ, san sẻ với nhau trong nguồn hàng, đặt cọc, phí vận chuyển để cùng nhau vượt qua khó khăn đại dịch, đón nhận các đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường Mỹ, châu Âu đã và đang hồi phục kinh tế. Đây là việc mà tôi hoàn toàn tin tưởng cộng đồng DN của chúng ta sẽ làm rất tốt.

Cần nâng quy mô gói hỗ trợ

Theo ông Trần Hoàng Ngân, các quốc gia phát triển đã dành tiềm lực rất lớn để hỗ trợ cho người dân bởi nguồn ngân sách, khả năng tài chính cũng như sức chịu đựng của họ lớn. Thậm chí, có những quốc gia chuyển hẳn tiền vào tài khoản của từng người như ở Mỹ chẳng hạn.

Chúng ta sẽ cố gắng để gói hỗ trợ tốt nhất đến tay người dân, song tiềm lực có giới hạn nên chưa thể làm được như các nước. Thay vào đó, chúng ta đẩy nhanh gói hỗ trợ để làm sao chi đúng đối tượng, hướng đến những người đang gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ để họ vượt qua giai đoạn ngặt nghèo, và điều quan trọng là trên cơ sở công khai, minh bạch.

Điều này tác động rất lớn đến niềm tin của người dân và DN vào hệ thống chính trị của chúng ta. Trong các chính sách, việc giảm thuế thu nhập cá nhân để tất cả người dân có thể tiếp tục được thụ hưởng. Riêng TP.HCM cũng đã có gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Tuy nhiên, với gói hỗ trợ mới đợt này, Chính phủ nên mạnh dạn tăng quy mô gói hỗ trợ cho DN, người lao động khi quy mô GDP đã tăng trên 340 tỉ USD năm 2020 bởi lẽ tại thời điểm này, Chính phủ cần chấp nhận tăng bội chi ngân sách năm nay để tăng gói hỗ trợ đủ liều khi "bệnh" đã nặng hơn sau một thời gian COVID-19 tấn công DN, người dân.

Ở một số nước, hỗ trợ tài chính có thể tương ứng 15-20% GDP, do đó việc nới lỏng hơn các điều kiện, tiêu chí nhận hỗ trợ để nhanh chóng đưa tiền, kích cầu tiêu dùng cho nền kinh tế cũng là vấn đề cần ưu tiên trong gói mới này.