Bên cạnh không khí hào hứng với thành công của ĐT Việt Nam sau 2 chiến thắng liên tiếp trong khuôn khổ bảng G thuộc vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, đề tài về các bình luận viên của VTV cũng được đông đảo CĐV bàn luận khá rôm rả. Trong trận đấu gặp ĐT Indonesia, bộ đôi Tạ Biên Cương - Khắc Cường đã khuấy động không khí bằng rất nhiều câu bình luận được coi là "chất như nước cất" hoặc "đi vào lòng đất".
Nhiều khán giả cho rằng, khi trận đấu diễn ra vào ban đêm, việc tạo cảm hứng với khán giả theo phong cách "không giống ai" của Tạ Biên Cương giúp người xem thoải mái và dễ cuốn theo các pha bóng hơn. Nhưng cũng có không ít ý kiến khẳng định, các pha bình luận của Tạ Biên Cương và người "đá cặp" Khắc Cường chỉ là "hài nhảm", không có sự am hiểu về bóng đá (?)
Tóm lại, khi bộ đôi này bình luận trận ĐT Việt Nam so tài với ĐT Indonesia, đã có 2 "phe" rõ rệt thể hiện sự yêu - ghét với khả năng bình luận theo kiểu "mặn hơn bể muối" của họ.
Nhưng đến đêm qua, khi cặp Biên Cương - Khắc Cường không xuất hiện, 2 BLV thay thế họ ở trận ĐT Việt Nam gặp ĐT Malaysia đã không khiến khán giả phải "đối đầu" lẫn nhau nữa. Họ cùng có một quan điểm: Bộ đôi này bình luận không tạo được cảm hứng, thậm chí là mắc một số lỗi sơ đẳng.
Nhiều khán giả cho rằng, việc BLV bình luận sai các tình huống chuyền bóng, nhầm tên cầu thủ là "không thể chấp nhận được", "chẳng khác nào BLV của Malaysia cài vào", "xem bóng đá thế này thà tắt tiếng ngay từ đầu cho đỡ khó chịu", "giá mà có BLV... nước ngoài tham gia thì tốt, họ nói mình chẳng hiểu gì có khi lại dễ chịu hơn"...
Thực tế, mỗi BLV có phong cách riêng và điều đó tạo ra sự thú vị hoặc tình cảm của khán giả dành cho các BLV lại không giống nhau. Chẳng phải ngẫu nhiên, bất kể bình luận có tiết chế cảm xúc hay không, cứ mỗi lần xuất hiện là BLV Tạ Biên Cương lại khiến "cầu trường dậy sóng". Đây cũng là điều không phải BLV nào cũng có dù suy nghĩ theo cách tích cực hay tiêu cực.
Khán giả ở Việt Nam khó tính khi nghe bình luận bởi đơn giản là họ... quá yêu bóng đá, yêu ĐT Việt Nam. Chính vì tình yêu cháy bỏng ấy, họ luôn đòi hỏi các trận đấu của đội nhà phải có các BLV tài năng vẹn toàn. Nhưng 5 người 10 ý, để thỏa mãn được yêu cầu của mọi khán giả có lẽ là điều bất khả thi.
Trước mỗi trận đấu của ĐT Việt Nam, sẽ có vài triệu "HLV online" chính là những người hâm mộ xuất hiện. Ở bất cứ diễn đàn, khung cảnh nào có thể trao đổi, những "HLV online" này luôn hùng biện rất hay về quan điểm của mình xung quanh chiến thuật, nhân sự của đội bóng họ yêu.
Về việc nghe BLV nào bình luận trận đấu cũng tương tự. Người thì thích nghe kiểu "hàn lâm", uyên bác, đi vào chiều sâu chuyên môn người lại thích dạng "nhí nhố", hài hước và thậm chí là phá cách cũng... không sao.
Do có quá nhiều đòi hỏi tưởng như xuề xòa "thế nào cũng được nhưng thực ra lại kỹ tính đến mức "chỉ muốn tắt tiếng cho nhanh để khỏi nghe bình luận", công việc của các BLV trong các trận đấu của ĐT Việt Nam chắc chắn không dễ để nhận được nhiều lời khen hơn sự chê bai.