Khán giả Việt dễ tính, nghệ sĩ dễ phạm sai lầm
Dưới góc độ tiêu dùng, hành động "tẩy chay" đúng cách có nghĩa là ngừng tiêu thụ các văn hóa phẩm có sự xuất hiện của người nổi tiếng, từ tạp chí, poster quảng cáo cho đến những dự án có nhân vật bị tẩy chay tham gia.
Khi một nghệ sĩ bị tẩy chay, người đó sẽ không thể nhận lời mời hợp tác, ký hợp đồng với các nhãn hàng, đài truyền hình, nhà sản xuất, cũng không thể xuất hiện, phát ngôn trước công chúng trong một thời gian dài.
Bị công chúng quay lưng, đó là "đòn trừng phạt" lớn nhất mà một người nổi tiếng phải chịu đựng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ 'bài học xương máu' mất 15.000 USD vì tiền ảo
|
Thế nhưng, ở Việt Nam hiện giờ, nhiều celeb cứ mặc sức vi phạm chuẩn mực đạo đức, quảng cáo sản phẩm sai sự thật, lừa mọi người đầu tư vào tiền ảo..., nhưng vẫn ngang nhiên xuất hiện trên truyền hình, đều đặn kiếm tiền nhờ công chúng tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều sao Việt quảng cáo tiền ảo
|
Họ bị chỉ trích thời gian đầu, rồi sẽ “ở ẩn” vài tháng cho đến khi dư luận quên bẵng mọi chuyện. Một ngày đẹp trời, họ tái xuất bằng một ca khúc, một bộ phim, một chương trình mới và “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” như chưa có gì xảy ra. Đó là công thức chung để “vượt bão” chỉ trích trong showbiz Việt hiện nay. Thử nghĩ xem, đã bao nhiêu nghệ sĩ áp dụng công thức này và vẫn thành công bất chấp nhiều lần phạm sai lầm?
Sở dĩ tình trạng này cứ xảy ra là vì nhiều celeb Việt chưa có ý thức trách nhiệm với tên tuổi của mình và chưa bao giờ "nếm mùi" trừng phạt thực sự từ phía công chúng.
Mặt khác, phần lớn khán giả Việt cũng chưa học được cách phẫn nộ đúng đắn với nghệ sĩ, bản tính họ lại nhanh quên, dễ tha thứ. Thế nên mới xảy ra tình trạng người nổi tiếng tha hồ "làm càn", coi thường người hâm mộ, dùng sự ảnh hưởng của mình để thao túng dư luận.
Sức mạnh của tẩy chay ở nước ngoài
Về điểm này, ta lại phải noi gương cách khán giả Trung Quốc đối xử với những nghệ sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở nước họ. Đó là trường hợp của những hoa đán như Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng...
Từng là đại hoa đán có sức ảnh hưởng bậc nhất làng giải trí Trung Quốc, sự nghiệp Phạm Băng Băng tiêu tan sau scandal trốn thuế năm 2018. Không những nhận án phạt 883 triệu nhân dân tệ, ngôi sao Võ Tắc Thiên Truyền Kỳ còn bị cấm xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Phạm Băng Băng vẫn chưa thể tìm lại hào quang
|
Kể từ đó, cô không còn nhận được lời mời đóng phim, quảng cáo và phải chuyển sang con đường kinh doanh mỹ phẩm. Ngay cả tạp chí thời trang mời cô hợp tác cũng bị cư dân mạng "ném đá" kịch liệt, cuối cùng phải gỡ bỏ hình ảnh nữ diễn viên họ Phạm trên trang chủ.
"Nữ hoàng thanh xuân" Trịnh Sảng cũng trải qua đợt tẩy chay tương tự với scandal mang thai hộ. Tổng cục văn hóa Trung Quốc ra văn bản cấm sóng cô vĩnh viễn. Nhiều phim Trịnh Sảng tham gia bị gỡ khỏi nền tảng phát sóng. Các nhãn hàng hợp tác với cô nhanh chóng "đường ai nấy đi". Hình ảnh quảng cáo của nữ diễn viên Yêu em từ cái nhìn đầu tiên dần biến mất những nơi công cộng.
Trịnh Sảng phải hầu tòa và bán nhiều tài sản để bồi thường thiệt hại cho các đối tác. Hiện giờ, nữ diễn viên tiếp tục đối mặt với các cáo buộc trốn thuế, hét giá cát-sê... Có lẽ sau vụ này, cô cũng không còn đường trở lại showbiz nữa.
Nhưng đó là những trường hợp phạm luật, còn nói về chuyện quảng cáo sai lừa người hâm mộ, sao Hoa ngữ cũng chẳng thiếu. Năm 2010, Thành Long và Vương Phi từng đứng giữa cơn bão gạch đá vì nhận làm gương mặt quảng cáo cho loại dầu gội đầu chứa chất gây ung thư.
Thành Long bị "ném đá" vì đồng ý quảng cáo cho dầu gội chứa chất gây ung thư
|
Làn sóng tẩy chay lan rộng đến nỗi hãng dầu gội phải thu hồi toàn bộ sản phẩm trên thị trường. Tuy hai ngôi sao gạo cội của làng giải trí Hoa ngữ vẫn "sống sót" qua cơn bão chỉ trích, nhưng vụ việc vẫn để lại vết nhơ không thể xóa nhòa trong sự nghiệp của họ.
Trong khi đó ở showbiz xứ Hàn, các ngôi sao sống nhờ bán hình ảnh tốt đẹp, truyền bá những giá trị tích cực đến với người hâm mộ. Từ đó, công chúng cũng đặt ra chuẩn mực đạo đức khắt khe hơn đối với họ. Đôi khi không cần tới quảng cáo sai sự thật, không cần vi phạm pháp luật, sự nghiệp của họ có thể tan tành chỉ vì “phốt” thái độ, “phốt” nhân cách. Thậm chí, các thương hiệu sẵn sàng cắt đứt hợp đồng với nghệ sĩ khi scandal nổ ra, bất kể scandal đó có được chứng thực hay không.
Seo Ye Ji bị tẩy chay vì phốt nhân cách
|
Gần đây, diễn viên Seo Ye Ji của Điên thì có sao phải đền hợp đồng đóng phim và quảng cáo chỉ vì những dòng tin nhắn yêu cầu bạn trai cũ không được tiếp xúc với đồng nghiệp nữ. Hình ảnh của cô cũng bị gỡ bỏ và thay thế. Tuy bê bối đời tư của Seo Ye Ji không trực tiếp gây ảnh hưởng đến công chúng, nhưng cô vẫn bị chỉ trích là kẻ giả tạo, kiểm soát trong tình yêu.
Đừng tẩy chay nửa vời, kém văn minh
Trong những ví dụ trên, ta thấy hành động tẩy chay của công chúng có sức mạnh khiến các nghệ sĩ phải trả giá bằng "tiền tươi, thóc thật", đánh mất hợp đồng làm việc, thậm chí không còn cơ hội trở lại giới giải trí.
Đã qua cái thời người nổi tiếng chỉ sống bằng tài năng nghệ thuật, phần lớn doanh thu của họ hiện giờ đến từ quảng cáo sản phẩm, đại diện các nhãn hàng. Quảng cáo sai sự thật có thể khiến người dân tiền mất tật mang, dẫn tới nhiều hậu quả khôn lường về mặt xã hội.
Do đó, người hâm mộ không thể cứ dễ dãi dung túng, tự an ủi bản thân rằng mình chỉ quý trọng tài năng của nghệ sĩ mà bỏ qua sai phạm của họ. Tài năng và đạo đức của người nổi tiếng phải là hai mặt của một đồng xu, luôn song hành cùng nhau.
Trước giờ, khán giả Việt chỉ biết đến kiểu tẩy chay kém văn minh thông qua hình thức "bạo lực mạng", lập group antifan, cố tình săm soi những tiểu tiết của nghệ sĩ để hạ bệ, nhục mạ họ. Việc "quay lưng" với người nổi tiếng phải diễn ra đúng người, đúng việc, đúng lúc, góp phần giúp nền giải trí trở nên tốt hơn và làm gương cho thế hệ tiếp theo.
Nền giải trí Việt vốn hoạt động theo nguyên tắc các ngôi sao đi lên nhờ scandal, nhờ tai tiếng. Do đó, khi nghệ sĩ làm bậy, mọi việc được "bình thường hóa" so với chuẩn mực thông thường. Đã đến lúc khán giả Việt tận dụng sức mạnh cộng đồng đúng cách, cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn người nổi tiếng làm bậy, tiếp tay cho hành vi lừa đảo người tiêu dùng. Nghệ sĩ phải "trả giá" thật đắt trước những sai phạm của mình, khi đó, họ mới ý thức hơn về trách nhiệm giữ gìn tên tuổi, trân trọng người hâm mộ.