Manisha Thakor, người sáng lập MoneyZen Financial Education ở Portland, Oregon cho biết: “Việc tìm hiểu các con số của bạn không phải là một bài tập phán đoán - đó là cách để đảm bảo không có (hoặc rất ít) sự cố xảy ra và đặt ra các dự định cho tương lai”.
1. Giá trị ròng
Giá trị ròng là giá trị của tất cả tài sản sau khi đã trừ đi tổng nợ phải trả. Hay nói một cách đơn giản, đó là những gì bạn sở hữu trừ đi những gì bạn nợ.
Thakor nói: “Điều đó giúp bạn kiểm kê được tài sản mình đang có và xác định được tình hình sức khỏe tài chính của bản thân".
Kiểm kê tài sản của bạn trước tiên bằng những câu hỏi như: Bạn có bao nhiêu trong tài khoản ngân hàng? Số dư hiện tại trong danh mục đầu tư và hưu trí của bạn là bao nhiêu? Ngôi nhà của bạn sẽ bán được bao nhiêu nếu bạn rao bán nó vào ngày mai? Bạn có sở hữu bất cứ thứ gì khác không?
Sau đó, hãy kiểm kê những thứ bạn nợ, như khoản vay thế chấp, khoản vay sinh viên, nợ thẻ tín dụng và khoản vay mua ô tô. Tổng số đầu tiên trừ đi số thứ hai bằng giá trị ròng của bạn.
Việc cần làm tiếp theo là: "Bạn đang kiểm tra hai thứ có giá trị ròng, hãy đảm bảo chắc chắn rằng giá trị tài sản đó không âm và nó đang có xu hướng tăng lên", Thakor nói.
Nếu trước đây bạn chưa bao giờ tính giá trị tài sản ròng của mình thì hãy coi đây là điểm chuẩn của bạn. Sự giàu có không nhất thiết phải tăng trưởng theo một đường thẳng hoàn hảo - có thể một năm nào đó thị trường bất động sản sụt giảm hoặc danh mục đầu tư chứng khoán của bạn gặp khó khăn, nhưng bạn muốn làm mọi thứ có thể để đẩy con số này lên cao hơn.
Tất nhiên, nếu tiền lương và chi tiêu của bạn ở mức ổn định, giá trị tài sản ròng của bạn không thể tăng nhiều. Để mọi thứ phát triển, bạn có thể cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để kiếm được nhiều tiền hơn hoặc giữ lại nhiều hơn những gì bạn kiếm được (thông qua tiết kiệm hoặc đầu tư). Hoặc lý tưởng nhất là làm cả hai cùng lúc.
2. Số tiền bạn thực sự có thể mang về nhà
Bạn biết mức lương của mình, nhưng bạn thực sự mang về nhà bao nhiêu?
Rachel Rabinovich, giám đốc kế hoạch tài chính tại một nhóm tài chính - giáo dục ở Brookline, Massachusetts (Hoa Kỳ) cho biết: “Mọi người không mấy quan tâm đến con số đó và có xu hướng đánh giá quá cao số tiền họ kiếm được sau thuế”.
Ngay khi nhận được số tiền bạn có thể thực sự mang về nhà, hãy đảm bảo bạn có thể sử dụng số tiền đó để hỗ trợ các mục tiêu của mình. Thakor là người yêu thích quy tắc 50-30-20: "Một nửa số tiền lương mang về nhà của bạn sẽ dành cho nhu cầu cơ bản, 20% thu nhập dùng tiết kiệm và đầu tư hoặc trả nợ, 30% thu nhập còn lại dùng để phục vụ nhu cầu, mong muốn cá nhân".
Cô nói: “Hầu hết mọi người đều ở mức thấp hơn nhiều so với mức tiết kiệm và vượt xa mức mong muốn”. Vì vậy, đừng hoảng sợ nếu ngân sách của bạn dường như cạn kiệt. Bất kỳ sự tiến bộ nào bạn có thể đạt được đều có giá trị.
3. Điểm tín dụng
Hãy thường xuyên truy cập và xem báo cáo tín dụng miễn phí. Bạn sẽ tìm thấy thông tin chi tiết về bất cứ thói quen chi tiêu nào có thể làm giảm điểm của bạn.
Đồng thời, hãy nhớ kiểm tra lỗi. Theo Ủy ban Thương mại Liên bang, cứ 5 báo cáo bị tranh chấp thì có 1 báo cáo mắc một lỗi và mặc dù hầu hết đều là lỗi nhỏ (chẳng hạn như địa chỉ không chính xác), 20% lỗi được xác định là đủ lớn để nâng điểm tín dụng của bạn sau khi đã sửa. Nếu báo cáo của bạn không có lỗi, hãy biết rằng cách chắc chắn nhất để nâng cao điểm số của bạn là thanh toán hóa đơn đúng hạn và giảm bớt nợ.
4. Tỷ lệ thế chấp
Nếu bạn mua nhà bằng khoản thế chấp có lãi suất điều chỉnh, lãi suất sẽ thay đổi hàng năm sau khoảng thời gian ấn định ban đầu là 3, 5 hoặc 7 năm. Việc nó tăng hay giảm đều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, nhưng bạn sẽ muốn chuẩn bị sẵn sàng nếu bạn đang dự đoán mức tăng. Thakor nói: “Hãy đảm bảo lãi suất của bạn có tính cạnh tranh, ngay cả khi bạn có khoản thế chấp có lãi suất cố định”.
Tiếp theo đó, hãy tìm hiểu xem liệu khoản tiết kiệm hàng tháng của khoản thế chấp thấp hơn có phù hợp với các thủ tục giấy tờ và phí vay hay không. Nếu việc tái cấp vốn có vẻ hợp lý về mặt tài chính, hãy nói chuyện với người cho vay thế chấp của bạn để tìm kiếm ưu đãi.
5. Tiết kiệm
Khoản tiết kiệm của bạn phải được thiết lập giống như các mục tiêu tài chính của bạn, bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn. Để xem điều đó có đúng không, hãy kiểm tra số dư trong quỹ khẩn cấp và danh mục hưu trí của bạn.
Tùy thuộc vào tình hình tài chính của bạn, chi phí sinh hoạt từ 3 đến 6 tháng là mục tiêu để tiết kiệm cho quỹ dự phòng, nhưng số tiền đó có vẻ cao đối với hầu hết mọi người, Rabinovich nói.
Để hướng tới thực hiện mục tiêu, hãy kiểm tra thật kỹ những khoản phí không thể thương lượng (ví dụ: chi phí sinh hoạt, vay mua nhà, tậu xe..). Con số đó phản ánh chi phí sinh hoạt quan trọng của bạn và việc tiết kiệm dù chỉ một tháng sẽ giúp bạn yên tâm hơn. Đối với việc nghỉ hưu, tiết kiệm 15% tiền lương mỗi tháng là điều lý tưởng. Nếu được, hãy cân nhắc tăng mức đóng góp của bạn lên dù chỉ là 1%.
Ngay thời điểm hiện tại, bạn có thể sẽ cảm thấy số tiền là không nhiều nhưng sau này nó sẽ tăng lên.
6. Lãi suất thẻ tín dụng
Theo khảo sát hàng năm mới nhất của NerdWallet, một hộ gia đình trung bình có nợ thẻ tín dụng nợ 7.919 USD (tương đương khoảng 190 triệu đồng).
Các chuyên gia tài chính có thể băn khoăn về thời điểm và liệu bạn có nên tất toán sớm các khoản thế chấp hoặc khoản vay sinh viên của bạn hay không. Nhưng dù sao, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng nợ thẻ tín dụng là nợ nên được ưu tiên trả hàng đầu. Đồng thời hãy nhớ thực hiện ít nhất các khoản thanh toán tối thiểu trên tất cả các tài khoản của bạn và đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào vào thẻ có lãi suất cao nhất.
Khi thẻ đó được thanh toán hết, hãy tập trung vào các khoản vay có lãi suất cao tiếp theo. Và ngay khi bạn trả hết nợ, hãy chuyển số tiền chi tiêu hàng tháng đó sang tiền tiết kiệm, Thakor nói. Bạn sẽ không cảm thấy sự khác biệt trong ngân sách của mình, nhưng bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt trong giá trị tài sản ròng của mình.
Theo Phụ nữ Việt Nam