Grand

6 câu hỏi thường gặp liên quan đến nám da

Nám da là một tình trạng da mắc phải, đặc trưng bởi sự phát triển đối xứng của các vùng sáng đến nâu sẫm trên mặt, đôi khi ở cổ hoặc cánh tay. Việc điều trị nám da cần đúng cách và kiên trì.

1. Đông y chữa bệnh nám da

Việc sử dụng các loại thảo mộc để chăm sóc sắc đẹp đã được áp dụng từ hàng ngàn năm trước. Theo y học cổ truyền, những người có da mặt sạm, nám da thường kèm theo mệt mỏi, uể oải, đầu nặng, buồn ngủ, lưng đau. Nguyên nhân do thận âm hư rồi dẫn đến thận dương cũng hư. Thận thủy bị tướng hỏa phản khắc, ức chế, dần dần gây nám da.

Việc sử dụng các loại dược liệu Đông y sẽ giúp cân bằng nội tiết tố, cải thiện chức năng đào thải độc tố của da, từ đó giúp ức chế sự hình thành của các sắc tố melanin, hỗ trợ điều trị nám da rất hiệu quả. Bên cạnh đó, thuốc Đông y còn có tác dụng kích thích sản sinh sắc tố giúp làm sáng da, giúp da trở nên hồng hào, cung cấp những yếu tố có lợi và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nhằm mang lại làn da khỏe mạnh.

Do bệnh nám da là sự thay đổi màu sắc trên da nên người ta sử dụng những vị thuốc có tác dụng làm mờ sắc tố như: phục linh, đương quy, bạch sâm, hồng hoa,... Khi sử dụng, các chất dinh dưỡng và tinh hoa từ các bài thuốc này sẽ ngấm từ từ vào máu giúp thay đổi làn da.

080409-1712562349.png
Một số vị thuốc Đông y giúp trị nám da, làm cho da sáng khỏe. Ảnh minh họa.

Sử dụng Đông y điều trị nám da cần kiên trì, có thể sẽ mất từ 3-6 tháng hoặc 1 năm, thậm chí lâu hơn để vết nám da hết hẳn. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc Đông y trị nám da có thích hợp hay không còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Do đó, bạn nên tới phòng khám Đông y được cấp phép để được các lương y tư vấn, chỉ dẫn trong suốt quá trình dùng thuốc.

2. Nám da có di truyền không?

Các chuyên gia cho rằng tình trạng nám da có khuynh hướng di truyền. Sự biểu hiện quá mức của một số gene có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nám trong khi những gene khác biểu hiện kém có thể bảo vệ chống lại chứng rối loạn này. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bệnh nhân bị nám thường có một hoặc nhiều người thân cùng huyết thống cũng bị nám.

Theo BS. Hà Thị An Diên - chuyên gia da liễu, nguyên nhân gây nám da phải kể đến vai trò của gene, ánh sáng mặt trời cũng như hormone (nội tiết tố). Gene đóng vai trò quan trọng trong nám. Người ta thấy rằng nám da thường gặp ở phụ nữ, người có nước da sáng chiếm tỷ lệ cao hơn và 30% người bị nám có yếu tố gia đình.

3. Cách chăm sóc tại nhà khi bị nám da

Nếu trên da bạn xuất hiện vết nám, nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tránh ở dưới nắng nhiều giờ. Sử dụng mũ rộng vành, kính râm khi ra ngoài trời. Tốt nhất là nên thường xuyên bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài để hạn chế tác hại của tia UV. Nên chọn sản phẩm kem chống nắng có chỉ số SPF từ 15 - 50 là thích hợp nhất. Ưu tiên kem chống nắng dạng thuốc hơn mỹ phẩm.

Chăm sóc da tại nhà, nên tẩy trang và làm sạch da đúng cách để loại bỏ bụi bẩn trong da. Trang điểm tối thiểu, tránh dùng các loại kem tẩy trắng không cần thiết. Dưỡng ẩm cho làn da của bạn thường xuyên. Sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng theo tư vấn, khuyến nghị của chuyên gia da liễu. Tuyệt đối nói không với các loại kem làm trắng da không cần kê đơn.

Đồng thời người bị nám da cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, không lạm dụng mỹ phẩm tẩy nám dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe làn da, khiến các vết nám xuất hiện nhiều hơn. Chống căng thẳng cho da bằng các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E.

080410-1712562349.png
Nên sử dụng các biện pháp chống nắng khi ra ngoài trời như đội mũ rộng vành, đeo kính râm, bôi kem chống nắng đúng cách. Ảnh minh họa.

Khi bị nám, bên cạnh thuốc bôi và các phương pháp điều trị hiện đại, chế độ ăn uống lành mạnh, đủ nước (từ 1,5-2 lít/ngày) đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng nám đồng thời duy trì sức khỏe làn da. Các loại thực phẩm cần bổ sung gồm:

  • Vitamin C: có hiệu quả trong việc giảm sản xuất melanin, tăng khả năng bảo vệ da, giảm tác hại của ánh nắng mặt trời. Vitamin C thường có trong một số thực phẩm như kiwi, việt quất, trái cây họ cam quýt, các loại hạt,...

  • Vitamin E: có nhiều trong mầm lúa mì, dầu hướng dương, đậu nành, rau xanh, thịt, cá, trứng, sữa, hoa quả,...

  • Thực phẩm chứa carotenoid: cà rốt, bí ngô, quả đào, khoai lang.

  • Retinoid (tên gọi chung của vitamin A): thuốc bôi hoặc uống.

  • Chất béo không bão hòa: gồm omega - 3, omega - 6 có trong hải sản như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu,...

4. Nám da có chữa khỏi được không?

Nám da có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và tùy thuộc vào nguyên nhân gây nám da cũng như cách điều trị phù hợp. Về bản chất, nám da hình thành từ bên trong do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải là hiện tượng xuất hiện bên ngoài bề mặt da. Khi vùng da xuất hiện những mảng, đốm nâu sẫm màu, người bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kiểm tra, thăm khám, từ đó có phương án điều trị thích hợp.

Nếu nám da do thay đổi nội tiết, vết nám có thể tự biến mất sau khi sinh con hoặc ngưng dùng thuốc tránh thai. Các phương pháp tác động từ bên ngoài như kem, thuốc bôi hoặc những phương pháp điều trị hiện đại như: bắn laser, điện di da mặt, lăn kim, peel da... có thể làm mờ vết nám nhưng không khỏi hoàn toàn.

Sau khi điều trị vết nám, nếu da không được bảo vệ khỏi tác hại của ánh sáng mặt trời, các vết nám có nguy cơ tái phát trở lại, thậm chí nặng hơn ban đầu. Do đó, sau điều trị, người bệnh cần che chắn cẩn thận, thoa kem chống nắng, bảo vệ da mỗi khi ra ngoài trời. Đồng thời tái khám định kỳ để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nám da tái phát.

080411-1712562349.png
Điều trị nám da cần kiên trì, tuân thủ theo hướng dẫn của chuyên gia da liễu. Ảnh minh họa.

5. Nám da ở phụ nữ mang thai

Nám da là tình trạng tương đối phổ biến, ảnh hưởng từ 15-50% phụ nữ mang thai. Sự gia tăng nồng độ estrogen, progesterone, các hormone kích thích tế bào hắc tố trong thời gian thai kỳ có thể gây nám da. Nhiều phụ nữ không gặp vấn đề gì cho đến khi họ mang thai hoặc nhận thấy tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn khi mang thai. Nội tiết tố dao động mạnh trong thời kỳ mang thai, thậm chí kéo dài đến thời kỳ cho con bú, là tác nhân mạnh mẽ kích thích sản xuất sắc tố.

Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, nám da thường gặp ở 90% phụ nữ, chỉ 10% nam giới gặp phải tình trạng này. Phụ nữ mang thai, người có làn da sẫm màu hoặc rối loạn nội tiết tố là những đối tượng có nguy cơ cao gặp phải nám da. Trường hợp nám da do nội tiết tố thay đổi, phụ nữ mang thai hoặc uống thuốc tránh thai, tình trạng nám da có thể giảm khi sinh hoặc ngừng sử dụng thuốc mà không cần điều trị cụ thể.

6. Chi phí khám chữa nám da

Tình trạng nám da được phân theo nhiều cấp độ, mỗi mức độ nám sẽ có phác đồ điều trị linh hoạt. Theo đó, những liệu trình nám da cũng có chi phí và thời gian điều trị khác nhau. Để xác định chi phí trị nám, bạn cần được thăm khám ở các bệnh viện chuyên khoa da liễu để biết tình trạng nám da của mình đang ở mức độ nào. Sau đây là một số khoảng giá theo tình trạng nám bạn có thể tham khảo:

Nám mảng: Đây là tình trạng nám nhẹ nhất. Nám mảng thường có màu nâu nhạt, xuất hiện chủ yếu ở hai bên má và mũi. Nám mảng cũng không mất quá nhiều thời gian để điều trị. Mức giá sẽ dao động khoảng 500.000 - 1.000.000đ/buổi liệu trình.

Nám chân đinh: Có màu sắc đậm hơn nám mảng. Nám chân đinh gốc nám sâu hơn nên rất khó để điều trị. Đối với nám chân đinh, bạn nên chọn lựa các bệnh viện uy tín để được bác sĩ tư vấn điều trị chính xác. Giá để xóa nám chân đinh dao động khoảng 1.500.000 - 3.000.000đ/buổi liệu trình.

Nám hỗn hợp: Đây là dạng nám lâu năm kết hợp giữa nám mảng và nám chân đinh. Làn da sẽ có những vùng đậm, nhạt xen kẽ. Thời gian để điều trị nám hỗn hợp có thể kéo dài lên đến 6 tháng, mức giá dao động khoảng 2.500.000 - 6.000.000đ/buổi liệu trình.

Theo Sức khỏe và Đời sống