Grand

Từ bỏ 5 thói quen này để có cuộc sống tốt đẹp hơn

Quỳnh Anh
Dưới đây là 5 thói quen không lành mạnh mà các chuyên gia cho rằng bạn cần bỏ để có một cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.

1. Theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo

Chủ nghĩa hoàn hảo, thường được coi là một đức tính tốt. Nhưng nó thực sự có thể là một rào cản đáng kể để cải thiện sức khỏe tâm thần.

Mặc dù việc hướng tới sự xuất sắc là điều đáng khen ngợi, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc không ngừng theo đuổi sự hoàn hảo có thể khiến bạn phải làm việc quá sức, điều này thường dẫn đến căng thẳng mãn tính, kiệt sức, lo lắng và thậm chí là trầm cảm.

Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng chấp nhận sự không hoàn hảo và tử tế hơn với bản thân có thể nâng cao sức khỏe tinh thần tổng thể. Vì vậy, hãy cho phép bản thân phạm sai lầm và nhận ra rằng theo đuổi sự tiến bộ sẽ bền vững hơn là theo đuổi sự hoàn hảo.

190886-1692458727.png
Ảnh: minh họa

2. Suy nghĩ quá mức

Bạn có thường cảm thấy đầu mình bận rộn và đầy ắp những suy nghĩ không? Bạn có thường xuyên suy nghĩ và suy nghĩ quá nhiều về mọi quyết định và tương tác của mình không? Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng việc ngẫm nghĩ về những sai lầm trong quá khứ hoặc lo lắng quá mức về quá khứ hoặc tương lai có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của bạn.

Mặc dù suy nghĩ và lập kế hoạch là quan trọng cho cuộc sống, nhưng việc tập trung quá nhiều vào những khía cạnh này có thể dẫn đến lo lắng và thậm chí là trầm cảm. Để tránh rơi vào cái bẫy suy nghĩ quá nhiều, bạn hãy thực hành chánh niệm, tạm thời bỏ qua những suy nghĩ trong đầu bạn và thay vào đó dành nhiều thời gian cho sở thích cá nhân và cho những người thân yêu, để cải thiện sức khỏe tinh thần tổng thể của bạn.

3. Kìm nén cảm xúc tiêu cực

Một vài nghiên cứu cho thấy: Kiềm chế cảm xúc có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tâm thần. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng, theo các chuyên gia, việc cho phép bản thân trải nghiệm và thể hiện nhiều loại cảm xúc, bao gồm buồn bã và tức giận, thực sự có thể dẫn đến việc điều chỉnh cảm xúc tốt hơn và giảm nguy cơ đau khổ tâm lý. Vì vậy, hãy ngừng kìm nén cảm xúc và bỏ qua nhu cầu tình cảm của bạn. Thay vào đó, hãy tìm những cách lành mạnh để xử lý và thể hiện chúng, chẳng hạn như để bản thân được khóc thoải mái khi cần, trút bầu tâm sự với một người bạn thân hoặc tìm một lối thoát sáng tạo.

4. Doom-scrolling trên phương tiện truyền thông xã hội (Doom-scrolling: thuật ngữ dùng để miêu tả trạng thái buồn bã, chán nản sau khi bạn đã tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực từ Internet)

Các nhà tâm lý học cảnh báo chúng ta rằng việc sử dụng mạng xã hội quá mức và thiếu suy nghĩ thực sự có thể thúc đẩy cảm giác cô đơn, ghen tị, lo lắng và thậm chí là trầm cảm. Nó có thể làm tâm trí chúng ta quá tải với những tin xấu và những hình ảnh đẹp như tranh vẽ có thể không hoàn toàn là sự thật. Nó giống như việc chúng ta đăng ký thuê bao hàng ngày để bi quan và nghi ngờ bản thân.

Vì vậy, thay vì để bản thân bị ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực, tại sao không tăng cường sức khỏe tinh thần của bạn? Bạn nên đặt giới hạn về thời gian sử dụng mạng xã hội của bạn và chỉ tương tác với nội dung thực sự truyền cảm hứng hoặc giáo dục cho bạn. Bằng cách giảm thời gian tương tác với Internet, bạn đang lấy lại thời gian và năng lượng của mình cho những việc thực sự quan trọng.

5. Nuông chiều bản thân quá mức

Cho dù bạn nuông chiều bản thân ở giấc ngủ, chi tiêu, ăn uống hay những “thú vui tội lỗi” khác, hãy nhớ rằng quá nhiều sẽ trở thành xấu. Bởi vì những hành vi như vậy thường dẫn đến cảm giác tội lỗi, xấu hổ và mất động lực khi chúng trở thành xu hướng tự hủy hoại lâu dài.

Vì vậy, hãy từ bỏ mô hình tìm kiếm sự an ủi khi quá nuông chiều bản thân và thay vào đó, hãy phát triển các cơ chế đối phó lành mạnh hơn. Tham gia vào các hoạt động nâng cao tâm trạng của bạn mà không cảm thấy tội lỗi và thực sự giúp bạn chăm sóc sức khỏe tinh thần mà không phải hy sinh sức khỏe thể chất và tinh thần.

Theo Psych2go

Quỳnh Anh