Ngày Tết Đoan ngọ 2021 năm nay rơi vào ngày nào và nguồn gốc, ý nghĩa ra sao? mời độc giả cùng tìm hiểu.
Tết Đoan Ngọc 2021 là ngày nào?
Theo truyền thống từ xa xưa, ngày Tết Đoan Ngọ được ấn định vào ngày 5/5 âm lịch, vậy nên Tết Đoan Ngọ 2021 năm nay rơi vào thứ 2, tức ngày ngày 14/6 dương lịch.
Đối với người dân Việt Nam, Tết đoan ngọ là một ngày lễ rất đặc biệt và quan trọng. Vào ngày này, thường diễn ra nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngoài việc chuẩn bị đồ lễ để cúng bái, báo cáo tổ tiên, ngày Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để các gia đình quây quần bên nhau nấu nướng và ăn uống, giúp tình thân càng thêm gắn kết.
Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Đoan Ngọ là gì?
Không riêng gì ở nước ta, Tết Đoan Ngọ (tết Đoan Dương) cũng là ngày tết truyền thống tại một số quốc gia Á Đông như Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc… và nó gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm. “Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là giữa trưa chỉ khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, “Dương” là mặt trời là khí dương. Vậy nên, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa.
Đối với mỗi quốc gia lại có một sự tích riêng về ngày Tết này và có cách đón Tết Đoan Ngọ rất khác nhau. Chẳng hạn, Tết Đoan Ngọ của người Trung Quốc gắn liền với câu chuyện về một vị quan đại thần tên là Khuất Nguyên thời Chiến Quốc. Không chỉ là trung thần nước Sở, ông còn là nhà văn hóa nổi tiếng. Trong một lần can ngăn nhà vua không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sống Mịch La tự vẫn vào mùng 5/5 âm lịch. Người dân thương tiếc cho sự trung nghĩa, nên mỗi năm vào ngày này đều làm bánh quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài, lấy gạo bỏ ống tre… thả xuống sông cúng Khuất Nguyên, tỏ lòng tưởng nhớ ông.
Còn đối với người Việt, Tết Đoan Ngọ lại là một ngày lễ có ý nghĩa hoàn toàn khác, gắn liền với ông lão tên Đôi Truân.
Cụ thể, vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại xuất hiện quá quá nhiều. Chúng ăn hết cây trái và thực phẩm đã thu hoạch, khiến người dân đau đầu tìm cách tiêu diệt nạn sâu bọ mà không có cách nào thực sự hiệu quả. Khi đó bỗng xuất hiện một ông lão tên là Đôi Truân từ xa tới. Ông chỉ cho dân chúng cách hóa giải nạn sâu bọ bằng cách: mỗi nhà lập một đàn cúng gồm một số món đơn giản như rượu nếp, bánh tro, trái cây chính vụ…, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục.
Người dân làm theo thì chỉ một lúc sau, sâu bọ cả đàn cả lũ té ngã rã rượi, lăn ra chết khiến ai ai cũng vui mừng. Lão ông còn dặn thêm rằng: “Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng”.
Dân chúng biết ơn lắm nhưng chưa kịp cảm tạ thì ông lão đã đi mất. Để tưởng nhớ việc này, người dân đã ấn định ngày này là ngày Tết Đoan ngọ vì cúng vào giờ Ngọ, hay gọi một cách dân dã theo đúng mục đích ban đầu là ngày "Tết diệt sâu bọ/giết sâu bọ”, mong có một mùa màng bội thu và thuận lợi.
Sau này, Tết Đoan ngọ ở Việt Nam còn được kết hợp thêm những ý nghĩa thờ cúng tổ tiên. Đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, cả gia đình quây quần xum họp, ấm cúng và vui vẻ, thắm đượm tình yêu thương.
Thời điểm diễn ra Tết Đoan ngọ rơi vào đúng giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết nên dịch bệnh dễ phát sinh. Ngoài những tập tục như trên, dân gian còn phát sinh và truyền nhau nhiều tục trừ trùng phòng bệnh khác tùy theo từng địa phương nhưng ở đâu cũng vẫn rất coi trọng ngày Tết này.
Theo Vietnamnet