Dù là học sinh chuyên văn, nhưng trước khi thành lập “Tiệm sách cũ Nhà Yên”, chị Nguyễn Việt Anh không phải là một người mê đọc sách. Với chị khi ấy, đọc sách chỉ để phục vụ cho việc học. Nhưng rồi, kể từ khi “Tiệm sách cũ Nhà Yên” ra đời, chị bắt đầu say mê những cuốn sách khi nào không hay.
Trong những quyển sách mà chị đọc sau khi mở tiệm, quyển sách ấn tượng nhất với chị phải kể đến quyển “Trái tim mặt trời” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đó là một quyển sách mỏng, được xuất bản đã lâu và có thiết kế bìa khá đơn giản. Điều khiến chị thích thú là chủ nhân cũ của quyển sách viết chi chít những đoạn phân tích, nghiền ngẫm của bản thân vào những trang sách đã ngả màu vàng. Những chữ viết tay cho thấy người chủ cũ không chỉ đọc sách đơn thuần mà còn suy nghĩ và nghiền ngẫm từng lời trong sách. Đối với chị Việt Anh, những cuốn sách như thế rất đáng quý. Bởi vì chị không những đọc được những lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh mà còn mở rộng góc nhìn của mình qua bút tích của người chủ cũ. Nó giống như việc mình đọc báo và có luôn phần bình luận.
Do sách có quá nhiều chữ viết tay, chị cất quyển “Trái tim mặt trời” của thiền sư Thích Nhất Hạnh cho mình và nghĩ sẽ không có vị khách nào mua nó. Nhưng rồi một lần rất tình cờ, một vị khách tìm đến tiệm và hỏi mua các quyển sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thời điểm đó, tiệm sách cũ của chị không có nhiều sách của thiền sư để giới thiệu cho vị khách. Chị nửa đùa nửa thật với vị khách là chị đang có quyển “Trái tim mặt trời” với rất nhiều chữ viết tay. Và vì sở thích cá nhân, chị rất thích quyển sách này, nên giá bán ra khá cao. Thật không ngờ, vị khách ấy sau khi xem xong hình chụp một số trang sách mà chị gửi, quyết mua quyển sách cho bằng được. Chị chợt nhận ra, ngoài những người mua sách thích các trang sách cũ trắng tinh, cũng có những người như chị - thích các trang sách đầy những ghi chú và bình luận của người chủ cũ.
Chị Nguyễn Việt Anh kể, hồi trước “Tiệm sách cũ Nhà Yên” có một cửa hàng sách cũ ở dốc Nhà Làng - Đà Lạt. Đây là một con dốc khá nổi tiếng ở thành phố ngàn hoa này. Khách hàng của chị khi ấy chủ yếu là 3 nhóm người: khách du lịch, những ông bà trên 60 tuổi và những đứa trẻ. Khi ấy, tiệm sách cũ ở Đà Lạt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những ông bà xung quanh tiệm thường ghé tiệm của chị để trò chuyện, tìm lại những quyển sách xưa mà hầu như không còn được xuất bản. Họ cảm ơn vì tiệm sách cũ của chị cho họ không gian để hoài niệm và những quyển sách bạc màu gợi nhớ về một thời đã qua. Chị trở thành một người bạn thân tình của các vị khách lớn tuổi của tiệm.
Do khách mua chỉ chủ yếu là các khách hàng lớn tuổi, lượng khách hàng khá ít ỏi. Cộng thêm việc chồng chị chuyển công tác, chị quyết định chuyển “Tiệm sách cũ Nhà Yên” về lại Sài Gòn để tiện kinh doanh. Những vị khách lớn tuổi của chị vẫn giữ liên lạc với chị. Họ kể họ khá buồn khi tiệm sách chuyển vào Sài Gòn vì khó có thể tìm một tiệm sách cũ giống như nhà Yên ở Đà Lạt bây giờ. Thỉnh thoảng, họ nhờ chị tìm một vài quyển sách xưa. Những quyển sách ấy có thể tiệm của chị không có bán, nhưng chị vẫn tìm mua cho bằng được để gửi lên Đà Lạt cho các cụ. Với chị đó không chỉ là công việc mà còn là niềm hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho người khác.
Một việc cũng khá vui mà chị chia sẻ với Sống 247, là khi có rất nhiều người ở Sài Gòn tìm đến “Tiệm sách cũ Nhà Yên” của chị khi thấy tấm biển còn treo ở dốc Nhà Làng - Đà Lạt. Nó như một lời chúc phúc của thành phố ngàn hoa gởi về cho chị, để chị thêm quý, thêm yêu công việc của mình.
Với những bạn trẻ muốn khởi nghiệp với nghề bán sách cũ, chị Việt Anh chia sẻ các bạn nên tập thử sức ở những mảng nhỏ, song song với công việc hiện tại của mình. Còn nếu muốn mở một cửa hàng sách cũ, bạn cần phải tập trung 100% sức lực vào nó. Nếu chọn đây là một công việc toàn thời gian, bạn cần học cách định giá sách để biết thế nào là sách quý, thế nào là sách phổ thông, chi phí bán ra thế nào là hợp lý. Ngoài ra, bạn phải học thêm cách thu mua sách để đảm bảo nguồn cung không bị ngắt quãng cho tiệm sách của mình.
Điều cuối cùng, chị Nguyễn Việt Anh đúc kết: Nghề nào cũng vậy, phải thật sự nghiêm túc thì bạn sẽ sống được với nghề.