Grand

Nữ lập trình Cao Thị Huyền Sa: Mối lương duyên với nước Pháp (Phần 2)

Kim Thanh - Ngọc Hằng
Huyền Sa là một lập trình viên có thời gian công tác ở Việt Nam 5 năm trước khi sang Pháp định cư cùng chồng. Chia sẻ với Sống 247, Huyền Sa cho biết ngôn ngữ chính là chìa khóa mở ra cho cô những cơ hội về nghề nghiệp và cuộc sống của cô.
z4986524595310-02dc323a8c86898a90c145ee03993b10-1703003313.jpg

Huyền Sa sang Pháp theo diện hôn thê. Nhưng thời điểm cô làm thủ tục năm 2018 cũng là thời gian cô đang làm việc ở Anh. Vì vậy, quy trình chuẩn bị giấy tờ của cô có hơi khác một chút so với các trường hợp đi trực tiếp từ Việt Nam.

Từ thành phố Birmingham ở Anh, cô đi London để xin giấy độc thân cho quãng thời gian cô sống ở nước này. Sau đó, cô tiếp tục bay về Việt Nam để làm giấy khám sức khỏe, giấy độc thân, giấy chứng nhận về tâm thần cho quãng thời gian cô sống ở Việt Nam. Sau khi đã gom đủ các giấy tờ này từ Anh và Việt Nam, cô đi đại sứ quán Việt Nam ở Paris để nộp hồ sơ. Tại đây, đại sứ quán gửi giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn của cô đến nhà người yêu của cô ở Pháp. Tiếp đến, người yêu của Huyền Sa nộp các giấy tờ này đến tòa thị chính - nơi vợ chồng cô quyết định đăng ký kết hôn, chờ khoảng 3 tháng thì có lịch phỏng vấn. Tháng 6 năm 2019 cô bay sang Pháp để phỏng vấn với họ. Với vốn tiếng Pháp bập bẹ của mình, lúc đó cô phải thuê người phiên dịch sang tiếng Anh. Phỏng vấn xong thì họ đặt lịch cho cô đến tòa thị chính làm lễ kết hôn. Trong lễ kết hôn, ngoài gia đình, bạn bè còn có ngài Thị trưởng của thành phố làm chứng và nói lời chúc phúc đến vợ chồng cô. Cô kết hôn vào tháng 9 năm 2019, rồi lại quay về Anh xin nghỉ việc, trả nhà cửa và làm các giấy tờ xin visa. Sau khi đã có giấy kết hôn với người Pháp do chính phủ cấp, thì visa đến đất nước này rất dễ và được ưu tiên cao. Huyền Sa chỉ tốn khoảng 1 tháng để được cấp visa 1 năm đến Pháp. Cô chính thức rời nước Anh và bay sang Pháp vào tháng 1 năm 2020.

z4933296525310-7c77670da67ea9e53e4560b84b9b1651-1701424895-1703003313.jpg
Vợ chồng Huyền Sa tại Lễ Hội Bayonne (Pháp, 2022)

Đến Pháp, Huyền Sa đối mặt với không ít những khó khăn. Đâu tiên phải kể đến Ngôn ngữ. Nó trở thành rào cản lớn nhất của cô. Mặc dù là người thành thạo tiếng Anh, nhưng học tiếng Pháp ở tuổi 30 không phải là chuyện dễ dàng. Dù vậy, cô tin nó không phải là quá khó, và nếu cố gắng, cô sẽ thành công. Cô bắt đầu học qua sách vở để tăng vốn từ vựng. Cô vượt qua sự ngại ngùng của bản thân để chủ động gian tiếp với mọi người, qua đó năng cao vốn tiếng Pháp của mình. Đó là giai đoạn khó khăn của Huyền Sa. Việc chưa thể giao tiếp tiếng Pháp làm cô thu mình lại, trầm tính hơn trước rất nhiều.

Khi cô vừa chân ướt chân ráo đặt chân đến Pháp thì Covid trở nên nghiêm trọng. Cô xác định đây không phải là thời điểm tốt để xin việc nên cô có một năm ở nhà tập trung học tiếng Pháp. Sau đó, cô đầu quân cho một công ty nhỏ ở thành phố Anglet để tiếp tục được sống với nghề lập trình. Khó khăn trong công việc tại Pháp của cô vẫn là vấn đề ngôn ngữ. Trong đó vấn đề nghe hiểu trở thành vấn đề lớn nhất của cô. Khi luyện nghe tiếng Pháp, thường Huyền Sa sẽ nghe theo chủ đề, nếu không hiểu thì cô sẽ tua chậm lại, hoặc nghe lại từ đầu. Nhưng trong cuộc sống thì không ai đủ kiên nhẫn lặp lại những điều họ đã nói, họ cũng không thể thay đổi thói quen mà nói chậm lại. Nhưng cũng may sao công việc IT của Huyền Sa chủ yếu vẫn dùng tiếng Anh trong tài liệu, trong lập trình. Họp hành thì cô cũng không gặp trực tiếp khách hàng, chỉ họp nội bộ. Huyền Sa nghĩ ra cách nhờ một đồng nghiệp thân thiết giải thích lại thật chậm những gì cô không hiểu sau buổi họp.

Khó khăn tiếp theo của Huyền Sa là phương tiện đi lại. Nếu các thành phố lớn như Paris, Lyon thì di chuyển không phải vấn đề thì ở thành phố rất nhỏ nơi gia đình cô sinh sống lại trở thành vấn đề của cô. Tại thành phố này, các phương tiện giao thông công cộng không tiện nghi lắm, cô cũng không thích phụ thuộc vào chồng. Học bằng lái xe hơi thì cần phải hiểu, nghe, đọc được tiếng Pháp vì ở chỗ cô không có chương trình tiếng Anh. Ban đầu Huyền Sa đi xe đạp, sau đó đi học một buổi đế lấy bằng lái xe máy. Đi xe máy thì rẻ hơn, thoải mái hơn, nhưng không đi xa được, và đi mùa đông thì khá nguy hiểm. Năm nay với vốn tiếng Pháp đã ổn hơn chút thì cô bắt đầu đi học bằng lái xe hơi và hy vọng đầu năm sau sẽ có bằng.

z4933296528340-e6d603bc382ca8b214d9600f39db1b94-1701424895-1703003313.jpg
Huyền Sa và các bạn bè quốc tế tại lễ hội Bayonne (Pháp, 2023)

Điều khó khăn cuối cùng và lớn nhất với Huyền Sa chính là sự khác biệt giữa Việt Nam và Pháp.

Về tiệc tùng và ăn uống: Đối với người Pháp ăn uống rất quan trọng, và họ có thói quen kết hợp ăn uống với tiệc tùng. Điều này nghe qua thì thấy cũng giống Việt Nam. Nhưng cách ăn uống của họ trong các bữa tiệc hơi khác. Người Pháp thường bắt đầu buổi tiệc từ 6h đến 7h tối. Mở đầu bữa tiệc thường là apéro: mọi người sẽ uống bia, rượu, rượu trái cây cùng các món đồ nhắm như thịt nguội, trái oliu, bánh snack, dưa leo, cà rốt chấm mayonaise. Phần apéro, mọi người sẽ nói đủ mọi chuyện trên đời từ 1 đến 2 tiếng, sau đó đến bữa ăn chính, thường là đồ nướng hoặc nếu không thì là đồ ăn nóng, 2 món : khai vị và món chính, cuối cùng là tráng miệng. Rượu vang và bánh mì luôn luôn có mặt đi kèm, dù ăn món gì đi nữa. Bữa ăn chính cũng thường rất khoang thai (tốn cỡ 1 đến 2 tiếng). Ăn xong tiệc mới chính thức bắt đầu. Họ ăn tiếp các món apero và uống thêm các loại rượu mạnh hơn, giao lưu chơi game xuyên suốt cả đêm.

Về con người: Vì bất đồng văn hóa, thời gian đầu cô với chồng mình hay cãi nhau về việc nói “cảm ơn”. Người Việt, ít khi nào nói cảm ơn với ba má, vợ chồng, anh chị em và bạn bè thân thiết. Chính vì văn hóa khác biệt, mỗi khi nói cảm ơn với người thân, cô cảm thấy rất xa cách, rất khách sáo, và cô ngại người thân của mình không thoải mái. Cô phải tập một thời gian để cảm thấy thoải mái khi nói cảm ơn với chồng và những người thân của anh ấy. Về việc gọi tên người thân: Văn hóa Việt Nam phải gọi gia đình của chồng hoặc vợ theo cách mà người đó gọi họ. Nhưng văn hóa Pháp thì không như vậy. Họ gọi ba mẹ chồng bằng tên. Điều này làm cho Huyền Sa cảm thấy cô rất hỗn và xa cách khi gọi tên của ba chồng vì cô rất kính trọng ông. Ban đầu, nhập gia tùy tục, cô cũng cố gắng gọi ba bằng tên. Nhưng it tháng sau, cô xin phép cho cô gọi là ba luôn, tiếng Pháp là “papa”. May sao ba chồng cô đồng ý nên giờ cô đã thoải mái hơn đôi chút.

Về các lễ hội cô đã tham gia ở Pháp: Cô may mắn đang ở Pháp vào World cup 2018, khi người Pháp vô địch giải thể thao này. Khi đó, người người đổ ra đường phố ăn mừng ca múa, cực kỳ vui nhộn. Một lễ hội Pháp mà Huyền Sa có dịp tham gia là lễ Hội Bayonne gần nhà cô. Đây là một lễ hội khá lớn. Có khoảng 1 đến 2 triệu người tham gia. Màu chủ đạo của lễ hội là trắng và đỏ. Nếu đến đây vào đúng dịp này, các bạn không nên bỏ qua lễ hội này. Cả thành phố rợp bởi hai màu sắc trắng đỏ bắt mắt, và mọi người đều vui vẻ háo hức ca hát, nhảy múa suốt đêm.

Nước Pháp có rất nhiều lễ hội lớn, nhưng vợ chồng Huyền Sa đều đi làm giờ hành chính, và ngày phép thì chỉ có 35 ngày trên năm, phải tranh thủ đi thăm gia đình và về Việt Nam nên chưa thể trải nghiệm hết các lễ hội. Nhưng trong tương lai, Huyền Sa sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để hòa mình vào không khí lễ hội của đất nước được mệnh danh là kinh đô thời trang và nước hoa này.

Kim Thanh - Ngọc Hằng