Grand

Người Việt nói tiếng Việt: bổ sung những mảng ghép còn thiếu của tiếng Việt

Tập sách “Người Việt nói tiếng Việt” của tác giả - nhà báo Nguyễn Quang Thọ như một cẩm nang đề cập đến những sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt trước nay bị các từ điển bỏ sót, hoặc trao đổi lại phần giải nghĩa.
f3d1dad3-7188-40b7-9b46-98d6fbf32bf6-1688355754.jpeg 

“Chất liệu” làm nên tập sách “Người Việt nói tiếng Việt” là trong khoảng thời gian chừng mười năm, nhà báo Nguyễn Quang Thọ đặt mình vào vai trò “con mọt sách” để “gặm nhấm” một loạt từ điển đã ấn hành. Qua đó, ông phát hiện ra còn có nhiều, rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, hoặc đã thâu nhận nhưng cách giải thích theo ông nhận thấy là chưa thỏa đáng, cần hiểu theo cách khác.

6c6a1d84-0ceb-4ec3-83e0-b537e5e4a483-1688355754.jpeg
Ảnh: Tác giả Nguyễn Quang Thọ

Tác giả mày mò, căm cụi một cách nhẫn nại ghi chép và bắt đầu quá trình viết từ 1 từ đến hơn 100.000 từ. Dần dà tác giả thấy cần đối chiếu với những từ điển của các tác giả khác. Càng nhiều lần sử dụng từ điển, chúng ta sẽ càng học được nhiều hơn, hiểu kỹ hơn và yêu quí hơn tiếng mẹ đẻ, nhưng đồng thời cái cảm giác tiếc nuối, xót xa xen lẫn lo âu cũng lớn dần lên khi thấy nhiều từ ngữ bị bỏ sót hoặc giải nghĩa sai lệch.

180a0ba3-222f-4c93-a29f-d8b29c191f56-1688355875.jpeg
Ảnh: Tác giả tặng sách và chụp hình lưu niệm với độc giả.

Ông Nguyễn Quang Thọ chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng đem đến cho bạn đọc một cách tiếp cận mới với những vấn đề còn đang vướng mắc, cung cấp ngữ liệu cho nhiều thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, trao đổi về những lời giải nghĩa theo chúng tôi là chưa chuẩn và lưu ý vài sai sót kỹ thuật khá nghiêm trọng trong từ điển… Vốn từ của một dân tộc là vô cùng lớn, không ai biết hết được. Muốn biết nhiều thì phải học nhiều”.

c2dfeb45-dc13-45c8-9388-d8d27e0f1cb3-1688355754.jpeg
Ảnh: Bạn bè thân hữu chụp hình lưu niệm tại buổi giao lưu

Cuốn sách “Người Việt nói tiếng Việt” dày hơn 380 trang, sưu tập hơn 600 thành ngữ và tục ngữ không có mặt trong từ điển, mặc dù rất thông dụng trong đời sống. Sách gồm ba phần chính: Chương 1: Mắt thấy tai nghe; Chương 2: Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật; Chương 3: “Đánh trống qua cửa nhà sấm”; Ghi thêm: Trông người lại ngẫm đến ta; Nhìn vào miệng người bình dân; Lời cuối sách.

0b54bfa6-b92c-4dd0-a703-cbe12d8fe5b6-1688356155.jpeg
Ảnh: Khách mời chia sẻ tại buổi ra mắt sách "Người Việt nói tiếng Việt".

Thông tin tác giả:
- Nhà báo Nguyễn Quang Thọ sinh ngày 28.02.1949 tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, lớn lên tại Hà Nội. Chiến sĩ sư đoàn 304 từ 1968 đến 1971.
- Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đức tại trường Đại học Tổng hợp Các Mác, thành phố Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1979 (nay là Đại học Tổng hợp Leipzig).
- Biên tập viên NXB Thanh Niên.
- Chủ biên tập san Văn hóa & Đời sống, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (1991-1992)
- Tốt nghiệp cao học với đề tài “Thành ngữ so sánh tiếng Đức (đối chiếu với tiếng Việt)”, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (2005).
- Tổng Biên tập báo Yêu Trẻ từ 1997 - 2010.
- Hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.