Grand

Lý do chưa ai leo lên được đỉnh núi nổi tiếng ở Tây Tạng

Núi Kailash - ngọn núi thiêng liêng nổi tiếng của Tây Tạng - được hơn một tỷ người trên khắp thế giới biết đến nhưng chưa từng có ai leo lên đến đỉnh. Điều này không chỉ do những khó khăn về địa hình mà còn vì sự tôn kính thiêng liêng đối với ngọn núi này.

Núi Kailash còn được gọi là đỉnh Kangrinboqe, cao 6.714 m, nằm ở góc Tây Nam hẻo lánh của Tây Tạng, Trung Quốc. Với người Hindu, họ tin rằng đây là nơi ở của Thần Shiva. Đối với các phật tử, ngọn núi này là núi Meru huyền thoại trong văn hoá Ấn Độ, nơi cư ngụ của các vị thần và cũng là trục trung tâm của vũ trụ.

160717-1721134333.png
Núi Kailash, còn được gọi là Đỉnh Kangringboqe, là một trong những ngọn núi linh thiêng nhất thế giới - một đỉnh núi vẫn chưa được chinh phục.

Theo Times of India , việc leo lên đỉnh Kailash bị cấm để giữ gìn sự thiêng liêng của nó. Mặc dù có câu chuyện thần thoại về nhà sư Milarepa đã từng chinh phục đỉnh núi và trở về để cảnh báo mọi người không làm phiền Thần linh, nhưng chưa có bằng chứng lịch sử nào ghi nhận điều này.

Vào năm 1926, Đại tá R C Wilson của Quân đội Ấn Độ đã cân nhắc tổ chức một cuộc thám hiểm lên đỉnh núi này nhưng phải từ bỏ vì điều kiện thời tiết tuyết rơi dày đặc.

Ngoài yếu tố tôn giáo và thời tiết, núi Kailash còn được coi là không thể leo lên do những thách thức về thể chất con người.

160718-1721134334.png
Những lá cờ cầu nguyện đầy màu sắc tung bay trong gió, với nền phía Nam của núi Kailash.

Tibet Vista - Công ty du lịch ở Tây Tạng , Trung Quốc - đăng tải trên website cho biết: “Núi có hình dạng kim tự tháp, các sườn dốc đứng và lớp tuyết phủ liên tục khiến việc leo núi trở nên cực kỳ khó khăn.”

"Đỉnh núi nổi bật so với các ngọn núi khác xung quanh. Các sườn dốc gần như thẳng đứng, khiến việc chinh phục đỉnh núi này cực kỳ khó khăn cho những người leo núi," trang web này miêu tả thêm.

Dù chưa bao giờ được chinh phục, núi Kailash vẫn chào đón hàng nghìn du khách tới tham quan mỗi năm. World Pilgrimage Guide ghi nhận hành trình đến đây là một thử thách lớn, không có chuyến bay, tàu hỏa hay xe buýt nào hoạt động gần ngọn núi, và việc di chuyển rất khó khăn, thường nguy hiểm.

Chuyến hành hương kéo dài ba ngày, được gọi là "The Kora," chứng kiến những người hành hương đi bộ quanh chân núi ba lần theo chiều kim đồng hồ, trong khi những người theo đạo Jain và Bon lại đi ngược chiều kim đồng hồ.

160719-1721134333.png
Cuộc hành hương được gọi là 'kora' và du khách đi dạo quanh địa điểm linh thiêng phải đi bộ 15 - 22 km mỗi ngày.

Du khách muốn tham quan đỉnh núi này phải đi bộ từ 15 - 22 km mỗi ngày. Wonders of Tibet mô tả lộ trình này là "một trong những lộ trình cao nhất thế giới."

Hành trình bắt đầu từ thị trấn nhỏ Darchen, ở độ cao khoảng 4.600 m, và điểm cao nhất là đèo Drolma La ở độ cao 5.650 m. Ngày đầu tiên của hành trình,du khách sẽ đi theo lộ trình ở phía Nam và phía Tây của ngọn núi, chủ yếu là đường bằng phẳng và khá dễ đi bộ.

Ngày thứ hai, di chuyển sẽ khó khăn hơn với những sườn núi phía Bắc và phía Đông, đi qua đèo Drolma La. Hành trình trở nên dễ dàng hơn vào ngày cuối cùng, đây cũng là chuyến đi bộ ngắn nhất trong 3 ngày. Du khách sẽ chinh phục phía Nam và hoàn thành chuyến đi vào đầu buổi chiều.

160720-1721134333.png
Dharmachakra, biểu tượng chính của phật giáo, trên nóc tu viện Phật giáo Dirapuk, với mặt phía Bắc của Núi Kailash ở phía sau.

Thời gian ngọn núi thu hút nhiều khách du lịch nhất là vào lễ hội Saga Dawa, thường bắt đầu vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 6. Hàng nghìn du khách đổ về ngọn núi để kỷ niệm sự giác ngộ của Đức Phật. Du khách tham gia chuyến đi phải ở độ tuổi từ 18-70 và nên tập luyện trong vòng 3 tháng trước khi bắt đầu chuyến đi.

Theo Tiền Phong