Grand

Làm gì khi ghét chính gia đình mình?

Không phải ai cũng cảm nhận kết nối gần gũi với gia đình mình. Có một số trường hợp, con người ta còn có suy nghĩ, “Tôi ghét gia đình mình.” Vì những mối quan hệ trong gia đình thường có gốc rễ từ trải nghiệm chung và sự tiếp xúc gần gũi, vậy nên cũng có chẳng có gì ngạc nhiên lắm khi lâu lâu nó lại có vấn đề.

TS. Joshua Coleman, một nhà tâm lý học lâm sàng và tác giả cuốn “When Parents Hurt: Compassionate Strategies When You and Your Grown Child Don’t Get Along” cho rằng vì xã hội quá tập trung vào sự tha thứ, vậy nên thái độ không thích hay bị gia đình ghẻ lạnh có thể đưa đến cảm giác tội lỗi và tủi hổ.

Vậy bạn nên làm gì khi ghét gia đình mình? Đối phó với những cảm xúc khó khăn này, bạn có thể phải nỗ lực hàn gắn những mối quan hệ tan vỡ, hoặc có thể là thiết lập và củng cố những ranh giới với mọi người trong gia đình.

300101-1706578343.png
Ảnh minh họa

Lý do con người ta ghét gia đình mình.

Có rất nhiều yếu tố khiến một người ghét gia đình hay các thành viên trong gia đình mình. Hành vi độc hại, ngược đãi, bỏ bê hay xung đột là một số yếu tố có thể đưa đến cảm giác thù địch và có thể khiến bạn cảm thấy mất kết nối với gia đình mình.

Việc tìm cách hiểu rõ hơn nguyên nhân gây ra các cảm xúc này có thể giúp bạn xử lý tình huống này tốt hơn. Trong một khảo sát năm 2015 trên nhóm người trưởng thành tại Vương Quốc Anh bị cha mẹ ghẻ lạnh, một số nguyên nhân gây chia rẽ phổ biến nhất là:

– Ngược đãi cảm xúc.

– Bỏ bê.

– Xung đột giá trị và tính cách.

– Mong đợi khác nhau về vai trò trong gia đình.

– Các sự kiện gây sang chấn trong gia đình.

– Vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Gắn bó kém.

Các dạng thức gắn bó thường sẽ rơi vào một trong bốn loại. Trong thời thơ ấu, bạn cần hình thành một dạng gắn bó an toàn với người chăm sóc vì nó cho phép chúng ta cảm thấy an toàn, được yêu thương và được bảo vệ giữa thế giới này.

Nhưng con người ta không phải lúc nào cũng hình thành dạng thức gắn bó lành mạnh với người chăm sóc của mình. Thay vào đó, họ có thể hình thành những dạng gắn bó định hình bởi sự lo âu/ trạng thái nước đôi mập mờ, né tránh hoặc hỗn độn.

– Nếu người chăm sóc hành xử không thống nhất, bạn có thể hình thành dạng thức gắn bó lo âu/nước đôi, định hình bởi sự thiếu tin tưởng, lo âu cao, và mối quan hệ kém giữa các bên.

– Nếu cha mẹ bạn chối bỏ hoặc không đếm xỉa gì đến bạn, thì bạn có thể hình thành dạng gắn bó né tránh. Nó có thể khiến bạn khó hình thành mối quan hệ gần gũi với mọi người khi trưởng thành.

– Nếu người chăm sóc bạn từ đầu đến cuối hành xử khó hiểu, thay đổi thất thường giữa yêu thương và ngược đãi, thì bạn có thể hình thành gắn bó dạng hỗn độn. Nó có thể khiến bạn khó kiểm soát cảm xúc, khó hình thành những mối quan hệ và khó thấu cảm với mọi người quanh mình.

Ngược đãi hoặc bỏ bê.

Thù ghét có thể lớn dần do bởi hành vi ngược đãi hoặc bỏ bê mà bạn phải trải qua. Nó có thể khiến bạn ghét bỏ những người thực hiện hành vi ngược đãi, nhưng bạn cũng có thể không thích hoặc bực tức với những thành viên khác trong gia đình, họ có thể tham gia hoặc là người đứng ngoài sự việc.

Ngay cả khi những thành viên khác trong gia đình hành xử do lo sợ hoặc để tự vệ thì nó vẫn đưa đến cảm xúc tức giận và căng thẳng trong bạn.

Ranh giới không rõ ràng.

Sự tức giận và thù địch có thể xuất phát từ việc thiếu đi những ranh giới phù hợp trong các mối quan hệ trong gia đình. Ví dụ về ranh giới không rõ ràng trong gia đình bao gồm:

– Không đối xử với thành viên gia đình ở cấp độ cá nhân.

– Không tôn trọng sự riêng tư của các thành viên trong gia đình.

­ – Thao túng hoặc khiến bạn cảm thấy tội lỗi để kiểm soát hành vi.

– Không đếm xỉa đến cảm nhận hoặc cảm xúc.

– Đòi hỏi vô lý.

– Kiểm soát quá mức.

– Liên tục so sánh hoặc chỉ trích.

Tất cả chúng ta đều có quyền có ranh giới riêng. Chúng cần thiết cho sức khỏe tinh thần của bạn và giúp bạn tìm ra được cái bạn khiến bạn thoải mái, cách bạn muốn được người khác đối xử, và những thứ bạn sẵn lòng chấp nhận trong một mối quan hệ.

Coleman lưu ý rằng xung đột và cảm xúc ghét bỏ đôi khi xuất hiện vì cha mẹ đôi khi dựa dẫm vào con trẻ để thỏa mãn những nhu cầu xã hội của mình. Thay vì dành thời gian với bạn đời hoặc bạn bè, phụ huynh mong đợi mức độ gắn kết và gần gũi cao từ những đứa con đã trưởng thành, điều này có thể xung đột với những ranh giới, sự riêng tư và tự lập của một người.

Những giá trị khác nhau.

Con người ta có thể hình thành những cảm giác tức giận hoặc bực dọc khi họ có những giá trị và mục tiêu hoàn toàn khác với những người khác trong gia đình. Những bất đồng này có thể là về chính trị hoặc tôn giáo, nhưng cũng có thể liên quan cách bạn chọn dành thời gian của mình, mối quan hệ của bạn, cách nuôi dạy con cái, hoặc thậm chí là cách bạn tiêu tiền.

Bạn có thể thấy mình không thích những thành viên không chấp nhận hoặc hỗ trợ cuộc sống và các lựa chọn của bạn.

Dấu hiệu của các mối quan hệ độc hại trong gia đình.

Khi bạn có mối quan hệ độc hại với những người trong gia đình mình, bạn có thể sẽ cảm thấy bị đe dọa về thể chất, cảm xúc hoặc tâm lý. Gia đình độc hại thường là gốc rễ của những mối quan hệ tồi tệ, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi họ có thể khiến bạn không ưa hoặc ghét họ.

Học cách nhận ra những dấu hiệu của mối quan hệ độc hại có thể giúp bạn hiểu rõ hơn lý do tại sao bạn không thích gia đình mình. Những người độc hại hay khiến bạn cảm thấy:

– Không được tôn trọng: Bạn cảm thấy các thành viên trong gia đình không tôn trọng nhu cầu của bạn.

– Lợi dụng: Thành viên độc hại trong gia đình thường có mong đợi cao nhưng lại không hồi đáp xứng đáng những gì bạn làm cho họ.

­– Không được hỗ trợ: Những mối quan hệ này khiến bạn thấy những người thân cận nhất với bạn lại không biết được con người thật của bạn và không sẵn lòng ủng hộ bạn khi bạn cần họ.

– Hiểu lầm: Những người độc hại hiếm khi nào cố gắng hiểu con người bạn.

– Tiêu cực: Những người này thường moi ra những phẩm chất tệ nhất ở bạn và khiến bạn cảm thấy tiêu cực về mọi người hoặc thế giới nói chung.

– Bị đổ lỗi: Khi mọi chuyện không theo đúng như kế hoạch, thành viên độc hại trong gia đình có thể đổ lỗi cho bạn và từ chối chịu trách nhiệm cho chính những gì họ đã làm.

Chú ý đến quá trình những hành vi này ảnh hưởng lên cảm nhận của bạn và khi chúng xuất hiện nhiều nhất. Việc tìm hiểu và nhận ra chúng có thể giúp bạn tìm ra cách ứng phó.

Không thích gia đình mình thì có sao không?

Bạn cần phải nhớ rằng việc không ưa ai đó trong gia đình là không hề hiếm gặp. Không ưa gia đình mình không khiến bạn trở thành người xấu. Trong một số trường hợp, bạn vẫn có thể duy trì mối quan hệ với mọi người ngay cả khi bạn không thích họ. Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm, nó còn tùy thuộc vào tình huống, vào những người có liên quan, và những yếu tố tác động gây căng thẳng cho mối quan hệ.

Làm sao để đối phó với tình trạng ghét bỏ gia đình mình?

Làm sao để đối phó với cảm giác chán ghét gia đình mình? Tình huống này có thể cực kỳ khó để giải quyết khi bạn sống hoặc vẫn tiếp xúc gần với các thành viên gia đình mà bạn không ưa.

Dù là bạn vẫn sống với gia đình hay vẫn ít tiếp xúc với họ, việc tìm cách bảo vệ không gian và sức khỏe tinh thần của bản thân là điều sống còn.

Công nhận xảm xúc của bản thân.

Tập chấp nhận cảm xúc của mình mà không phán xét bản thân vì sao lại cảm thấy như vậy. Bạn không thể chọn lựa gia đình mình. Đừng đổ lỗi cho bản thân vì không cảm thấy thân thiết với những người bạn không thích. Thay vào đó, hãy tập chấp nhận chính mình và xác định những gì mình cần làm để hoặc là kiểm soát những cảm xúc này, hoặc cải thiện mối quan hệ đang khiến bạn không hạnh phúc.

Tìm cách chấp nhận cảm xúc của chính mình với thái độ không phán xét là điều nên làm. Chấp nhận cảm xúc nghĩa là cho phép bản thân được cảm nhận chứ không cố đàn áp hay che giấu cảm xúc, ngay cả khi rất khó khăn và đau đớn. Bằng cách chấp nhận cảm xúc, bạn mới có thể tìm thấy những cách ứng phó lành mạnh với chúng và giảm bớt lo âu, trầm cảm, sợ hãi, và buồn bã, vốn thường song hành cùng những cảm giác này.

Hãy cân nhắc những chiến lược như tự chấp nhận bản thân, công nhận cảm xúc, chánh niệm và thiền định. Trị liệu cũng có thể giúp bạn khám phá cảm xúc của mình.

Quyết định hướng đi tiếp theo.

Không phải tất cả các mối quan hệ đều có thể được hàn gắn hoặc thậm chí đáng được gìn giữ. Sẽ có những lúc cách ứng xử của một thành viên trong gia đình có thể gây hại trực tiếp, như trong những trường hợp có xuất hiện tình trạng ngược đãi hoặc khi thành viên hướng thái độ thù hằn vào bạn và những người thân khác về các vấn đề như xu hướng tính dục, chủng tộc, hay tôn giáo. Trong những trường hợp này, bạn thường sẽ cần phải cắt đứt tạm thời hoặc vĩnh viễn với cá nhân này.

Nếu bạn vẫn sống với gia đình, bạn cần lên kế hoạch và cân nhắc một giải pháp thực tế. Tài chính, nhà cửa, di chuyển và những yếu tố khác bạn cần lên kế hoạch nếu bạn muốn rời khỏi và có được sự riêng tư cũng như tự lập hơn trong cuộc sống.

Hàn gắn mối quan hệ.

Hàn gắn những mối quan hệ kém lành mạnh với các thành viên trong gia đình cũng có thể là một lựa chọn. Đây là một cách bạn có thể làm nếu mối quan hệ này quan trọng với bạn và bạn cảm thấy sự tin tưởng, giao tiếp và cảm xúc tích cực có thể được gây dựng lại.

Đây là một hành động đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Đừng để bản thân cảm thấy áp lực phải chôn sâu cảm xúc hoặc hòa giải với mọi người khi bạn chưa sẵn sàng.

Theo một nghiên cứu của Stand Alone, một tổ chức tại Vương quốc Anh hỗ trợ những người trưởng thành bị gia đình xa lánh, việc dành thời gian để xử lý những cảm xúc đau buồn là cực kỳ cần thiết. Thay vì gây áp lực lên những người vốn đang bị người nhà ghẻ lạnh, có lẽ ta nên để họ có thời gian và không gian để chữa lành trước khi nỗ lực hòa giải.

Nếu bạn muốn cảm thấy ổn hơn về mối quan hệ của mình với các thành viên trong gia đình, hãy cân nhắc đề xuất họ thử tham gia trị liệu gia đình. Qua quá trình làm việc với trị liệu viên, bạn có thể cải thiện giao tiếp và thấu hiểu, từ đó cảm thấy ổn hơn về mối quan hệ với gia đình.

Thiết lập ranh giới.

Thiết lập ranh giới rõ ràng với các thành viên trong gia đình gây căng thẳng hoặc bất mãn cho bạn sẽ giúp bạn trở thành một cá thể tốt hơn trong phạm vi gia đình mình.

Tuy nhiên, thiết lập ranh giới với gia đình có thể sẽ khá khó, cũng bởi vì những giới hạn này lại đến từ chính gia đình của mình. Bạn cũng sẽ khó nhận ra ranh giới không lành mạnh nếu trước giờ bạn chưa từng biết đến ranh giới nào khác.

“Yêu Thương là Tôn Trọng”, một tài liệu quốc gia tập trung vào phòng tránh các mối qua hệ không lành mạnh và giảm thiểu tình trạng bạo lực cặp đôi giải thích rằng, việc chú ý đến cảm nhận của mình trong những tình huống khác nhau có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về những ranh giới của bản thân.

Nếu bạn muốn duy trì một mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, hãy thiết lập giới hạn trong các tương tác với họ nếu được. Ví dụ, bạn có thể chọn dành thời gian với họ một hoặc hai lần một tháng. Nếu một số chủ đề hay gây ra xung đột giữa đôi bên, hãy nói rõ là các chủ đề này đang vượt quá giới hạn tương tác của bạn.

Việc thiết lập những ranh giới này có thể giúp bạn cảm thấy có sức mạnh hơn và kiểm soát tốt hơn mối quan hệ với gia đình mình.

Duy trì sự riêng tư.

Những cách làm như tách bản thân ra khỏi tình huống hoặc cố ý không chia sẻ những chi tiết cụ thể về đời sống riêng có thể khá hữu ích. Nếu các thành viên trong gia đình tọc mạch về cuộc sống của bạn hoặc sử dụng những điều họ biết để chống lại bạn, hãy tìm cách thay đổi chủ đề khi cuộc hội thoại bắt đầu hướng về những đề tài này. Nếu cần, hãy trực tiếp và nói thẳng rằng bạn không thích trao đổi về chủ đề này.

Chấp nhận lựa chọn của mình.

Mỗi tình huống đều khác nhau, nhưng trong một số trường hợp, bạn có thể quyết định kết thúc mối quan hệ với các thành viên trong gia đình. Đây là một quyết định mang tính cá nhân cao và thường là quyết định tốt nhất khi bạn đã dành ít nhiều thời gian và khoảng cách để cân nhắc một số góc nhìn về những gì bạn đã trải qua.

Nghiên cứu cho thấy tình trạng ghẻ lạnh trong gia đình không hề hiếm gặp. Trong một nghiên cứu, 43.5% tham dự viên có ghi nhận bị ít nhất một thành viên trong gia đình lớn của mình ghẻ lạnh. Gần 17% bị ghẻ lạnh từ một người trong gia đình thân cận của mình.

Trò chuyện với một người bạn cũng khá hữu ích, nhưng bạn cũng có thể cân nhấc chia sẻ cảm xúc của mình với một chuyên gia sức khỏe tâm thần. Một trị liệu viên có thể giúp bạn đánh giá các yếu tố đã đang đưa bạn đến tình huống này và đưa ra một số lời khuyên về hướng xử lý tiếp theo.

Nghiên cứu cho thấy tái hợp lại sau thời gian xa rời khỏi gia đình là cực kỳ khó, và nó đặc biệt khó với thanh thiếu niên bị cha mẹ ghẻ lạnh. Khoảng 50% đến 60% thanh thiếu niên bị cha mẹ ghẻ lạanh cho rằng mình sẽ không thể có một mối quan hệ ổn định trong tương lai.

Mặc dù cắt đứt liên hệ là khá căng thẳng, nhưng nghiên cứu cho thấy chuyện này cũng có tác động tích cực. Một nghiên cứu phát hiện ra có 80% người đã kết thúc mối quan hệ với gia đình cảm thấy nó tác động tích cực lên đời sống của họ, họ cảm nhận nhiều hơn sức mạnh và sự tự lập.

Làm sao để ứng phó với một gia đình bạn ghét?

Các bước giúp ứng phó với tình trạng này:

– Thừa nhận cảm xúc của mình.

– Quyết định mình cần phải làm những gì.

– Chỉnh sửa các mối quan hệ nếu được hoặc nếu muốn.

­- Tạo dựng và duy trì những ranh giới với gia đình.

­- Từng bước bảo vệ sự riêng tư của bản thân.

– Kiên định với quyết định mình đưa ra.

Kết luận.

Cảm thấy không thích gia đình mình có thể là một cảm xúc cực kỳ khó đối phó. Nếu bạn có cảm giác này, thì việc xây dựng các kết nối xã hội bên ngoài gia đình có thể giúp bạn hình thành hệ thống hỗ trợ lành mạnh và có được góc nhìn và khoảng cách với các thành viên trong gia đình.

Những hành động như tách bản thân ra khỏi tình huống, thiết lập ranh giới, hoặc nỗ lực chỉnh sửa những mối quan hệ không tốt có thể có ích với sức khỏe tinh thần của bạn. Nếu một mối quan hệ lợi bất cập hại thì giảm bớt đáng kể hay cắ đứt hoàn toàn liên hệ với người hay nhóm người nhất định cũng là một ý hay.

Nếu bạn có cảm xúc khó chịu, lo âu, trầm cảm hoặc những triệu chứng khác xuất hiện do thái độ ghét bỏ gia đình của mình, hãy tìm đến một chuyên gia để được hỗ trợ. Bạn có thể bắt đầu bằng cách trao đổi với một chuyên gia sức khỏe tâm thần. Trị liệu trực tuyến cũng có thể là một lựa chọn hữu ích mà bạn có thể cân nhắc.

Theo Trang Tâm lý