Lần đầu tiên tôi nghe cái tên Chiêu Lầu Thi là năm 2016, một nơi có núi có mây và không quá khó đi đúng ý mình. Tôi đã tự nhủ nhất định mình sẽ tới đây. Và tôi có một niềm tin duy ý chí rằng, những nơi nào mình muốn đi, rồi sớm muộn mình sẽ đi được. Thế nên tôi đương nhiên đặt Chiêu Lầu Thi chễm chệ vào lịch trình dài ngày như một sự thách thức.
Cung đường thử thách tay lái
Trước ngày đi, tôi hỏi thông tin về Chiêu Lầu Thi qua hai anh bạn, đều là trên facebook, không thắc mắc quá nhiều, chỉ hỏi để biết đường và lượng sức mình mà thôi. Tôi vẫn nhớ lời một anh bạn từng nói, và cả trong tâm niệm của chính mình: đừng tìm hiểu tận chân tơ kẽ tóc một nơi, dù có cả ngàn clip trên Youtube, nếu không thì chúng ta cần gì sử dụng não bộ để tưởng tượng, để mơ mộng, và để bất ngờ khi bước vào chuyến đi nữa. Thật đấy, việc mù mờ một chút cũng vui mà, một chút thôi nha!
Tôi cùng 2 cô em gái, 3 chị em trên hai chiếc xe máy bắt đầu từ Hà Nội. Lần này chúng tôi đi theo tuyến đường Bắc Hà - Cốc Pài - Vinh Quang để đến Chiêu Lầu Thi. Những thửa ruộng bậc thang, những cánh rừng thay lá non lấp lánh trong nắng vàng và cái lạnh trong lành nơi vùng cao làm con đường trở nên thơ mộng hơn.
Dừng bên đường thay nhau tạo dáng chụp ảnh, chúng tôi tình cờ gặp một đoàn đâu chừng chục bác cỡ U60, mỗi bác chạy một chiếc xe cub bóp còi tin tin. Chúng tôi cười chào đoàn người xa lạ đầu tiên gặp gỡ, các bác dừng lại hỏi han.
Biết chúng tôi là 3 cô gái Sài Gòn dám chạy lang thang ngoài này chả có anh trai nào hộ tống, các bác không giấu nổi ngạc nhiên, còn chúng tôi khi nhìn đội hình lão thành của các bác cũng không giấu vẻ thán phục. Có bác kính đen rất thời trang, bác thì mặc nguyên cây đồ vintage, bác thì rằn ri hầm hố, bác thì tóc dài bồng bềnh nghệ sĩ.
Chuyện trò một lúc các bác bảo nhập đoàn đi cho vui. Thế là nguyên một chặng mấy chục cây số về Cốc Pài, chúng tôi được các bác hộ tống, bác cháu cứ thế chạy nối đuôi nhau hàng một. Ven sông Chảy hoa gạo mùa xuân nở đỏ rực, nhưng đường thì xấu xí bụi mù cay xè mắt.
Từ thị trấn Vinh Quang trung tâm huyện Hoàng Su Phì, chúng tôi phải chia tay. Các bác ở lại nghỉ ngơi mai đi Hà Giang, chúng tôi tiếp tục thẳng hướng Chiêu Lầu Thi. Lúc này khoảng hai giờ chiều, chúng tôi bắt đầu tách khỏi con đường lớn, tiến vào Bản Luốc.
Con đường quanh co uốn lượn qua những ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ và đặc biệt: vắng kinh hoàng. Vắng đến mức tôi tự hỏi đường đổ bê tông đẹp thế cho ai chạy? Và vắng đủ để tôi hơi e dè cho hai chiếc xe và ba đứa con gái xinh đẹp mỏng manh, dù rõ là ban ngày nắng chang chang. Chốc lát, tôi lại dòm kính chiếu hậu xem cô em gái áo hồng có bị rớt lại xa quá không. Vắng đến mức chỉ cần gặp một chiếc xe chạy trên đường chúng tôi cũng toét miệng cười chào họ như quen biết.
Dừng nghỉ bên đường, tôi lấy điện thoại gọi cho chú Phú chủ Homestay để nhắc chú là tối nay, tôi có đặt chỗ của chú ở Chiêu Lầu Thi, dù lúc đó chúng tôi còn cách khá xa. Điện thoại đổ chuông nhưng không liên lạc được. Tôi hơi bồn chồn, dặn hai con bé là ai có hỏi thì bảo đi vào nhà ông chú trên này, ông chú tên Phú. Thế nhưng đến gặp người cũng khó thì lấy đâu ra ai thèm hỏi thăm chúng tôi.
Đi khoảng hơn 20 cây số vòng vo lên dốc xuống đèo, đa số là lên dốc, thì chúng tôi đến ngã ba Hồ Thầu - Nàng Đôn y như các anh tiền bối miêu tả, một tấm bảng của xưởng chè San Tuyết, một quán tạp hóa nhỏ, và con đường xấu kinh hồn dẫn đến một nơi đẹp mơ màng: Chiêu Lầu Thi.
Chiêu Lầu Thi có nghĩa là chín tầng thang, bọn tôi thì bảo nó là chín tầng dốc thì đúng hơn. Không, phải là 90 tầng dốc mới đúng. Bắt đầu từ đây, dấu vết của con đường bê tông hoàn toàn biến mất, thay vào đó là con đường đất dốc, nhiều đá nhất và gớm nhất tôi từng đi. Xe chúng tôi cứ để số một mà nhả ra cho xe xóc tưng tưng qua đá.
Đa số cả quãng đường cô em ngồi sau phải xuống đi bộ để mình tôi bươn chải, đường xóc làm những chiếc balo sau yên xe cứ chực chờ rơi ra. Chị chủ quán tạp hóa dưới ngã ba bảo mười cây là đến Chiêu Lầu Thi, tôi cứ bán tín bán nghi, vì thường không hay đặt niềm tin vào phụ nữ, họ đa phần có chút mộng mơ về phương hướng cũng như khoảng cách.
Thế rồi ở một đoạn cua gấp tay áo lởm chởm đá, xe tôi và cô em cùng ngã, chiếc xe nằm quay ngang, chân chúng tôi mất miếng da. Dù hai chị em tôi đều sinh ra ở vùng núi và cũng được rèn luyện kinh qua mấy con đường đi rẫy mùa mưa mùa nắng, nhưng gặp con đường dở hơi này, chúng tôi cũng quỳ. Ngã xong cũng chẳng dám nằm đó mà kêu rên, vội vàng đỡ cái xe dậy không nó chảy nhớt chảy xăng thì nguy, người không dám vén quần xem vết thương mà chỉ lo xe lăn đùng ra bệnh. Cũng may bọn xe này 'mát tính', lại ì ầm lao tiếp, thấy mà thương.
Bỏ qua những đoạn đường xấu xí thì phải nói cảnh bên đường lên núi cực kì đẹp. Đó là những mảng rêu sặc sỡ bám trên vách núi ven đường. Lần đầu tiên tôi thấy rêu nhiều màu như thế. Đó là những rừng cây Tống quá sủ cổ thụ, sù sì.
Thỉnh thoảng có vài trăm mét đường bằng phẳng đi giữa rừng cây đẹp mơ màng cũng giúp chúng tôi được thư giãn, nghỉ ngơi một chút. Ngồi bên đồi nhìn khói bếp dưới bản làng bốc lên, ánh nắng bắt đầu nhàn nhạt, chúng tôi lại giục giã nhau lên đường bởi đích đến chẳng biết còn bao xa.
Homestay giữa núi rừng
Homestay của chú Phú chẳng khác gì cái khách sạn ở lưng chừng núi, đầy đủ tiện nghi, vòi tắm hoa sen, chăn ấm nệm êm trên giường, thiếu mỗi 3 thứ: điện, sóng điện thoại, và internet. Chúng tôi đến nơi đã là năm giờ chiều, homestay rộng lớn chỉ có một cậu bé ở lại nấu ăn và trông coi mọi thứ.
Cậu bé ấy tên là Pú người dân tộc Dao, 16 tuổi, da ngăm đen, nhỏ con, lễ phép và rất biết cách nói chuyện chọc cười. Chúng tôi tắm rửa xong thì Pú đã nấu nướng xong xuôi một mâm thịnh soạn có thịt gà nướng, trâu gác bếp, trứng chiên, cải mèo xào và rau nấu canh. Vừa ăn cơm bên bếp lửa khói nghi ngút Pú vừa kể cho chúng tôi nghe về con chó Trâm Anh và “con gà siêu đẻ”.
Con gà siêu đẻ là cách Pú gọi con gà mỗi ngày đều đẻ một quả trứng, làm ra món trứng chiên cho chúng tôi ăn. Còn sự tích con chó Trâm Anh có liên quan đến một anh chàng đẹp trai vừa xuống núi sáng nay. Pú bảo anh ấy thích con chó của Pú lắm nên đặt tên là Tiểu Bảo. Nhưng nó là chó cái nên anh quyết định gọi là Trâm Anh. Bọn tôi đang ăn cơm cứ bò ra cười nói: Trâm Anh đích thị là tên người yêu cũ rồi, chứ làm gì có con chó nào tên như thế. Tôi gỡ xích cho con Trâm Anh chạy chơi lăng quăng trên đám cỏ một lúc, nó phấn khích lăn lộn.
Pú bảo trên núi này đẹp nhưng buồn lắm, xung quanh chẳng có hàng xóm, chẳng có gì chơi. Tôi bảo vậy con Trâm Anh buồn nhất, bình thường lúc không có khách, cũng chẳng có người, chỉ mình nó chơi ở đây. Một mình chơi ở độ cao 2.400m.
Ăn xong mới có bảy giờ tối nhưng cả ba đứa chúng tôi đã cảm nhận được cái lạnh tái tê của núi rừng về đêm. Rủ thêm cả Pú, bốn chị em chơi đánh bài quỳ, quỳ ê hết cả đầu gối mới có 9h thôi cũng đành đi ngủ dành sức sáng hôm sau đi tiếp.
Nằm trong gian phòng tối om khi vừa tắt hết nến, nghe tiếng côn trùng kêu rỉ rả, tôi cũng suy nghĩ lại về việc mình từng ước mơ có ngôi nhà trên đỉnh núi, vốn chỉ nghĩ đến sự tĩnh lặng trong tâm hồn chứ không đề phòng những nỗi cô đơn, nỗi thèm người trò chuyện mà đương nhiên một con chó Trâm Anh không bù đắp nổi. Như giả sử bảo chuyến này chỉ có mình tôi, hay cho tôi làm công việc ở chỗ hoang vắng thế này một mình, có lẽ tôi sẽ đòi về nhà sớm.
Bồng bềnh mây trắng trên đỉnh Chiêu Lầu Thi
4 giờ 30 sáng, chúng tôi lọ mọ đánh thức nhau dậy, Pú cũng đã dậy khi tôi gõ cửa phòng em. Trời lạnh cắt da, gió thốc vào từ sườn núi, nhưng chúng tôi đã vượt một quãng đường xa để đến tận nơi heo hút này chẳng phải vì điều này ư, không thể lười biếng mà quay vào ngủ được.
Pú đồng ý đi cùng chị em tôi lên đỉnh núi, em chạy chiếc cào cào đi trước dẫn đường, tôi với cô em bám theo sát phía sau. Trời tảng sáng nhưng trên trời sao vẫn giăng đầy, ánh trăng còn xót lại chút ít soi lối đi trắng băng giữa rừng. Chúng tôi đi theo xe Pú, đoạn nào khó Pú lại dừng chờ các chị, Pú bảo nếu khó quá để em chạy xe qua giúp, mà cuối cùng tôi lái qua được hết. Mất 15 phút để đi hai cây, nhanh quá sức so với chiều qua, có lẽ người và xe đều đã lấy lại công lực.
Đoạn khó khăn nhất vẫn chờ chúng tôi, đó là leo bộ 45 phút lên đỉnh Chiêu Lầu Thi sau khi vứt xe máy ở một cái nhà gỗ ven đường, “chẳng ai lấy đâu” - Pú nói vậy. Đoạn đường lên đỉnh núi nằm khuất và dường như chẳng có dấu hiệu gì nhận biết, nếu để ba chúng tôi đi một mình thể nào cũng chạy xe lố quá. May mà có Pú.
Những bậc thang xi măng nhỏ có lẽ mới được xây vội nhưng khá chắc chắn, vừa đi được đoạn ngắn ba chúng tôi đã thở như trâu. Vừa lạnh, vừa gió ào ào rít bên tai, vừa mệt. Pú bảo các chị leo bước nhỏ, chậm rãi từ từ đừng hùng hục như vậy, phải quen đã mới leo nhanh được. Thằng bé thì đi thoăn thoắt phía trước bằng đôi dép tổ ong màu trắng, ba bọn tôi lết theo sau.
Được một đoạn nữa thì một cô em có dấu hiệu tụt đường huyết, chóng mặt mệt mỏi. Vừa cho em nghỉ uống nước tôi vừa động viên gắng đi tiếp để kịp mặt trời lên. Nhìn em, tôi nhớ lại hồi đi Ngọc Linh những bước đầu tiên trên ruộng bậc thang lúc bốn giờ sáng tôi đã là người đầu tiên muốn bỏ cuộc vì quá mệt.
Có những đoạn khó và dốc, Pú lấy đà rồi lao xuống thật nhanh, còn chúng tôi nhát, cũng chẳng quen địa hình, trời thì tối om, phải dùng hết cả bàn tay lẫn mông để trượt và bám. Sau chục lần nghỉ như thế chúng tôi cũng ôm được cục sắt Chiêu Lầu Thi 2.402 mét.
Ba chị em tôi ngồi vật ra hít thở. Trời vẫn chưa sáng hẳn, chứng tỏ chúng tôi leo khá nhanh, một bên là ráng hồng báo hiệu bình minh trên nền biển mây trắng, một bên là mặt trăng khuyết vẫn còn soi sáng.
Tôi không dám kỳ vọng, không dám ghi vào lịch trình là sẽ được ngắm biển mây ở Chiêu Lầu Thi, để các em tôi không quá mơ mộng. Không hứa hẹn, không thề thốt, không xa xôi - đó là điều tôi rút ra sau nhiều chuyến đi. Cỏ hoa, mây trời, mưa hay nắng vốn là chuyện khó đoán, gặp thì vui, không gặp cũng không buồn.
Có điều ngày hôm ấy, có lẽ là may mắn, chúng tôi đã đón bình minh dành riêng cho bốn chị em trên đỉnh núi. Không có thêm ai cả. Ba chị em tôi thay nhau chụp thôi, vì Pú bảo cảnh này em chụp chán rồi, làm cameraman cho chúng tôi. Pú bảo từ tết đến giờ ngày nào cũng có biển mây, có khi mây vờn đến tận đỉnh núi, đẹp hơn thế này nhiều. Với chúng tôi, thế này cũng đủ đẹp. Khoảnh khắc đứng lặng nhìn mặt trời ló trên biển mây và hắt nắng lên, cả đám chỉ biết xuýt xoa trầm trồ.
Tôi mở một bài nhạc ngồi duỗi chân ngắm biển mây, tưởng tượng như mình có thể lao ra và bơi trên dòng sông mây cuồn cuộn ấy.
Nếu nói những chuyến đi đều là cơ duyên, thì tôi tin chúng tôi là những người may mắn. May mắn vì đã đi cùng nhau, đủ hợp để chia sẻ cùng nhau những khoảnh khắc đẹp và rung động. May mắn vì đã gặp Pú - cậu em hiền lành, vui tính đã chia sẻ cùng chúng tôi nhiều điều thú vị. May mắn vì đã tận mắt ngắm nhìn một bình minh tuyệt đẹp, đã chiêm ngưỡng một Chiêu Lầu Thi dường như sinh ra dành riêng cho chúng tôi - những vị khách phương xa.