Grand

Gen Z làm sao để thoát cảnh càng làm càng thấy thiếu?

Gen Z được ví là thế hệ người tiêu dùng lạc quan. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ dù có việc làm ổn định, thu nhập khá nhưng vẫn rơi vào tình trạng "cháy túi". Làm sao để thoát khỏi tình trạng đó?

Đa phần bạn trẻ ở thế hệ gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) được tiếp xúc với tiền bạc từ rất sớm. Gen Z cũng là thế hệ có lối sống và cách chi tiêu có phần "thoáng" hơn các thế hệ trước.

Tuy nhiên, không ít người trẻ quên mất những mục tiêu tài chính mình đã đặt ra và rơi vào tình trạng "rỗng túi" khi chưa hết tháng. Vậy làm thế nào để gen Z thoát khỏi tình trạng càng làm càng thấy thiếu?

1. Tiết kiệm tự động

Theo CNBC, Gen Z có thể sử dụng phương pháp tiết kiệm tự động vào ngày bạn được trả lương. Lúc bạn nhận lương, một số tiền được cài đặt từ trước sẽ được chuyển trực tiếp từ tài khoản thường vào tài khoản tiết kiệm.

Hầu hết ngân hàng cho phép bạn làm điều này thông qua trang web hoặc ứng dụng. Do đã được lên lịch tự động, bạn không cần phải suy nghĩ, đắn đo về việc tháng này nên tiết kiệm bao nhiêu, hoặc trì hoãn việc trích tiền cho tiết kiệm.

Bằng cách tự động trích tiền hàng tháng, bạn đang ưu tiên cho mục tiêu tiết kiệm trước tiên, sau đó có thể tính toán chi tiêu với số tiền lương còn lại.

190862-1692445707.png
Lập kế hoạch tài chính có thể giúp gen Z kiểm soát cuộc sống của mình (Ảnh: Credello).

2. Tránh mua sắm ngẫu hứng

Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhờ sự tiện lợi, dễ dàng, giá trị nhỏ, nhiều gen Z sẵn sàng chi tiêu một cách không kiểm soát.

Thay vì mua thứ gì đó ngay khi một ý nghĩ lướt qua, bạn hãy tạo danh sách những món đồ muốn mua và chờ các sự kiện giảm giá. Hãy cố gắng lấy thật nhiều phiếu giảm giá trước khi thực hiện mua hàng, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử.

3. Quy đổi tiền mua sắm ra số giờ làm việc

Một thủ thuật được xem có tác động lớn đến tâm lý đó là quy đổi số tiền mua hàng theo số giờ làm việc. Bằng cách đó, mỗi khoản chi phí đều được đo bằng nỗ lực và thời gian.

Để làm điều này, bạn cần biết mình kiếm được bao nhiêu tiền mỗi giờ. Giả sử bạn thường kiếm được 50.000 đồng/giờ và muốn mua một chiếc áo 500.000 đồng. Khi ấy, bạn phải đặt câu hỏi liệu chiếc áo trên có xứng đáng với 10 giờ làm việc không hoặc bạn có sẵn sàng làm thêm 10 tiếng để đổi lấy chiếc áo đó không.

Suy nghĩ về món hàng bạn muốn mua dưới đơn vị tính là sự nỗ lực, có thể giúp bạn quyết định xem món hàng đó thực sự xứng đáng với chi phí bỏ ra hay không.

4. Nghĩ 1-2 ngày trước khi chi các khoản lớn

Để hạn chế mua sắm bốc đồng, các chuyên gia tài chính thường khuyên nên đợi ít nhất 1 hoặc 2 ngày trước khi thực hiện các giao dịch mua sắm lớn. Việc trì hoãn trên sẽ giúp bạn có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ liệu món đồ đó có thực sự đáng giá hay không.

Một khoản chi tiêu chiếm 1% thu nhập hàng năm có thể xem là giao dịch lớn. Ví dụ, nếu kiếm được 10 triệu đồng/tháng hay 120 triệu đồng mỗi năm, bạn cần chờ 1-2 ngày trước khi mua thứ gì đó có giá 1,2 triệu đồng trở lên.

Thủ thuật trên rất hiệu quả với những bạn trẻ thích mua hàng trực tuyến. Nhiều trường hợp, "chốt đơn" lúc nửa đêm để rồi sáng hôm sau phải hối hận vì bản thân đã tiêu xài hoang phí.

190863-1692445707.png
Nhờ sự tiện lợi, dễ dàng, giá trị nhỏ, nhiều gen Z sẵn sàng chi tiêu một cách không kiểm soát (Ảnh: Adweek).

5. Chi tiêu bằng tiền mặt

Còn theo Yahoo Finance, dùng tiền mặt là một lựa chọn tốt cho những bạn trẻ mắc chứng "nghiện" mua sắm bằng thẻ tín dụng.

Vì không thể tiêu nhiều hơn số tiền đang có, bạn có thể rút tất cả số tiền chi tiêu hàng tháng và chia thành các khoản phí khác nhau như ăn uống, điện nước, tiền thuê nhà...

Tuy nhiên, cũng có nhiều giao dịch thanh toán hóa đơn điện nước hoặc tiền nhà phổ biến phương thức thanh toán online. Do đó, gen Z có thể sử dụng phương pháp này cho các chi phí tùy ý như đi ăn ngoài, mua sắm quần áo hoặc giải trí.

Sau mỗi tháng, bạn sẽ biết chính xác số tiền mình còn và có thể phân phối lại tổng số tiền nếu cần. Bất kỳ khoản dư nào vào cuối tháng cũng có thể chuyển thêm vào khoản tiết kiệm hoặc dành cho tháng tiếp theo.

6. Xây dựng kế hoạch tài chính

Bằng cách thiết lập kế hoạch tài chính, gen Z có thể bắt đầu kiểm soát cuộc sống qua việc theo dõi, chia tỷ lệ chi tiêu, ngân sách để xác định tình trạng tài chính và có những điều chỉnh hợp lý. Số tiền tiết kiệm có thể được phân bổ vào quỹ khẩn cấp hoặc các tài khoản đầu tư.

Bên cạnh đó, gen Z cũng có thể lập bảng chi tiêu để theo dõi được quá trình chi tiêu của bản thân và có thể tổng kết được mình đã chi tiêu những khoản nào. Từ đó tối ưu chi tiêu với các khoản nên chi, hạn chế chi, hoặc không được phép chi cho tháng sau.

Theo CNBC, Yahoo Finance