Chúng tôi gặp cô chủ “Tiệm sách cũ Nhà Yên” tại tiệm sách cũ của chị tại số 143a/34 Ung Văn Khiêm, Phường 25, Quận Bình Thạnh. Chia sẻ với Sống 247 về cơ duyên đến với nghề bán sách. Chị kể rằng trước đây mẹ chồng chị cũng có 20 năm làm thuê cho cửa hàng sách cũ. Dù là một người rất mê sách nhưng thời điểm đó mẹ chị chưa có đủ khả năng kinh tế để tự mở một cửa hàng bán sách cũ cho riêng minh. Còn với chị, mặc dù là dân chuyên văn, nhưng chị cũng không quá đam mê những quyển sách như mẹ chồng và đang đi làm công ăn lương cho một công ty khác.
Rồi covid ập đến, chị nghỉ việc. Cửa hàng sách cũ mà mẹ chị gắn bó suốt 20 năm cũng đóng cửa. Sẵn còn một ít vốn trong tay và có một ít sách từ tủ sách của gia đình, chị bàn với chồng mở một cửa hàng sách cũ. Thời điểm đó, việc mở cửa hàng đối với chị chỉ là tạo công ăn việc làm cho mình và gia đình. Chính chị cũng không ngờ nghề bán sách cũ thú vị hơn chị nghĩ rất nhiều.
Điều thú vị đầu tiên mà chị chia sẻ với Sống 247 khi làm nghề là chị bắt đầu đọc sách. Việc đọc này bắt nguồn từ sự tò mò của chị qua những câu chuyện mà khách hàng chia sẻ. Qua từng cuốn sách, chị cảm nhận thế giới xung quanh như mở rộng ra. Đặc biệt với chị, khi đọc những quyển sách văn học, chị như sống thêm một cuộc đời khác, cùng trải qua những vui buồn, hạnh phúc và đau khổ từ những nhân vật trong quyển sách. Với chị, đó là điều may mắn nhất khi gắn bó với công việc này.
Kể về những ngày đầu tiên quyết định mở cửa hàng sách cũ, chị nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ mọi người. Có người ủng hộ chị vì cho rằng đây là một việc làm nhân văn. Bởi vì khi chủ cũ của cuốn sách có nhu cầu thanh lý sách, những cuốn sách sẽ có một chỗ ở tạm chờ đến khi chủ mới đến thu mua. Nếu không có những cửa hàng sách cũ này, các cuốn sách sẽ bị đưa đến vựa ve chai và trở thành giấy vụn. Bên bên những ý kiến ủng hộ chị, cũng có nhiều người đưa ra quan điểm rằng: sách giấy ngày nay đã khá lỗi thời. Theo họ, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, những người yêu sách có thể tiếp cận với sách điện tử, sách nói….rất dễ dàng. Người trẻ cũng có xu hướng ưa chuộng loại hình đọc sách này hơn là việc tìm mua một quyển sách giấy. Vì vậy, họ lo ngại mô hình kinh doanh của chị sẽ không thành công. Chị ghi nhận tất cả các đóng góp của mọi người, nhận ra ưu và khuyết điểm của mô hình kinh doanh này. Cuối cùng, chị quyết định vẫn mở cửa hàng sách cũ. Bởi vì gia đình chị ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm trong nghề này. Cộng thêm điều thôi thúc lớn nhất để chị bỏ qua tất cả những khuyết điểm của việc kinh doanh sách cũ chính là chị cảm thấy tình cảm gia đình thắt chặt hơn khi chị gắn bó với nghề này. Gia đình có thêm chủ đề để nói với nhau hàng ngày qua những câu chuyện kể từ các cuốn sách đến những câu chuyện của khách hàng xung quanh những cuốn sách mà họ có. Tình cảm gia đình này chính là điều quý giá nhất đối với chị.
Khi bắt đầu đi sâu vào nghề bán sách cũ, chị bắt đầu yêu thích công việc này vì nhận ra đây là một công việc rất ý nghĩa. Trong quá trình làm việc của mình, chị không ít lần chứng kiến niềm vui và sự biết ơn của khách khi tìm thấy một quyển sách mà họ tìm kiếm đã lâu nằm trên kệ sách ở cửa hàng của chị. Đó có thể là một quyển sách cũ xuất bản trước năm 1975 hoặc cũng có thể là những cuốn sách đã không còn tái bản nữa. Đó có thể là một quyển sách có ý nghĩa với họ, một quyển sách mà họ đã đi tìm rất lâu mới gặp. Những lúc ấy, chị cảm thấy như vui lây với niềm vui của họ. Và chị nhận ra rằng sách giấy không hề chết, bởi chị có những người khách mặc dù đã đọc được nội dung của sách qua phiên bản điện tử dễ dàng trên kindle vẫn mong muốn sở hữu một quyển sách giấy để sưu tầm. Và họ tìm đến cửa hàng của chị.
Gắn bó với nghề này, chị không chỉ chứng kiến niềm vui của người mua sách khi tìm được quyển sách mà mình thích mà chị còn được chứng kiến những câu chuyện cảm động đằng sau những người bán sách cũ cho chị. Chị kể với chúng tôi có những người đã dành cả đời mình để sưu tầm sách, những cuốn sách được họ trân quý, nâng niu, bảo quản và giữ gìn rất tốt. Nhiều người trong số họ vì nhiều lý do phải bán sách đi, nhưng đa phần đều rất tiếc nuối những quyển sách của mình. Đối với những người như vậy, sách như những người bạn của họ. Và ngoài việc bán được sách cũ với chi phí hợp lý, mong muốn lớn nhất của họ là những cuốn sách này sẽ tìm được những chủ nhân thật sự yêu quý, trân trọng và giữ gìn chúng.
Nói về chuyện mua sách này, chị kể với Sống 247 lần mua sách ấn tượng nhất của chị. Đó là vào đầu năm 2023, khi chị đến mua sách của một chú ở quận Gò Vấp. Chị ấn tượng vì tại thời điểm đó kho sách nhà chú có đến 4-5 tấn sách, tương đương với số lượng sách mà lúc bấy giờ cửa hàng chị có. Những cuốn sách này đã được chú tích cóp từ những ngày chú còn học cấp 1 đến tận lúc bấy giờ. Nhưng vì chú bị ốm và nhà chú bây giờ cần không gian thoáng đãng hơn để bố trí những chỗ giúp chú hồi phục sức khỏe, nên mặc dù rất tiếc nuối, chú đành phải bán đi những quyển sách kỷ niệm của mình.
Khép lại buổi trò chuyện với chúng tôi, chị chia sẻ rằng gắn bó với nghề đến bây giờ. Chị nhận ra rằng dù xã hội có phát triển, dù sách điện tử và sách nói có phổ biến và tiện dụng đến đâu đi chăng nữa. Thì sách giấy vẫn có chỗ đứng không thể thay thế trong lòng những người yêu sách. Và việc của chị là làm cho những quyển sách cũ này luôn sống bằng cách bảo quản chúng thật cẩn thận trước khi chúng tìm được người chủ mới của mình. Đó cũng chính là điều mà những người bán sách cho chị tin tưởng ký thác cho những cửa hàng bán sách cũ như cửa hàng của chị.