Tài sản lớn nhất và quyền lực lớn nhất
Không phải nghệ sĩ nào cũng hiểu rõ tài sản lớn nhất của mình là gì.
Đó không phải là sự giàu có vật chất.
Đó không phải là lối sống sang chảnh của tầng lớp có dân số ít nhất, nhưng chiếm nhiều tài sản nhất xã hội.
Tài sản lớn nhất của nghệ sĩ chính là tình yêu thương của đông đảo công chúng.
Tài sản này càng lớn thì quyền lực của nghệ sĩ càng lớn.
Đánh rơi mất tài sản đó, người nghệ sĩ không chỉ trở về số 0, mà rất dễ rớt xuống số âm.
Hôm nay là người hùng, ngày mai đã có thể trở thành tội đồ cả trên bia đá và bia miệng.
Đó là một sự thật khắc nghiệt, nhưng cũng là một thử thách và cơ hội tuyệt vời cho những nghệ sĩ chân chính, luôn biết giữ hình ảnh trong lòng công chúng, dù ở trên sàn diễn hay ở ngoài đời.
Sự yêu thương của công chúng đến từ đâu?
Đến từ sự cống hiến. Yếu tố quan trọng nhất để xây nền móng của "lâu đài cống hiến", chính là tài năng và đạo đức của nghệ sĩ.
Có tài, nhưng thiếu đức, con đường đi đến "trường bắn bia miệng" càng ngắn.
Có đức, nhưng thiếu tài, khó có thể cộng hưởng, lan tỏa tình yêu thương rộng khắp.
Nhiều nghệ sĩ chân chính thấu suốt điều này, nên ngoài việc họ cháy hết mình trên sân khấu, thì họ luôn nỗ lực để sống tử tế và có trách nhiệm giữa đời thường. Họ không đeo mặt nạ.
Ảo tưởng và nhầm vai; tài và tật
Vì không hiểu sâu sắc những điều này, nên không ít nghệ sĩ đã sắm nhầm vai. Anh ta đem cái hào quang trên sân khấu để rọi đường cho lối sống đời thường.
Anh là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú trong nghệ thuật, còn ngoài đời thường, anh là con, là chồng, là vợ, là bạn, là em, là kẻ hậu sinh.
Dù nổi tiếng toàn thế giới, anh cũng không được phép nói chuyện với đấng sinh thành ra anh với giọng của một nghệ sĩ nhân dân giáo huấn nghệ sĩ đàn em; không thể đối xử với anh chị em mình như đối xử kiểu bề trên như với fan hâm mộ.
Vì nhầm vai, nên bệnh ngôi sao đã biến rất nhiều nghệ sĩ tài năng, tinh tế, nho nhã, khiêm nhường và tỏa sáng trên sân khấu, trở thành những diễn viên dị hợm, kệch cỡm, thô lậu, thậm chí hống hách, khinh khi giữa đời thường.
Trong cuốn sách rất hay "Quyền lực đích thực", thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đề cập đến 2 trong nhiều yếu tố tạo nên quyền lực đích thực của con người.
Đó là quyền lực đến từ chánh niệm và quyền lực từ tình yêu thương không biên giới.
Chánh niệm hiểu nôm na chính là khả năng nhìn nhận sự vật đúng bản chất thật của nó.
Người nghệ sĩ, dù có tài năng đến mấy, anh vẫn - là - một - con - người, với nhiều tập khí xấu, thói xấu và biết bao điều chưa hoàn thiện.
Tài năng, sự nổi tiếng, cùng lắm chỉ có thể giúp anh che giấu bớt sự chưa hoàn thiện của anh trong một thời gian, không gian nhất định.
Nhưng vì không nhìn mình đúng như cái mình đang có, ngược lại luôn ảo tưởng về quyền lực và tài năng, anh quên mất mình cũng cần phải tu sửa, xả bỏ thói xấu, tật xấu hàng ngày để hoàn thiện. Và mình vẫn còn nhiều điều chưa hoàn hảo, nên phải khiêm nhường, lễ độ, học hỏi chứ không chém gió, rao giảng, lên mặt.
"Sự hoàn hảo thực sự" không đến từ những mỹ từ ca tụng của người khác mà đến từ chính sự tu dưỡng bản thân anh. Vì vậy, thói hư tật xấu, sự ảo tưởng của anh, giống như cái kim trong bọc, bình thường được che khuất bởi cái bọc hào quang, sẽ lòi ra trong một ngày trời đẹp hoặc không đẹp.
Hình ảnh trong clip Hoài Linh xin lỗi người dân vì chậm trễ trong việc giải ngân tiền từ thiện mới đây.
Một nghệ sĩ luôn thể hiện mình có lối sống giản dị, ăn uống mộc mạc chân quê, nhưng nếu anh vẫn không bỏ được đam mê ngồi trong sòng bài, đốt một tối hàng trăm triệu, thì cái kim "chân quê" cuối cùng cũng lòi ra. Và không chỉ lòi ra, nó còn cắm ngập vào thịt da nhức buốt.
Luôn tỏ ra là người có trách nhiệm, nhưng khi cần trách nhiệm nhất với người khác, vẫn thấy anh chạy show để vun vén cho mình, cái kim cũng sẽ lại chích tiếp, không chỉ vào tim mình mà còn vào tim của hàng triệu người đã trót yêu quý và tin tưởng ta.
Nhiều nghệ sĩ biết mình đẹp nên rất chăm chỉ khoe mình đẹp nhưng lại không có ý thức trau dồi những thứ sâu thẳm bên trong, nên dù họ có chụp rất nhiều hình bên các bình hoa, thì họ cũng không biết mình cũng chỉ là một bình hoa di động, dù like có nhiều đến mấy.
Hạt muối, dù có màu mè thế nào, nó chỉ thực sự là muối khi có vị mặn.
"Mất chánh niệm (thất niệm) ta sẽ mất tất cả. Vì không có chánh niệm cho nên cách ta kiếm tiền và tiêu tiền, cách ta sử dụng danh tiếng, cách ta sử dụng quyền lực có thể tiêu diệt chính ta và những người khác" – Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ rõ.
Quyền lực của tình yêu thương, theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, có sức mạnh vô cùng lớn:
"Khi chạy theo quyền lực giả tạo, hay chạy theo đối tượng của thèm khát, ta sẽ đánh mất một điều tối ư cần thiết cho hạnh phúc - đó là tình yêu thương".
Nếu nghệ sĩ luôn thương yêu công chúng của mình, đồng bào của mình, tổ quốc của mình, thì tình thương yêu đó sẽ thôi thúc anh làm những việc cống hiến cho đồng loại.
Gieo tình yêu thương thì sẽ được gặt tình yêu thương từ công chúng. Không gieo mà đòi gặt, thì chỉ trong suy nghĩ và hành động của quân trộm cướp. Công chúng quay lưng là mất hết.
Nhưng chính vì hiểu rõ như vậy, nên sự hỗi lỗi, thành tâm, chưa bao giờ là muộn, nhất là với người có căn cốt lương thiện. Ngã từ đâu vẫn có thể đứng dậy từ đó. Công chúng khắt khe, nhưng công chúng cũng rất vị tha. Cái gì ra đi thì vẫn có thể quay trở lại, dù không được nguyên vẹn.
Chính vì vậy, không nhìn rõ mình, không nhìn rõ quyền lực thực sự của mình đến từ đâu, không trân trọng nó, không dám đối diện khi có lỗi lầm, mới chính là vở hài kịch cười ra nước mắt mà nhiều nghệ sĩ buộc phải diễn trong cuộc đời.
Canh bạc đỏ đen nhất của người nghệ sĩ, không phải là thua vài trăm triệu trên sòng bài, mà là đặt cửa tất tay ván bài niềm tin và lòng thương yêu của công chúng.
Diễn hài trên sân khấu rất khó, còn diễn bi kịch trong cuộc đời mình thì rất dễ.
Chọc cười khán giả trong khán phòng rất khó, nhưng làm họ giận dữ ngoài đời lại rất dễ.
Thế nên, yêu hay ghét, tốt hay xấu, thiên đàng hay địa ngục đều do mình chọn hết:
Thiên đàng địa ngục tại tâm ta.
Tu tỉnh tâm kia chớ đắm xa.
Tâm sáng sạch trong tâm tức Phật.
Tâm đen vẩn đục biến vi tà.