Grand

Bức xúc vì bất ngờ nằm trong danh sách mắc Covid-19 phát tán trên mạng xã hội

Hoàng Yến
Cuộc sống của K. và các đồng nghiệp những ngày qua bị đảo lộn, kéo theo nhiều phiền toái khi bỗng dưng họ nằm trong danh sách những người mắc Covid-19 bị phát tán rộng rãi trên mạng xã hội.

Sau khi được đưa đi cách ly do thuộc diện ở trong vùng có ca mắc Covid-19, khi lên mạng đọc tin tức và chat tâm sự với bạn bè, vừa mở điện thoại, K. bất ngờ vì xuất hiện hàng trăm số điện thoại trên Zalo yêu cầu kết bạn cùng nhiều cuộc gọi nhỡ của bạn bè và người thân. Chị ngỡ ngàng khi kèm theo đó là hàng loạt tin nhắn có nội dung mạt sát, thậm chí văng tục chửi bậy.

Biết có sự hiểu nhầm, chị K. bình tĩnh xem lại. Theo những gì chị thấy trên mạng xã hội, K. và 12 đồng nghiệp trong công ty có trụ sở tại một tòa nhà trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, TP.HCM (nơi vừa có một người mắc Covid-19, nhưng khác tầng với công ty chị) bất ngờ hiện diện trong danh sách 25 người của một hội thánh truyền giáo nhiễm virus SARS-CoV-2.

1-1622271772.jpg

Thông tin liên quan đến nhiều người bị cho là mắc Covid-19 hiện lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC

Vì vụ việc này, ba mẹ chị K. cũng bị liên lụy ít nhiều. Chị K. kể, khi ông bà lên phường thực hiện khai báo y tế, vừa thấy họ, bà con chòm xóm xung quanh đã xì xào nọ kia. Người này nói: “Con anh chị theo hội giáo phải không? Nó đang dương tính, anh chị lo đi luôn đi”, người khác còn độc miệng hơn: “Không hiểu anh chị bảo ban con kiểu gì”.

Người già tuổi cao sức yếu, bị chì chiết vô lý như vậy, cha mẹ chị K. rất đau lòng.

Tất cả đồng nghiệp của chị K. đều rơi vào cảnh trớ trêu như vậy. Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ Việt Nam, chị H., giám đốc công ty nơi chị K. đang làm việc, cũng là nạn nhân trong vụ việc cho biết: “Ngày 26/5 xuất hiện thông tin ở lầu 2 tòa nhà, nơi công ty chúng tôi đóng trụ sở, có ca mắc Covid-19. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã liên hệ với công ty để xin danh sách toàn bộ nhân viên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, địa chỉ để có biện pháp phòng dịch kịp thời. Công ty chúng tôi đã chấp hành nghiêm yêu cầu này.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, nhân viên công ty phát hiện trên mạng xã hội đang lan truyền danh sách “25 thành viên liên quan giáo phái Phục Hưng nhiễm Covid-19”, trong đó có tên 13 nhân viên của công ty tôi, cùng số điện thoại và địa chỉ chi tiết".

"Tôi và các nhân viên trong công ty không hề sinh hoạt trong giáo hội này” - chị H. khẳng định.

Điều chị H. lo lắng nhất hiện nay là sau vụ việc này, danh tiếng công ty ít nhiều bị sụt giảm, công việc sẽ khó khăn hơn trước nhiều.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Khi sự việc xảy ra, đích thân chị H. đã gọi lên bộ phận tiếp nhận thông tin dịch bệnh của phường có trụ sở công ty tọa lạc để nêu thắc mắc, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Tôi bên y tế, chỉ nhận thông tin rồi chuyển lên trên. Không phải mình tôi biết thông tin này”.

Đến nay, chị H. vẫn chưa biết liên hệ với ai để có thể “giải oan” cho mình và các đồng nghiệp.

“Điều tôi mong muốn là nếu nhận được thông tin gì thì mọi người cần xác nhận cụ thể rồi hãy có thái độ và hành động chuẩn mực. Thứ hai, khi nhận được thông tin từ người chủ động hợp tác khai báo thì phía cơ quan chức năng nên bảo mật thông tin, vì nếu lộ ra thì đó là vi phạm quyền cá nhân” - chị H. nhấn mạnh.

2-1622272002.jpg

Tòa nhà tại đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, TP.HCM, nơi có ca mắc Covid-19. Ảnh: T.L

 

Trước đó, ngày 20/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế không công bố danh tính, chi tiết lịch trình di chuyển về quá trình tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19; chỉ công bố và khuyến cáo các điểm đến có nguy lây nhiễm cho người dân. Ngay sau đó, ngày 21/5, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi các bệnh viện, đơn vị trực thuộc, các sở y tế yêu cầu thực hiện nghiêm vấn đề này.

Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, một luật sư cho biết, Điều 16, 17, Luật An toàn Thông tin mạng 2015 và Điều 38, Bộ luật Dân sự 2015 có đề cập rõ về việc cần chú trọng vào sự đồng ý của chủ thể trước khi công khai một thông tin thuộc danh tính hay bí mật cá nhân.

Cụ thể, Điều 16, Luật An toàn Thông tin mạng ghi rõ: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý". Trong khi đó, Điều 17, Luật An toàn Thông tin mạng cũng quy định rõ: "Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm chỉ sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; đồng thời không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó, hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền".

Ngoài ra, Điều 38, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về quyền bí mật đời tư như sau: "Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác'.

Như vậy, theo luật sư, vụ việc phát tán thông tin liên quan đến vụ việc trên, ngoài yếu tố không chính xác, khách quan, còn nhất định phải được sự đồng ý của cá nhân đó mới đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Yến