Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa đá là hiện tượng thời tiết nguy hiểm với các hạt băng có trọng lượng từ 5 gram đến vài trăm gram, rơi với vận tốc từ 30-60 m/s, thậm chí lên tới 90 m/s.
Với vận tốc lớn như vậy, mưa đá khi rơi xuống mặt đất hay các thảm thực vật thường gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Mưa đá thường kèm theo gió mạnh hoặc gió lốc, tạo nên sức tàn phá khủng khiếp. Không chỉ gây thiệt hại về tài sản và cây cối, mưa đá còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Do đó, mưa đá được xếp vào loại hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Hiện nay khoa học chưa cho phép dự báo mưa đá
Ở Việt Nam, mưa đá xuất hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt thường xảy ra trong các tháng chuyển tiếp giữa mùa lạnh sang mùa nóng (tháng 4, 5 và 6) hoặc giữa mùa nóng sang mùa lạnh (tháng 9, 10 và 11).
Sự giao tranh mãnh liệt giữa các phần tử không khí ở hai khối không khí có bản chất trái ngược nhau trong các tháng này tạo nên những vùng đối lưu mạnh, gây ra mưa rào và dông mạnh, kèm theo mưa đá.
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết mưa đá là hiện tượng thời tiết nguy hiểm phạm vi hẹp và có sức tàn phá lớn.
Đặc biệt, công nghệ dự báo hiện tại chưa cho phép dự báo sớm sự xuất hiện của mưa đá. Khoa học chỉ có thể đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện trên vùng rộng, khu vực chi tiết chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 1 giờ, và chỉ thực hiện được ở khu vực có phủ ra đa thời tiết.
Do đó, để tránh các trận mưa đá bất ngờ, người dân, nhất là khách du lịch, cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết.
Vì vậy, để “né” các trận mưa đá xảy ra bất ngờ tốt nhất người dân, nhất là khách du lịch đến những vùng đất mới, chưa có sự am hiểu về khí hậu, địa hình nơi mình đến cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết.
Các chuyên gia khuyên khi thấy cơn mưa dông che kín bầu trời cần nhanh chóng tìm nơi trú ẩn.
Khi có thông báo về mưa rào và dông trên diện rộng, người dân nên chuẩn bị tinh thần để phòng tránh dông, tố, lốc và mưa đá. Ngoài ra, cần học cách quan sát: khi thấy những đám mây dạng như bầu vú đen sẫm lại gần như che kín tầm mắt, sau đó gió nổi lên mạnh tạo ra tiếng ù ù, ầm ầm liên tục, cần cảnh giác với mưa đá.
Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào và nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, mưa đá có thể sẽ xuất hiện.
Khi có cảnh báo mưa đá, cần nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa cửa sổ, cửa ra vào và các vật dụng dễ bị gió cuốn bay.
Nên vào nhà hoặc các tòa nhà kiên cố. Nếu đang ở ngoài trời, hãy tìm chỗ trú ẩn dưới các gầm cầu, cống rãnh hoặc các hố thấp.
Đảm bảo che chắn đầu và cổ bằng khăn hoặc mũ dày. Hạn chế đi lại bằng xe máy, ô tô trong lúc mưa đá. đồng thời không nên tìm chỗ trú ẩn dưới cây cối hoặc các vật thể cao
Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM