Câu chuyện phổ biến về áp lực đồng trang lứa
Tôi, một chàng trai 24 tuổi, đã đồng hành, lớn lên cùng peer pressure (áp lực đồng trang lứa) như thế nào?
Khi nhỏ, tôi hay bị áp lực bởi vì bạn bè trong lớp làm toán rất nhanh và chính xác. Tôi học tốt môn văn và rất chậm các môn liên quan đến số. Tôi hay bị thầy cô la và so sánh tôi với các bạn học tốt môn toán. Thế là tôi cố gắng học toán ngày đêm sao cho giỏi như các bạn để cho thầy cô thấy tôi cũng học giỏi, dù thật lòng tôi chẳng thích những con số.
Rồi đến cấp 3 lúc chọn ngành nghề, chọn trường đại học, các bạn tôi chọn các ngành như bác sĩ, kỹ sư, công an, kế toán… Một lần nữa, tôi đứng trước áp lực từ phía gia đình và các cô hàng xóm, kiểu "Con học IT đi, con cô học IT mới ra trường mà lương tháng 20 triệu luôn rồi, ngành này có tương lai lắm". Tôi nghe thấy cũng có lí và cũng thấy bạn bè học nhiều nên quyết định chọn luôn IT.
Giờ nhìn lại tôi mới thấy mình chọn vì nghe theo số đông, vì thấy bạn bè học, vì người ta nói nhiều tiền, chứ hoàn toàn tôi không nghĩ đến việc có thích nó hay có hợp với nó.
Rồi khi vào năm nhất, tôi nghĩ áp lực đồng trang lứa sẽ hết, nhưng không nó còn nặng nề hơn, khi tôi bắt đầu tập tành chơi game vì câu nói "dân IT mà không biết chơi game, sao làm IT được". Thế là dù chưa biết gì về game và cũng chẳng đam mê, tôi bắt đầu lao đầu luyện thâu đêm suốt sáng với hi vọng vô địch thiên hạ, dù tôi cũng không thích thú lắm. Rồi bắt đầu các cuộc chơi khác, vì như vậy mới gọi là hòa đồng, là thân thiện.
Đã có những lúc tôi muốn bỏ học đại học vì thấy mệt mỏi, thấy không hợp, hay vì thấy bạn bè kiếm được nhiều tiền từ các công việc khác. Tôi bắt đầu hoang mang, áp lực không biết con đường mình đi có đúng hay chưa, sao mình vẫn còn quá tệ trong khi bằng tuổi mà các bạn của mình đã rất thành công.
Khi tốt nghiệp, tôi nghĩ mọi việc chắc sẽ ổn. Nhưng không, khi tôi mới bắt đầu công việc đầu tiên thì tôi đã thấy story bạn cấp 3 đăng mua con xe hơi đầu tiên, hay chụp hình check in sang chảnh tại resort 5 sao. Hay lúc tôi vừa thấy thua kém bạn bè và đang cô đơn thì anh đồng nghiệp đăng hình được bạn gái tặng một con Macbook Pro mới tinh. Ôi ai thấu nỗi đau này!
Càng lướt Facebook nhiều càng thấy những người xung quanh của tôi thật sự quá giỏi; người thì mua nhà tuổi 20, bạn thì làm chủ shop thời trang rất đông khách, bạn thì có chuỗi quán bún đậu mắm tôm, người thì đi du học nước ngoài. Chưa kể, về quê thì ba mẹ tôi cứ "con nhà người ta" đã giúp ba mẹ xây nhà, hay cưới vợ có con… rất nhiều áp lực đến với tôi, lúc nhỏ thì điểm số học hành, lớn lên thì công việc, lớn chút thì gia đình…
Nhìn lại mình, tôi càng thấy bất an. Chính sự bất an này khiến tôi tìm kiếm câu trả lời, liệu peer pressure sẽ kéo dài tới bao lâu? Khi nào nó mới kết thúc, hay sẽ là không hồi kết?
Biểu hiện và nguyên nhân
Thạc sĩ tâm lý - Giảng viên kỹ năng mềm Cao Thị Thùy Trang chia sẻ câu chuyện trên. Chị đã lắng nghe câu chuyện của bạn trẻ kể trên với vai trò chuyên gia tư vấn. Qua câu chuyện này, chị Cao Thùy Trang mong muốn bạn trẻ tự nhìn nhận bản thân để biết rằng bạn có đang có những biểu hiện bị áp lực đồng trang lứa hay không:
Bạn có đang thấy áp lực, mệt mỏi, khó chịu hay thiếu an toàn vì xung quanh toàn những người bạn giỏi giang?
Bạn có hay chê bai hay hạ thấp và thấy người khác luôn có những khiếm khuyết?
Bạn có dễ nhận ra khiếm khuyết của ai đó hơn là điều tốt đẹp ở họ?
Bạn có thấy khó chịu hoặc tức giận với chính mình hay khó hiểu bản thân tại sao lại hành động như vậy?
Bạn có thấy thật khó khăn khi phải nói "không" với ai đó, dù thật lòng bạn rất muốn từ chối?
Bạn hay so sánh bản thân bạn với người khác, thường là người có điểm nào đó hơn bạn?
Bạn rất mong muốn được ai đó khen ngợi hoặc ghi nhận?
Theo Thạc sĩ tâm lý Cao Thùy Trang, nguyên nhân của áp lực đồng trang lứa xuất phát từ cả nguyên nhân bên trong lẫn bên ngoài của bạn trẻ.
Nguyên nhân bên trong là mong muốn hòa nhập và sự phát triển chưa ổn định về nhân cách của các bạn trẻ. Bên cạnh đó là việc thiếu kinh nghiệm sống, thiếu hiểu về bản thân và mục tiêu cuộc sống. Đồng thời, cũng không thể không nói tới mong muốn được ghi nhận, mong hình ảnh bản thân mình trở nên lung linh trong lòng người khác của bạn trẻ.
Nguyên nhân bên ngoài đến từ truyền thông và mạng xã hội. Đây được xem là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng cực kì lớn đến hiện tượng peer pressure và đặc biệt trong giai đoạn công nghệ phát triển. Song song với đó là định kiến - chuẩn mực xã hội.
Sẽ không quá xa lạ với những câu nói như: "18 tuổi phải học đại học", "22 tuổi phải có việc làm ổn định", "25 tuổi phải lấy chồng đi con", hay "lấy chồng cả năm rồi sao chưa có con", hoặc những câu như "Con gái nên học sư phạm mới dễ lấy chồng", "Con trai nên học IT cho nhiều tiền nghen con"… Chính những định kiến hay các chuẩn mực xã hội ngầm này đã vô tình tạo ra các áp lực cho các bạn trẻ.
Hai mặt của áp lực đồng trang lứa
Theo Thạc sĩ tâm lý Cao Thùy Trang, khi các cá nhân so sánh bản thân với người khác như một cách để đo lường sự phát triển cá nhân của họ hoặc để thúc đẩy bản thân cải thiện và trong quá trình này, phát triển hình ảnh bản thân tích cực hơn , thì sự so sánh có thể có lợi.
Hoặc khi cá nhân ở trong môi trường tốt và chịu sự ảnh hưởng tích cực của các bạn như: cùng đi làm thêm để có thêm trải nghiệm, cùng học tiếng Anh để tiến bộ, cùng lên kế hoạch cho tương lai, thì hiệu quả tác động từ bạn cùng trang lứa cao hơn rất nhiều so với lời khuyên từ ba mẹ hay các thế hệ đi trước.
Bên cạnh những mặt tích cực, so sánh chính là "kẻ trộm niềm vui"; vậy nên, nếu cứ mang bản thân đi so sánh với người khác, hay phải thực hiện những hoạt động mà bản thân không muốn thì thật là đáng thương.
Như câu chuyện bạn Q, có người yêu học giỏi, ngoan ngoãn và yêu thương bạn hết mực, giai đoạn đầu 2 bạn rất vui vẻ hạnh phúc cho đến khi Q thấy cô bạn thân được người yêu tặng nhẫn, tặng xe, và những món quà đắt tiền khác. Q cũng muốn được như vậy, bạn bắt đầu không hài lòng với người yêu của mình và mong có người yêu như của bạn thân, và rồi bạn chia tay.
Câu chuyện lặp đi lặp lại rất nhiều lần như vậy, Q thấy mình mệt mỏi vì hình như không tìm thấy ai như ý của mình, và luôn thấy người khác may mắn hơn mình. "Kẻ trộm niềm vui" đã gõ cửa nhà bạn khi bạn bắt đầu so sánh mình với người khác.
Thậm chí có những bạn vì luôn chạy theo các bạn cùng trang lứa mà đánh mất bản thân, như câu chuyện của bạn L: Bạn L học ngành kế toán và cũng yêu thích công việc làm trên máy tính với những con số, nhưng vì thấy bạn của mình làm sale bất động sản rất thành công, nên quyết định thôi việc kế toán và đi theo bạn làm bất động sản.
Do trước giờ chỉ làm với máy tính và cũng không thích giao tiếp hay nói nhiều, nên sau 3 tháng theo làm L bắt đầu thấy nản, được động viên thì L tiếp tục nhưng được 1 năm, bạn không có bất kì giao dịch nào mà còn nợ nần do mượn tiền mua data hay đầu tư các bữa ăn mời khách hàng. Lúc này L rơi vào khủng hoảng việc làm và tiền bạc, bạn còn hoài nghi năng lực của chính mình vì nghĩ mình quá tệ, bạn rơi vào trầm cảm và phải đến bệnh viện điều trị.
5 việc cần làm để gỡ bỏ áp lực đồng trang lứa
Thạc sĩ tâm lý Cao thùy Trang đưa ra 5 giải pháp tháo gỡ áp lực đồng trang lứa:
- Thấu hiểu chính mình: Nhận ra cảm xúc thật bên trong mình, xem chúng ta có thật sự ổn với cái mà mọi người đều thấy ổn này không? Xem bản thân ta thật sự muốn gì, thích gì, và hiểu rõ mục đích các hành động của chính mình. Khi bạn biết đích đến ở đâu bạn sẽ tiếp tục cuộc hành trình mà không bị rẽ ngang khi thấy người ta vừa rẽ, nếu không chúng ta dễ bị dẫn về nhà người khác lúc nào chẳng biết.
- Thay đổi nhận thức: Chúng ta có thể làm bất cứ một điều gì nhưng chúng ta không thể làm tất cả. Hãy trả lời câu hỏi: "Làm thế nào để con cá có thể leo cây?". Nếu câu trả lời là "Con cá không thể leo cây", thì đó là thông điệp dành cho bạn. Con cá sẽ chẳng thể leo cây, nó sẽ trở thành nhà vô địch khi ở dưới nước. Đừng bắt ép bản thân làm những việc mình không có thế mạnh, hay những việc thật sự không phù hợp chỉ vì xung quanh mình toàn những bạn có thể làm tốt điều đó.
- Sống với hiện tại: tập trung vào chính bản thân, để hiểu và cảm nhận bản thân cũng như cuộc sống, thay vì tìm cách đẹp hơn trong mắt ai đó, hay nỗ lực để được vừa lòng người nào thì hãy tập trung "nâng cấp hệ điều hành của bản thân" vì chính mình mà thôi. Hãy làm những điều bản thân thấy tốt cho mình, giúp mình vui, giúp mình tự tin và sống tốt hơn. Hãy tập trung vào bản thân thay vì người khác!
- Thực tập biết ơn: Hãy tập biết ơn những gì bạn đang có, hãy ghi ra những gì mình đang có, những gì tạo nên hạnh phúc của chính mình ở hiện tại, như một cơ thể lành lặn, một đôi mắt sáng, một sức khỏe tốt, một nghề nghiệp lương thiện, sự chính trực trong mình, một gia đình hạnh phúc… Bạn đã thấy bạn đủ điều kiện của hạnh phúc chưa nào? Bạn hạnh phúc hơn bạn nghĩ đấy nhé, chúc mừng bạn!
- Chọn bạn mà chơi: Nếu bạn đang có một nhóm bạn, hay đang kết bạn với một số người mà bạn càng tệ đi khi duy trì mối quan hệ với họ, thì hãy mạnh dạn "giữ khoảng cách", có thể bớt gặp gỡ, hay chỉ kết bạn nhưng không follow. Người trồng cây, để bảo vệ trái không bị sâu người ta cũng thường bao bọc hay rào lại, chúng ta cũng thế phải tự bảo vệ lấy mình nhé.
Theo Dân Trí