Grand

5 tuyến đường sắt độc đáo, đáng phải trải nghiệm nhất nhì thế giới

Hệ thống tàu hỏa lơ lửng trên không, tuyến đường vượt biển, đường sắt nằm giữa sân bay... là những tuyến đường sắt đem đến trải nghiệm rất độc đáo.

1. Tuyến đường sắt Nubes, Argentina

190854-1692444045.png
Ảnh: Internet

Địa hình nơi đường sắt Nubes vắt qua chủ yếu là núi cao và vách đá. Tuyến đường sắt Nubes (Argentina) được xây dựng vào năm 1921, kết nối khu vực miền Bắc của Argentina với Chile trên dãy núi Andes.

Do nằm ở địa hình hiểm trở, để giúp đoàn tàu dễ di chuyển hơn, các kĩ sư xây dựng đã thiết kế đường tàu chạy qua 29 cây cầu, 21 đường hầm, 13 cầu cạn cùng hai đoạn đường xoắn ốc.

Với chiều cao 4.200m so với mực nước biển và là tuyến đường sắt cao thứ 5 trên thế giới, Nubes còn được mệnh danh là tuyến đường lên mây, đem đến cho du khách một trải nghiệm "đi giữa mây trời" rất thú vị.

2. Tuyến đường sắt treo Wuppertal Schwebebahn, Đức

190855-1692444045.png
Ảnh: Internet

Đây là tuyến đường sắt lâu đời nhất thế giới với các toa tàu treo ngược trên cao. Công trình này được hoàn thành vào năm 1901 và vẫn hoạt động tốt đến hiện nay. Tuyến đường này được xây dựng để kết nối một số thị trấn công nghiệp dọc theo thung lũng hẹp, ngoằn ngoèo của sông Wupper.

Với độ cao tới hơn 12m so với các đường phố và chiều dài 12,8km, vận tốc 59,5km/h, tuyến đường sắt có thể vận chuyển hơn 80.000 người/ngày. Đối với người dân ở Wuppertal, tuyến đường sắt treo này là một trong những tuyến giao thông chính của thành phố.

3. Tuyến đường sắt Gisbone, New Zealand

190856-1692444045.png
Ảnh: Internet

Tuyến đường sắt Gisbone ở ngoại ô thành phố Gisborne, bên bờ biển phía Đông của đảo Bắc New Zealand, giao với đường băng chính tại sân bay Gisborne.

Tàu hỏa và máy bay phải nhường nhau ở khu vực giao cắt này. Mặc dù ưu tiên cho sân bay, nhưng 2 tuyến đường băng và đường sắt này vẫn được các cơ quan chức năng tại thành phố Gisborne cho phép cùng hoạt động song song.

4. Tuyến đường sắt Pamban, Ấn Độ

190857-1692444045.png
Ảnh: Internet

Tuyến đường sắt xuyên biển Pamban được coi là cây cầu xuyên biển đầu tiên và dài thứ hai ở Ấn Độ. Vì là một tuyến đường sắt xuyên biển nên Pamban còn được trang bị thêm cả hệ thống trục nâng ở giữa để cho tàu và xà lan đi qua an toàn.

Được xây dựng vào năm 1914, sau khi chạy trên cây cầu dài 2,2km nối với lục địa Ấn Độ, tuyến đường sắt Pamban sẽ chia ra thành 2 nhánh khác nhau. Một nhánh đến thị trấn Rameshwaram với chiều dài 10,06km, đây cũng là tuyến đường chính cho những người hành hương đến thánh địa của đạo Hindu ở Rameshwaram. Nhánh còn lại đến Dhanushkoi với chiều dài 24km, tuy nhiên nhánh này đã bị phá hủy trong một cơn bão vào năm 1964.

5. Tuyến đường sắt Stoosbahn, Thụy Sĩ

190858-1692444046.png
Ảnh: Internet

Tuyến đường khánh thành vào tháng 12/2017 và nhanh chóng trở thành một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng. Stoosbahn cũng là huyết mạch quan trọng nối ngôi làng Stoos - ngôi làng nằm trên một ngọn núi cao gần thị trấn Schwyz, phía nam Zürich - với vùng bên dưới.

Tuyến đường sắt Stoosbahn đang giữ kỷ lục về tuyến đường sắt công cộng dốc nhất thế giới. Những đoàn tàu trên tuyến đường Stoosbahn được thiết kế độc đáo và di chuyển nhẹ nhàng lên núi với độ dốc lên tới 110%.

Trên tuyến đường dài hơn 1,74km, tàu sẽ leo lên độ cao gần 744m từ ga ở dưới thung lũng mà chỉ mất 5 phút.

Hàng năm, có tới 10.000 tấn hàng hóa được chuyên chở thông qua tuyến đường sắt này, chủ yếu là nhu yếu phẩm cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong làng và rác thải, đồ tái chế từ các điểm trên ngược xuống chân núi.

Theo VTC News