1. Chỉ thoa kem dưỡng ẩm khi da khô
Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, kem dưỡng ẩm là sản phẩm dưỡng da không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da. Ngoài việc cấp ẩm cho da, kem dưỡng ẩm còn có chức năng khóa ẩm, giúp những dưỡng chất được thoa trước đó thẩm thấu tốt hơn trên da.
Tuy nhiên, không ít người có thói quen chỉ dùng kem dưỡng ẩm khi da khô hoặc những ngày thời tiết khô hanh. Thói quen dưỡng ẩm cho da "tùy hứng" vô tình khiến quy trình chăm sóc da bị gián đoạn hoặc không hiệu quả.
Do đó, để tăng cường cũng như duy trì khả năng giữ ẩm tự nhiên cho da căng bóng và mịn màng, không thể thiếu kem dưỡng ẩm trong quy trình chăm sóc da hàng ngày.
2. Tẩy da chết quá thường xuyên
Tế bào chết trên da lâu ngày không được loại bỏ sẽ khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn, tích tụ vi khuẩn và bụi bẩn khiến làn da của bạn sẽ bị sần sùi, nổi mụn và bị sạm.
Tẩy da chết định kỳ sẽ giúp làn da sáng mịn hơn, tránh được các bệnh viêm nang lông, mụn lưng và cảm giác khô sần. Bên cạnh đó, các dưỡng chất thấm sâu vào da, phát huy hiệu quả tốt hơn.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên thực hiện quá nhiều khiến da bị tổn thương. Với làn da nhạy cảm, bạn nên tẩy tế bào chết 1 tuần/ lần. Làn da bình thường thì có thể 2 lần/ tuần nếu bạn có thời gian.
3. Không tẩy trang trước khi đi ngủ
Tẩy trang là bước làm sạch da quan trọng, giúp lấy đi bụi bẩn, bã nhờn, vi khuẩn, lớp trang điểm và các tế bào chết. Nếu bạn thường xuyên đi ngủ cùng lớp trang điểm sẽ khiến lỗ chân lông bít lại, gây tắc nghẽn và sản sinh mụn. Làn da không được chăm sóc sẽ khó tái tạo và hấp thu dưỡng chất, xỉn màu và khiến các vấn đề về da trầm trọng hơn.
Chỉnh bới vậy, cần làm sạch da kỹ lưỡng trước khi đi ngủ. Tùy từng loại da, bạn có thể lựa chọn loại sản phẩm tẩy trang phù hợp. Ví dụ, đối với da khô, nên dùng tẩy trang dạng sữa hoặc dạng kem. Những sản phẩm này có công thức chứa dầu hoặc chứa nước, không làm giảm lượng dầu tự nhiên, hỗ trợ dưỡng ẩm.
Đối với da dầu, nên dùng tẩy trang dạng nước, tránh chọn loại có nguồn gốc từ dầu. Người có da nhạy cảm thường dễ bị ngứa, châm chích, nóng rát, đỏ, căng sau khi tiếp xúc với các sản phẩm chăm sóc da, thức ăn, bụi bẩn hoặc các yếu tố khác từ môi trường. Vì vậy, nhóm này nên chọn sản phẩm nước tẩy trang có thành phần dịu nhẹ, đơn giản, không chứa cồn.
4. Tự cậy, nặn mụn
Việc nặn mụn chỉ đơn thuần là giải pháp tạm thời cho da và không điều trị được tận gốc. Tự nặn mụn hay nặn không đúng cách sẽ khiến làn da bị tổn thương, làm tăng khả năng hình thành sẹo mụn, sẹo rỗ và để lại vết thâm lâu lành.
Để loại bỏ các nốt mụn một cách an toàn, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở làm đẹp uy tín để lấy nhân mụn. Tuyệt đối tránh trường hợp bạn nặn mụn không đúng cách, nhay đi nhay lại vùng da mụn sẽ làm tổn thương da, chân mụn cũng không thể làm sạch, sẽ dẫn tới mụn bị viêm, sưng tấy đỏ và có thể lây lan ra nặng hơn, dễ để lại sẹo rỗ, thâm thậm chí dễ gây ra tình trạng viêm nhiễm mụn có thể lan ra nhiều hơn.
5. Quên chăm sóc da vùng cổ
Nhiều người thường bỏ quên da cổ khi thoa các sản phẩm chăm sóc da hàng ngày. Tuy nhiên, cổ thường là một trong những vùng da đầu tiên xuất hiện dấu hiệu lão hóa trên cơ thể. Nếp nhăn ở cổ có thể được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ ánh nắng mặt trời, di truyền, hút thuốc, lão hóa, chuyển động lặp đi lặp lại...
Những người trẻ tuổi có nguy cơ hình thành các nếp nhăn nhanh hơn vì họ nhìn lên và nhìn xuống điện thoại nhiều lần. Chuyển động lên xuống lặp đi lặp lại khi nhìn vào màn hình máy tính hoặc điện thoại có thể khiến hình thành các nếp nhăn sớm hơn.
Khi bạn đang sử dụng điện thoại, hãy thử đặt điện thoại trước mặt và nhìn thẳng về phía trước. Thoạt đầu có thể cảm thấy hơi kỳ quặc, nhưng điều chỉnh thói quen này có thể hạn chế các nếp gấp ở cổ.
Ngoài ra, nên chú ý chăm sóc vùng da cổ tương tự như da mặt. Cổ cũng là một bộ phận thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường nhưng lại ít được che chắn. Do vậy bạn đừng nên bỏ qua bước làm sạch, tẩy da chết và chống nắng cho vùng da này. Dưỡng ẩm sẽ giúp da trông căng mọng, ít nếp nhăn hơn và có thể giúp ngăn ngừa hình thành các nếp nhăn trong tương lai.
Theo Sức khỏe và Đời sống