Grand

5 bước chăm sóc da cơ bản giúp da hết nhăn nheo

Da nhăn nheo chủ yếu là do quá trình lão hóa. Lúc này quá trình phân chia tế bào da chậm hơn, collagen, elastin cũng giảm… Từ đó tính đàn hồi của da giảm, cấu trúc bề mặt da thay đổi sẽ trở nên nhăn nheo. Tuy nhiên, một lý do khác khiến da nhăn nheo đó là do không chăm sóc da đúng cách.

1. Những điều cần biết trong chăm sóc da cơ bản

Chăm sóc da cơ bản là một quá trình cần kiên trì thực hiện hằng ngày, lâu dài, đúng theo các bước và lựa chọn sản phẩm phù hợp với type da mới mang lại hiệu quả chống nhăn bền vững. Theo đó, cần chú ý những vấn đề sau:

- Dù sử dụng sản phẩm dưỡng da tốt đến đâu thì dưỡng ẩm cho da và chống nắng đều không thể bỏ qua. Vì nếu bỏ qua 2 bước này thì các bước chăm sóc da trước đó đều trở nên vô ích.

- Nên thực hiện quy trình chăm sóc da, bảo vệ da trước sự lão hóa từ khi bạn 20 tuổi sẽ giúp làn da trẻ khỏe lâu dài. Không nên để da lão hóa rồi mới bắt đầu chăm sóc da, bởi lúc này dù có chăm sóc cách nào cũng chỉ giúp cải thiện làn da chứ không đảo ngược được quá trình lão hóa. Nên lưu ý chăm sóc cả da cổ, da mắt, da bàn tay.

180104-1705538240.png
Mỗi tình trạng da dùng các sản phẩm chăm sóc da khác nhau.

- Nếu da bị mụn, không thực hiện các bước chăm sóc da này mà cần điều trị khỏi mụn trước, sau đó mới chăm sóc dành cho da mụn. Bước cuối cùng là trị thâm (nếu có), dưỡng trắng. Không nên dùng nhiều hoạt chất trị mụn hóa học cùng lúc. Tuy nhiên, có thể dùng các sản phẩm trị mụn từ thành phần tự nhiên.

Trường hợp da bị mụn lâu, chỉ chăm bên ngoài thôi chưa đủ, nên xem lại chế độ ăn uống, tâm lý, sức khỏe và tập thể dục (thúc đẩy bộ máy bên trong cơ thể làm việc tốt hơn). Kết hợp bên trong và bên ngoài sẽ mau hết mụn hơn.

- Không có sản phẩm dưỡng da tốt nhất - dù là loại đắt tiền hay giá cả phải chăng. Sử dụng sản phẩm dưỡng hợp với tình trạng da mới mang lại hiệu quả tốt nhất.

- Serum là sản phẩm chăm sóc da chuyên biệt, do đó một sản phẩm serum không có quá nhiều công dụng. Không nên kỳ vọng sử dụng một loại serum cho tất cả các tình trạng của da. Tuy nhiên, serum là bước dưỡng da, giúp da căng mịn mang lại hiệu quả nhanh nhất. Vì vậy quy trình chăm sóc da nên đầu tư serum.

- Tùy từng type da mà lựa chọn mặt nạ khác nhau. Ví dụ với type da nhờn, lỗ chân lông to thì nên dùng mặt nạ đất sét sẽ giúp se khít lỗ chân lông và da bớt nhờn. Với da thường, da khô có thể dùng mặt nạ giấy từ các loại sản phẩm thiên nhiên kết hợp. Tuy nhiên, dù đắp mặt nạ loại nào cũng không nên quá 15-20 phút, vì sẽ gây ra hiện tượng hút ẩm ngược, khiến da khô hơn.

- Thứ tự chăm sóc da là: Tẩy trang (buổi tối) - sữa rửa mặt (ngày 2 lần, buổi sáng và và buổi tối) - tẩy tế bào chết (tối đa 2 lần/tuần vào buổi tối) - mặt nạ (tuần 2 lần vào buổi tối) - toner (buổi tối) - serum (loãng trước đặc sau) - kem dưỡng ẩm/kem trắng da/kem trị nám (buổi tối) - kem chống nắng (buổi sáng).

2. Các bước chăm sóc da dễ thực hiện hằng ngày

Bước 1: Làm sạch cho da

- Tẩy trang dạng nước cho da khô; dạng xịt hoặc gel dành cho da dầu, da mụn.

- Sửa rửa mặt dạng sữa dành cho da khô. Da nhờn, mụn và lỗ chân lông to ưu tiên sữa rửa mặt dạng bọt. Da nhạy cảm dễ bị kích ứng ưu tiên sữa rửa mặt dạng gel. Dạng gel có thể áp dụng với type da dầu hoặc da hỗn hợp.

Bước 2: Tẩy tế bào chết

- Nếu da khô, nên chọn các loại tẩy da chết có thành phần cấp ẩm và không chứa paraben. Da dầu nên chọn các sản phẩm tẩy da chết có chứa than hoạt tính để hút bớt dầu thừa trên da.

- Trường hợp da mụn nên chọn tẩy da chết hóa học, không nên dùng tẩy da chết vật lý,vì có các hạt nhỏ li ti dễ gây tổn thương cho da.

180105-1705538240.png
Sử dụng sản phẩm dưỡng da phù hợp với tình trạng da mới mang lại hiệu quả tốt nhất.

Bước 3: Toner cho da

- Với da khô thì cần dùng toner ngay khi mặt khô 80%. Nên dùng loại toner chứa thành phần dưỡng ẩm cao như hyaluronate, glycerin, chiết xuất hoa hồng, chiết xuất rau má, chiết xuất lô hội.

- Với da dầu mụn, dùng toner sau khi rửa mặt 15 phút để da có thời gian cân bằng. Nên lựa chọn loại toner có chứa các thành phần AHA và BHA. Ưu tiên các loại toner chiết xuất từ thiên nhiên như nước hoa hồng, thảo mộc, trà xanh, tràm trà, rau má

Đặc biệt lưu ý không nên dùng dòng toner chứa cồn, hương liệu hóa học, paraben và dầu khoáng vì có thể làm tăng nguy cơ dị ứng, nổi mụn.

Bước 4: Dưỡng ẩm da

- Với da khô nên chọn các loại kem dạng sữa.

- Với da dầu mụn cần lưu ý tránh các thành phần làm mềm da gây tắc bít lỗ chân lông. Cụ thể là sản phẩm có chứa dầu khoáng, paraben, lanolin, comedogenic, cồn…

Ưu tiên chọn kem dưỡng ẩm cho da dầu mụn kết cấu dạng gel, lotion thẩm thấu nhanh không gây nhờn rít và có thành phần như: Acid glycolic có tác dụng giảm tiết dầu ngăn chặn tắc nghẽn lỗ chân lông; acid hyaluronic có tác dụng dưỡng ẩm mạnh và cho da cảm giác nhẹ nhàng; retinol có tác dụng se khít lỗ chân lông, tăng sinh colagen; acid salicylic là lipophilic có tác dụng hút dầu ra giúp lỗ chân lông thông thoáng.

Bước 5: Chống nắng bảo vệ da

- Da khô nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30 để có thể bảo vệ da tốt toàn diện nhất. Thành phần của kem chống nắng có chứa các chất làm mềm da như dầu thực vật không hương liệu, bơ trái cây để làm ẩm và bảo vệ da.

- Da dầu mụn nên chọn kem chống nắng có chứa chất oxit kẽm và titanium - là 2 thành phần lành tính an toàn cho da đồng thời kiểm soát dầu nhờn hỗ trợ điều trị mụn. Tránh các chất như oxybenzon, avobenzone, sulisobenzone có trong kem chống nắng vì các chất này dễ gây kích ứng và lên mụn nhiều đối với da dầu.

Cách nhận biết nhanh trên vỏ hộp bao bì: Với da mụn, nên sử dụng kem chống nắng có từ "Non-Comedogenic" (không gây bít lỗ chân lông); "No Sebum" (không gây nhờn) hoặc "Oil Free" (không dầu) trên bao bì, hoặc sử dụng các loại kem chống nắng dạng gel, nước hoặc dạng xịt để tránh gây bí da.

Theo suckhoedoisong