Nếu có một điều gắn kết tất cả chúng ta thì có lẽ đó là nỗi ám ảnh mỗi khi quyết định thực đơn cho bữa ăn tiếp theo. Nếu bạn đang trong một mối quan hệ, rất có thể bạn đã quen với những cuộc tranh cãi với người yêu về việc lựa chọn quán ăn cho địa điểm hẹn hò của cả hai. Và giống như một kịch bản được lập trình sẵn, sau khi cân nhắc rất nhiều sự lựa chọn thì cuối cùng cả hai giao phó quyết định thông qua trò chơi may rủi nào đó.
Về lý thuyết, "Hôm nay ăn gì?" là một quyết định khá dễ dàng và ít rủi ro. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng sẽ nạp vào cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết và chắc chắn đó sẽ không phải là ngày tận thế nếu bạn không cảm thấy thỏa mãn vị giác như kỳ vọng (bạn vẫn có thể ăn tráng miệng hoặc ăn nhẹ sau đó). Vậy tại sao chúng ta lại cảm thấy khó quyết định đến vậy?
Sự lý giải từ góc độ tâm lý
Tiến sĩ Becky Spelman, nhà tâm lý học và người sáng lập Private Therapy Clinic tại Anh Quốc cho biết: “Có một số rào cản tâm lý khiến nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn trong việc quyết định ăn gì. Thứ nhất là cảm giác mệt mỏi xuất phát từ thực trạng con người phải đưa ra vô số lựa chọn trong một ngày". Và khi đến giờ ăn, bộ não có thể trở nên kiệt sức, dẫn đến việc đưa ra một quyết định khác trở nên khó khăn hơn - dù trông nó có vẻ đơn giản đến đâu!
Bên cạnh đó, chúng ta thường nảy sinh sự lo lắng và áp lực khi phải đưa ra sự lựa chọn đúng khi dung hòa nhiều yếu tố như sở thích sở thích cá nhân, chế độ ăn kiêng, đồng nghiệp,...Tiến sĩ Spelman tiết lộ: “Tâm trạng, cảm giác thèm ăn và thậm chí cả những tín hiệu bên ngoài như quảng cáo hoặc bài đăng trên mạng xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn thực phẩm của chúng ta”.
Vì sao càng đơn giản lại càng khó khăn?
Một tình huống mâu thuẫn có thể xảy ra khi chỉ vài phút trước, bạn đang đứng trước cả một hội đồng lớn để đưa ra những quyết định mang tính chiến lược toàn cầu. Thế nhưng, rất nhanh sau đó, bạn lại trở nên chần chừ khi phải lựa chọn nên ăn loại bún gì giữa hằng hà món bún ốc, bún riêu cua, bún mọc,...Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Theo Tiến sĩ Spelman, tầm quan trọng của một quyết định không phải lúc nào cũng tương quan với mức độ phức tạp. Việc chọn đồ ăn có vẻ đơn giản, nhưng vô số lựa chọn và sở thích cá nhân có thể khiến công việc này trở nên khó khăn hơn thực tế. Mặt khác, những quyết định lớn hơn thường đòi hỏi nhiều thời gian, nghiên cứu và tư duy phản biện hơn, điều này có thể mang lại cho chúng ta cảm giác quan trọng và cấp bách, dẫn đến sự tập trung cao độ và quyết đoán hơn.
Bên cạnh đó, tác động và hậu quả của các quyết định lớn thường hữu hình và dễ nhận biết, điều này thúc đẩy chúng ta thu thập thêm thông tin, cân nhắc ưu và nhược điểm và cuối cùng đưa ra lựa chọn sáng suốt. Ngược lại, tác động của việc lựa chọn ăn gì cho bữa tối có vẻ ít quan trọng hơn, dẫn đến tính thiếu tính cấp bách hoặc động lực để đầu tư nỗ lực tinh thần đáng kể vào quá trình ra quyết định.
Làm thế nào để chấm dứt sự căng thẳng?
Theo Tiến sĩ Spelman, có một số chiến lược bạn có thể thực hiện để đơn giản hóa việc ra quyết định và làm cho bữa ăn trở nên thú vị hơn.
1. Lên kế hoạch bữa ăn
Hãy dành một chút thời gian mỗi tuần để lập kế hoạch, xem xét sở thích, nhu cầu ăn kiêng và các nguyên liệu sẵn có. Bạn có thể khám phá sách dạy nấu ăn, blog ẩm thực hoặc công thức nấu ăn trực tuyến. Việc vạch ra kế hoạch rõ ràng sẽ giúp loại bỏ sự căng thẳng khi phải quyết định ngay tại chỗ và đảm bảo bạn có sẵn những nguyên liệu cần thiết.
2. Chuẩn bị bữa ăn đông lạnh
Nấu theo đợt và đông lạnh các bữa ăn làm sẵn có thể giảm bớt căng thẳng vào những ngày bạn mệt mỏi hoặc không biết nên nấu món gì.
3. Ưu tiên sự đơn giản
Tiến sĩ Spelman nói : “Hoàn toàn không có gì sai với một món mì, món xào hoặc đĩa salad đơn giản. Chúng ta không cần phải tốn hàng giờ để chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn!”
Tùy thuộc vào định nghĩa của bạn về niềm vui, việc biến chúng thành một trò chơi cũng có thể rất thú vị. Ví dụ: nếu bạn và người yêu của mình gặp khó khăn trong việc đi đến quyết định chung, mỗi người sẽ đưa ra gợi ý về bữa ăn mà bạn muốn ăn và tung một đồng xu. Và sau đó quyết định được thực hiện.
Về lâu dài, việc thực hành chánh niệm cũng có thể hữu ích. Trong lối sống hiện đại nhịp độ nhanh, chúng ta thường ưu tiên năng suất và sự đa nhiệm, điều này có thể dẫn đến sự mất kết nối với các tín hiệu và nhu cầu của cơ thể. Việc mất liên lạc với cơ thể có thể góp phần gây khó khăn trong việc quyết định nên ăn gì.
Thực hành ăn uống có chánh niệm, nghỉ ngơi thường xuyên, tự suy ngẫm và tạo ra những khoảnh khắc tĩnh lặng tỏng ngày có thể giúp chúng ta kết nối lại với chính mình. Bằng cách này, bạn có thể lắng nghe các tín hiệu và nhu cầu của cơ thể và quyết định xem chúng ta thực sự muốn ăn gì.
Theo Lofficielvietnam