Ở thời đại số 4.0 này, có mấy ai vẫn còn nhớ đến những vần thơ, còn sống trong tâm thế khờ khạo, vô tư và chậm rãi? Những tâm hồn thi sĩ ấy liệu có còn không?
“Tình thơ một thuở” là tuyển tập thơ tình với 55 bài thơ, một số bài đã được các nhạc sĩ phổ nhạc, là vần điệu một thời của năm nhà thơ, mà còn là tiếng nói của hiện tại, của bất kỳ ai, như lời của thi sĩ Gửi hương cho gió: “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì.” Khi bạn đến với “Tình thơ một thuở”, cũng chính là lúc bạn lắng nghe những cung bậc cảm xúc ngân nga trong lòng mình.
Tình thơ trong tuyển tập này như từng sợi tơ lòng đan xen vào nhau, hòa quyện tạo ra những cung bậc cảm xúc về một thời lãng đãng. Với nhà thơ Lê Thị Kim, thơ ca – đó là niềm khát khao được bộc bạch tự trái tim về những ẩn giấu tận đáy tâm hồn – trong sáng, lắng sâu, chìm ẩn trong cõi vô thức của mỗi con người, lúc cần thiết sẽ tuôn trào như mưa, như suối, như một dòng nước mát bất chợt giữa oi nồng… Văn chương vốn là một nghề đầy bất trắc, không hứa hẹn gì với những người cầm bút. “Tôi đến với văn chương là để tìm mình, về với chính mình” – nhà thơ Trương Nam Hương chia sẻ.
Và thi sĩ? “Đó là kẻ có sứ mệnh tìm kiếm, khai thác những giấc mơ đã đến trong cuộc đời chính mình. Giấc mơ ấy chính là tâm trạng, tâm thế, tâm linh đang phiêu bồng, trôi dạt đâu đó trong cõi chân mây cuối trời trong thời đại hắn đang sống. Sau đó hắn thể hiện bằng những con chữ được sắp xếp ngẫu hứng và ý thức. Trong hành trình đơn độc này không ai thành công và cũng chẳng ai thất bại…” – theo lời tâm sự của Nhà thơ Lê Minh Quốc.
“Mỗi nhà thơ là một vũ trụ tự vận động cùng những đứa con tinh thần của mình. Ông bà ta nói “văn ôn võ luyện”, theo nghiệp viết mà không mài bút hàng ngày thì sẽ nhanh chóng bị “khô mực” thôi!” – nhà thơ Hồ Thi Ca dí dỏm chia sẻ.
Thông tin tác giả:
Hồ Thi Ca: quê ở Tây Ninh, từng công tác tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, Báo điện tử Vietnamnet, Báo Công an TPHCM, Ban TGTƯ TPHCM, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ TPHCM.
Từng đạt được nhiều giải thưởng về thơ và truyện ngắn và huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” (2001), huy chương “Vì sự nghiệp phát thanh Việt Nam” (2001).
Đã xuất bản nhiều tập thơ như: Đám mây cầu vồng, Thơ dưới vòm lá… và các truyện dài như: Bay đi thoáng mây buồn (1992), Vụ án hoàng tử bé (1997)…
Lương Minh Cừ: Hội viên sáng lập Hội Nhà văn TPHCM, Hội viên Hội Nhà văn VN. Sinh năm 1952 tại Thái Bình.
Hiện là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng trường Đại học Cửu Long.
Tập thơ Chân trời vùng sâu được giải thưởng thơ Hội liên hiệp văn học nghệ thuật TPHCM 1976-1977.
Đã xuất bản nhiều tập thơ như: Chân trời vùng sâu (1976), Bất chợt mùa xuân (2007), Nước non ngàn dặm (2012), We fight for our long-lasting Vietnam (2022)…
Trương Nam Hương: Sinh năm 1963, quê quán ở Huế.
Ủy viên BCH Hội Nhà văn TPHCM 4 khóa.
Đã xuất bản nhiều tác phẩm: Khúc hát người xa xứ (1990), Ban mai xanh (1994), Thơ tình Trương Nam Hương (1995), Đường thi ngẫu dịch (2007), Trời nắng xanh & những bài thơ khác (2022)…
Nhận được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam 1991, Giải thưởng thơ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật VN 2000, Giải thưởng thơ dịch…
Lê Thị Kim: sinh năm 1950 tại Thanh Hóa. Hiện sống và viết tại TPHCM.
Hội viên Hội Nhà văn VN. Hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM.
Nhận được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng thơ Thành Đoàn 1999, huy chương 25 năm Vì Sự nghiệp Khoa học (2002), Biểu dương 30 năm Văn học TPHCM (2005)…
Tác phẩm đã xuất bản: Thành phố tháng Tư (1986), Sương bụi tình yêu (2003-2005)...
Lê Minh Quốc: sinh năm 1959 tại Đà Nẵng. Sống bằng nghề làm báo và viết sách.
Hội viên Hội Nhà báo VN, Hội viên Hội Nhà văn VN, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM.
Các tác phẩm thơ đã xuất bản: Trong cõi chiêm bao (1989), Thơ tình Lê Minh Quốc (1995), Yêu em, Đà Nẵng (1999), Lê Minh Quốc – Thơ với tuổi thơ (2005)…
Các tác phẩm nghiên cứu: Lắt léo tiếng Việt, Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt…