Grand

Quản lý tài chính của bà mẹ đơn thân

Với vai trò vừa làm cha, vừa làm mẹ nhiều bà mẹ đơn thân ngoài việc chăm sóc và dạy dỗ con còn phải tìm cách chi tiêu hợp lý để đảm bảo tài chính ổn định lâu dài. Tuy nhiên tùy vào mức thu nhập ổn định hay không mà mỗi bà mẹ sẽ có cách quản lý tài chính cho phù hợp.

Chị Hồng, ở quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) có mức lương tháng 9 triệu đồng. Để chi tiêu hiệu quả, ngay từ đầu tháng chị thường lên danh sách những việc cần thiết phải chi tiêu theo thứ hạng ưu tiên. Chị trích khoảng 3 triệu đồng để lo tiền học hành và ăn uống tại trường cho con gái, 3 triệu tiếp theo chị dùng chi tiêu trong gia đình, 3 triệu còn lại chị cất vào một cái hộp nhỏ để dành phòng cho các khoản chăm lo sức khỏe cho hai mẹ con, dù bản thân chị cũng đã mua bảo hiểm y tế hàng năm.

dnp778-thiet-lap-moi-quan-he-giua-cha-me-va-con-gai-gd-2018-1657698555.jpg
Ảnh Internet.

Chị Hồng còn cho biết: “Nếu không quản lý chi tiêu chặt chẽ, thì các mẹ thấy gì vừa mắt cũng mua thì dù có 20 triệu một tháng cũng cạn túi. Do vậy, khi chi tiêu trong gia đình cần cân nhắc xem mình có thật sự cần mua món đồ này không. Nếu món đồ đó là cần thiết mới mang về nhà và tuyệt đối không để phát sinh những khoản chi khác ngoài những danh sách ưu tiên”. Tuy nhiên, để chi tiêu hợp lý cho ăn uống hàng ngày của cả hai mẹ con cũng là một nghệ thuật và theo chị Hồng đây là yếu tố chiếm một phần khá lớn trong ngân sách tài chính. Chị tự đi chợ và nấu nướng, bởi theo chị việc ăn uống bên ngoài tốn kém gấp đôi so với ăn ở nhà. Bên cạnh đó, chất lượng và tính an toàn của thực phẩm được đảm bảo cho con chị là ưu tiên hàng đầu.

imager-3-8304-700-1657698643.jpg
Ảnh Internet.

Theo kinh nghiệm của chị Hồng là nên mua thức ăn vừa đủ, chịu khó dậy sớm đi chợ vào mỗi buổi sáng là có ngay những món ăn ngon, nếu muốn lạ miệng thường xuyên đổi món và đổi cách ướp gia vị mà trên mạng luôn có sẵn, chỉ cần siêng một chút là có bữa ăn đú chất. Như vậy, bữa cơm gia đình không quá dư thừa chất mà đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, chị rất hạn chế những thực phẩm không thật cần thiết như bia, cà phê, nước ngọt có gas hay đồ ăn vặt…Tuy nhiên, vẫn còn một khoản chi phí khác không thể thiếu nữa là tiền biếu bố mẹ và đám cưới mỗi khi được mời. Thông thường chị Hồng trích ra khoảng một triệu đồng mỗi tháng. Khoản này có thể điều chỉnh tùy theo tình hình cụ thể của mỗi tháng.

1605652432-gettyimages-454326635-1626324717774618204367-1657698717.jpg
Ảnh Internet.

Ủng hộ về cách chi tiêu trên, một chuyên gia tài chính ở TP. Hồ Chí Minh khuyên các bà mẹ nên kiểm soát tiền bằng cách xây dựng chi tiết những khoản chi tiêu trong vòng nửa hoặc một tháng để có cách điều chuyển dòng tiền một cách hợp lý, nhằm tránh tình trạng chi tiêu quá tay. Cụ thể, các bà mẹ nên phân chia thành nhiều hạng mục: chi phí hàng tháng, cố định và phát sinh có kiểm soát. Chi phí cố định có thể bao gồm: tiền nhà, hóa đơn hàng tháng, quỹ tiết kiệm. Chi phí phát sinh gồm khoản giải trí, mua sắm quần áo...Ngoài ra, để tránh lãnh phí, các bà mẹ nên tận dụng và khai thác hết sản phẩm cũ trước khi mua mới. Việc làm này sẽ giúp cắt bớt chi tiêu và đồ thừa trong nhà, thậm chí hiện nay, có nhiều người còn tham gia vào một hội, nhóm chuyên trao đổi đồ cũ cho nhau. Bên cạnh đó, bà mẹ đơn thân cũng nên xác định cho mình một khoản mục chi phí cho tương lai. Nếu thu nhập ổn định và khá, các bà mẹ đơn thân cũng nên nghĩ đến mục tiêu mua nhà, xe hay chuẩn bị cho con tương lai vững chắc hơn nữa như du học tại chỗ hay du học các nước.

Trên đây là những cách quản lý tài chính cho các bà mẹ đơn thân tránh tình trạng thấp thòm thiếu hụt tài chính mỗi tháng, ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe cũng như giảm đi chất lượng sống hàng ngày cho hai mẹ con chỉ vì không cân đối được tài chính dễ dẫn đến nợ nần không đáng có.