Ngày 9/4/2022, nhà văn Đoàn Tuấn cùng các khách mời: Nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển sẽ có buổi giao lưu, trò chuyện cùng quý độc giả để giới thiệu tác phẩm“Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt”. Buổi giao lưu được tổ chức tại Sân khấu chính Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Bình, Quận 1.
“Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” là tác phẩm mới nhất của nhà văn - nhà biên kịch Đoàn Tuấn, do NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành vào đầu tháng 4/2022. Tác phẩm như một chiếc chìa khóa gợi mở ký ức những năm tháng gian lao, khốc liệt của những người chiến sĩ từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia.
Tác phẩm là câu chuyện chiến đấu trên đất của chiến trường K, vùng đất mà những người lính tình nguyện Việt Nam ngã xuống bên ngoài đất Mẹ. Trong ý những người lính, đây cũng là đất của anh em láng giềng, máu xương có đổ cũng để giữ cho những ngày mai, sau bóng đêm diệt chủng, đất nước này lại sáng. Giọt máu thiêng liêng và nghĩa hiệp. Nơi đó, họ đã sống, trải nghiệm với tư cách chứng nhân lịch sử…
Trở lại trên đất của mùa chinh chiến ngày ấy, lần này, Đoàn Tuấn thông qua nhân vật Ánh- cựu chiến binh, sau khi từ Campuchia trở về, anh đã xây dựng được một cuộc sống gia đình đầm ấm và đủ đầy; song ký ức về những năm tháng chiến đấu và hy sinh của đồng đội đã thôi thúc Ánh trở lại Campuchia. Ánh quyết tâm trở thành nhà sư (lấy tên theo tiếng Khmer là Phteah Saniphap - nghĩa tiếng Việt là Ngôi nhà Hòa Bình) đi cùng những nhà sư của quê hương Chùa Tháp cất lên tiếng kinh cầu cho linh hồn những người lính, những người dân Campuchia đã nằm lại lòng đất trong cuộc chiến. Từ đó, đi đến những nơi mà tiểu đoàn mình năm xưa từng chiến đấu để cầu siêu cho linh hồn những đồng đội hy sinh mà không tìm thấy thi thể, cho những đồng đội chết khát, cho những linh hồn chưa về được với quê Mẹ, còn lang thang, phiêu dạt nơi đất khách... Những chuyến đi tìm kiếm và làm lễ cầu siêu cho những linh hồn, của ta và mong muốn gột bớt oán thù của địch, được siêu thoát về nơi an nghỉ. Suy cho cùng, họ cũng là nạn nhân của chế độ độc tài hoang tưởng.
Chiến tranh không chỉ là những đoàn quân ra trận; những bản tổng kết rực rỡ hay những huân, huy chương rạng ngời. Đối với những người lính, họ nhìn lại chiến tranh bằng cặp mắt soi rõ ngọn ngành từng vụ việc, từng cái chết, từng lần chết hụt, từng chuyện đau lòng. “Rồi nhữngtrận đồng đội mình chết. Giờ tìm không thấy hài cốt, biết trách ai? Đồng đội chết trên đất khách quê người, giữa rừng hoang núi lạ. Chỉ lòng mình buồn. Muốn an ủi đồng đội một câu mà không tìm ra chỗ. Cúi đầu nói với cỏ? Hay ngẩng mặt nhìn trời xanh?
Có những câu hỏi không ai muốn trả lời. Có những câu chuyện buồn không ai muốn gợi lại. Nhưng một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái. Một thái độ sống chân chính đòi hỏi chúng ta phải sống kỹ với từng chi tiết của quá khứ, của ký ức. “Ba lô tuổi trẻ, toàn đồ dùng thiết yếu cho chiến trận. Nhưng tâm hồn non nớt của chúng tôi va chạm với máu, thuốc súng, sắt thép và cái chết, cũng bị tổn thương. Có ai nhìn thấy những vết thương ấy? Có ai giám định những vết thương lúc nào cũng rỉ máu ấy? Và chẳng ai xếp hạng những vết thương ấy. Vết thương trên cơ thể có thể thành sẹo. Nhưng vết thương tâm hồn, lẽ nào vô nghĩa?”
Điểm nhấn của tác phẩm là vấn đề hậu chấn tâm lý sau chiến tranh, ám ảnh về những sang chấn tâm lý của những người cựu chiến binh khi trở về với đời thường. Nhiều người trong số họ bị ám ảnh sâu sắc bởi những gì mà họ từng chứng kiến trong những năm tháng ở K: sự hy sinh của đồng đội, cái chết của những người dân Campuchia vô tội, của cả lính Khmer Đỏ.Không chỉ vậy, những hậu chấn tâm lý vẫn đè nặng lên đa số người dân Campuchia sau thời kỳ Khmer Đỏ. Bao nhiêu năm qua, mỗi người Khmer khi đi ngủ đều gặp ác mộng. Họ vẫn nghe thấy những tiếng gọi của người thân, vẫn thấy hình bóng chập chờn của cha mẹ, vợ con, anh em họ đâu đây. Nhiều người thất lạc gia đình, lưu lạc tha hương. Họ không thể sống trong ngôi nhà cũ của mình, bởi ở đó, họ không thể chịu đựng nổi những kỷ niệm yêu thương lẫn ký ức đau đớn.
Đoàn Tuấn xác tín: “Tôi có thể khẳng định với bạn, dù bạn biết nhiều danh lam thắng cảnh, dù bạn thưởng thức nhiều món ăn hảo hạng, nhưng không có gì thú vị bằng việc được khám phá những điều kỳ lạ về cuộc đời và số phận của con người, nhất là những người từ chiến trận trở về”. Vì lẽ đó, công việc tái hiện những câu chuyện về khúc ca quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường K này của anh là sứ mệnh mà những đồng đội đang sống và đã mất giao phó cho anh. Cuộc chiến nào rồi cũng đến ngày chấm dứt, hòa bình hiện tại vô cùng quý giá. Dù cuộc chiến đã khép lại nhưng những tổn thương, ám ảnh còn đó. Chúng ta vẫn còn nghe âm vang, vang vọng mãi tiếng nói cười, tiếng khóc thầm, tiếng nức nở, tiếng kinh cầu… chan chứa yêu thương, thấm đẫm tình người.