Cuộc sống là một bức tranh đa màu sắc và mỗi ngày mỗi người trong chúng ta được nghe, được thấy, được chứng kiến rất nhiều câu chuyện. Cùng với sự xuất hiện của nhiều nền tảng mạng xã hội, những chia sẻ của chúng ta ngày càng trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Điều đó tạo thuận lợi cho những ai mong muốn trở thành một người viết, một người làm báo hay một nhà sáng tạo nội dung. Nhưng chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Quyển sách “Người kể chuyện trên báo” của tác giả Đỗ Đình Tấn sẽ trả lời câu hỏi đó. Theo tác giả “Mỗi ngày có biết bao câu chuyện trên thế giới này, đất nước này, có thể thành đề tài báo chí. Vấn đề là nhà báo có đủ lăn lộn và quan sát để nhìn ra nó hay không mà thôi”!
Câu hỏi đầu tiên mà nhiều nhà sáng tạo nội dung lúng túng khi bắt đầu sự nghiệp là “Viết gì đây?”. Với câu hỏi này, tác giả Đỗ Đình Tấn khuyên chúng ta “Hãy viết những câu chuyện của bạn”. Vì chỉ khi bạn kể câu chuyện bạn đã từng nghe, từng chứng kiến thì bạn mới có thể chuyển tải được hết nội dung và tình cảm một cách chân thật nhất. Đó chính là điều mà người đọc, người xem muốn tìm kiếm ở câu chuyện của bạn. Trong một thế giới rộng lớn và nhiều chuyện xảy ra với chính mình, bạn không thể viết lại toàn bộ cùng một lúc. Tốt nhất hãy chọn đề tài và xác định nội dung chính yếu. “Góc khai thác đề tài chính là sợi dây dẫn đường để dắt tâm trí độc giả”. Điều này sẽ giúp chính người viết/người sáng tác loại bỏ những thông tin/những tình tiết không cần thiết để thông điệp truyền tải ngắn gọn và có chiều sâu.
Khi bạn đã có đề tài và xác định được góc khai thác đề tài của mình, điều tiếp theo làm cho bài báo của bạn trở nên hay hơn chính là ý tưởng. “Hãy tin vào những ý tưởng đang khuấy động tâm trí bạn”. Đó có thể là niềm tin, là linh cảm của bạn, hãy tin vào đó và bắt tay tìm tòi để hình thành một bài viết hay. Đó là những chia sẻ của nhà báo kỳ cựu của Mỹ, Nancy Davidoff Kelton
Cũng trong quyển sách này, tác giả còn gợi ý nhiều đề tài mà người mới bắt đầu có thể tham khảo như về nghệ thuật sống, nhân vật, thời sự, y tế, tôn giáo, doanh nghiệp-doanh nhân, kỹ thuật… Đối với những đề tài có độ phổ quát rộng, người viết chỉ nên tập trung vào một mối quan tâm đặc biệt nào đó mà mình yêu thích hoặc có kiến thức để có thể khai thác vấn đề một cách tốt nhất.
Ngày nay, những công cụ để hiện thực hóa công việc viết báo cũng vô cùng thuận tiện khi công nghệ phát triển. Bạn có thể làm chủ ý tưởng của mình bằng những trang viết trên máy tính, bức ảnh ý nghĩa bằng điện thoại, hay thước phim giàu cảm xúc bằng một chiếc máy ảnh mini… miễn là chính bạn chứ không ai khác sẽ chắt lọc những nội dung từ cuộc sống của chính mình.
Nói như thế không có nghĩa là làm báo hay sản xuất nội dung là dễ dàng, nếu bên trong bạn không có một động lực nào đó thôi thúc để thực hiện. Theo nhà báo Đỗ Đình Tấn, có “40 cách sẽ thôi thúc bạn chắp bút”. Đó có thể là một hoàn cảnh, một tình huống, một liên tưởng, một câu nói bâng quơ… Tác giả đưa ra những gợi ý khá hữu ích mà người đọc có thể thực hành ngay việc viết lách hay sản xuất nội dung của chính mình.
Ngoài ra, một điểm rất quan trọng của việc thể hiện nội dung bài báo, hãy sử dụng ngôn ngữ báo chí, cấu trúc câu ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu. Theo đó, tùy thuộc đối tượng bạn đọc, người xem bạn muốn hướng tới là ai, bạn hãy chọn ngôn ngữ và cách diễn đạt phù hợp với họ.
Theo chia sẻ của chính tác giả thì “Cuốn sách là một cẩm nang thực hành với nhiều hướng dẫn và gợi ý rút ra từ các trải nghiệm cá nhân và của các đồng nghiệp cũng như từ giáo trình dạy viết báo của Mỹ và Pháp này sẽ giúp bạn vượt qua chặng đường, từ tìm đề tài, tìm ý, viết bài đến gửi bài cho các tờ báo và tạp chí, cả đăng tải trên mạng. Bạn sẽ được tư vấn về cách chọn đề tài, cách viết sao cho phù hợp với từng “thị trường” riêng biệt,… bạn cũng được chỉ dẫn những bí quyết, cách làm thế nào để phỏng vấn thành công…”
Như tôi đã nói trên, sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn có thể vận dụng vào cả việc xây dưng nội dung cho kênh truyền thông của chính mình, chỉ cần bạn biết được đâu là câu chuyện của riêng mình, ai sẽ là đối tượng mà bạn muốn hướng tới… Cần nói thêm rằng, tòa soạn thì có những người gác cổng, kiểm duyệt nội dung,… còn khi bạn làm cho chính mình trên những nền tảng mạng xã hội thì hãy làm vì sự tử tế, vì giá trị lâu dài, những điều hữu ích, tốt đẹp… bạn nhé!