Đằng sau nụ cười là những triệu chứng trầm cảm không phải ai cũng thấy
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá có khoảng 265 triệu người trên toàn thế giới đang bị trầm cảm. Người mắc trầm cảm cười cũng có các triệu chứng như buồn bã cực độ, tự ti, mặc cảm… Họ thường cố gắng để "ngụy trang" cho các triệu chứng của mình.
1. Thay đổi trong thói quen ăn uống: Khi bị trầm cảm, có những người ăn uống quá độ, trong khi những người khác lại trở nên chán ăn. Sự thay đổi về cân nặng cũng là một dấu hiệu phổ biến.
2. Thay đổi về giấc ngủ: Một số bệnh nhân trầm cảm gặp khó khăn trong việc thức dậy, bởi họ muốn ngủ hầu hết thời gian. Có những người lại cảm thấy khó ngủ, thậm chí là mất ngủ, hoặc tỉnh táo vào ban đêm nhưng buồn ngủ vào ban ngày.
3. Cảm giác vô vọng: Bệnh nhân thường sẽ cảm thấy tội lỗi, vô dụng, bất lực.
4. Mất hứng thú với các hoạt động: Người bị trầm cảm cười có thể sẽ không còn cảm thấy hứng thú với những hoạt động mà vẫn thường làm trước đây.
Trái ngược với những triệu chứng này, người bị trầm cảm cười trông có vẻ như vẫn hoạt động bình thường. Họ vẫn đi làm đều đặn, giao tiếp xã hội năng nổ. Thậm chí, có những người còn tỏ vẻ vui vẻ và lạc quan.
Tại sao bệnh nhân trầm cảm cười lại che giấu tình trạng của mình?
Nhiều người giấu kín tình trạng trầm cảm của mình, vì các lý do cá nhân và công việc.
1. Không muốn tạo gánh nặng cho người khác
Trầm cảm thường đi kèm với cảm giác tội lỗi. Do đó, nhiều bệnh nhân không muốn tình trạng của mình trở thành gánh nặng cho người khác. Điều này lại càng đúng hơn với những người đã quen chăm sóc người khác thay vì để người khác chăm sóc mình. Họ không biết làm thế nào để xin giúp đỡ và đành tự mình vượt qua khó khăn.
2. Xấu hổ
Vài người xem trầm cảm là một biểu hiện của sự yếu đuối. Họ thậm chí còn tin rằng mình "phải cố gắng thoát ra khỏi tình trạng đó". Khi không làm được, họ sẽ nghĩ bản thân mình có vấn đề. Sau đó, họ sẽ cảm thấy xấu hổ về căn bệnh trầm cảm, vì họ nghĩ mình phải tự giải quyết nó một mình.
3. Chối bỏ
Trầm cảm cười có thể xuất phát từ việc bệnh nhân chối bỏ căn bệnh trầm cảm của mình. Họ nghĩ rằng chừng nào mình còn cười được nghĩa là mình không bị trầm cảm. Họ không thể thừa nhận rằng mình đang gặp vấn đề. Những người này thà giả vờ như mình ổn còn hơn mở lòng để nói lên suy nghĩ thực sự của mình.
4. Sợ bị phản ứng dữ dội
Đôi khi, bệnh nhân sợ bị người khác đánh giá về cuộc sống cá nhân cũng như làm việc khi mắc trầm cảm. Họ cũng sợ bị bạn đời bỏ rơi nếu tiết lộ bệnh tình. Do đó, họ quyết định giấu bệnh tình của mình sau những nụ cười.
5. Lo lắng rằng mình trông yếu đuối
Người mắc trầm cảm cười thường sợ bị người khác lợi dụng nếu tiết lộ bệnh tình của mình. Họ không chỉ ngại người khác sẽ nghĩ họ yếu đuối và dễ tổn thương, mà còn lo rằng người khác sẽ sử dụng điều này để chống lại họ. Họ thà tỏ vẻ mình ổn còn hơn thừa nhận mình cần giúp đỡ.
6. Tội lỗi
Bởi vì trầm cảm thường đi kèm với cảm giác tội lỗi, đôi khi bệnh nhân sẽ cảm thấy như mình không nên mắc căn bệnh này. Họ nghĩ rằng mình không nên cảm thấy tồi tệ, nhất là khi cuộc sống đang diễn ra tốt đẹp.
Người mắc trầm cảm thường nghĩ mình chắc hẳn đã làm gì sai. Họ cho rằng mình có lỗi khi bị trầm cảm. Do đó, họ sẽ cảm thấy tội lỗi và đôi khi là xấu hổ vì căn bệnh của mình. Vì thế, họ quyết định sẽ giấu mọi thứ đằng sau nụ cười trên môi.
7. Cái nhìn thiếu thực tế về hạnh phúc
Mạng xã hội thường khắc họa hạnh phúc theo một cách thiếu thực tế. Mỗi ngày lướt mạng xã hội, chúng ta lại nhìn thấy hình ảnh của những con người hạnh phúc. Vì thế, có những người bắt đầu tin rằng họ là người duy nhất đang phải đối mặt với các vấn đề tâm lý. Vì cảm thấy bị cô lập, họ quyết định che giấu sự chật vật của mình.
8. Chủ nghĩa hoàn hảo
Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường ngụy trang mọi nỗi đau và vấn đề của mình. Vì thế, việc thừa nhận mình bị trầm cảm chẳng khác nào khiến cuộc sống của họ trông bớt hoàn hảo hơn. Do đó, họ sẽ cố gắng để che giấu bệnh tình.
Bệnh nhân trầm cảm cười có nguy cơ tự sát rất cao
Trầm cảm thường khiến bệnh nhân suy nghĩ về cái chết và tự sát. Tuy nhiên, đôi khi những người bị trầm cảm lại không có đủ năng lượng để lên kế hoạch và thực hiện việc tự sát. Đối với người mắc trầm cảm cười, nguy cơ tự sát của họ đặc biệt cao vì họ vẫn có thể tỏ ra hoạt động một cách bình thường.
Người bị trầm cảm cười thường có đủ năng lượng để hoàn thành việc tự sát. Hơn thế nữa, do che giấu quá giỏi, họ thường không được điều trị bệnh. Dần dần, căn bệnh trầm cảm sẽ ngày một tồi tệ, khả năng tự sát vì thế cũng tăng cao.
Nếu cảm thấy mình có thể bị trầm cảm, hãy đi khám ngay lập tức. Bạn cần giải thích cho bác sĩ biết về cảm xúc và triệu chứng mà mình đã gặp phải gần đây, để họ có thể đề xuất phương hướng điều trị phù hợp nhất.
Theo Trí Thức Trẻ