Grand

Đang yên lành bỗng nhiên bị sa thải, dân văn phòng chi tiêu thế nào khi tiền lương giảm mạnh?

Họ đã rút được nhiều bài học cho bản thân sau khi rơi vào danh sách bị sa thải của công ty.

Đang đi làm bỗng rơi vào danh sách bị sa thải

Khánh Linh (24 tuổi, quê Thanh Hoá) đã thất nghiệp được hơn nửa năm. Trước đó, cô làm nhân viên phòng Lab cho một doanh nghiệp Dược phẩm, tuy nhiên đã rơi vào danh sách cắt giảm nhân sự của công ty vào cuối năm ngoái. Từ đó đến nay, dù đã rải CV nhiều nơi song cô không thể tìm được công việc phù hợp.

Thời điểm Khánh Linh nghỉ việc công ty gần nhất trùng vào giai đoạn Tết Âm lịch đã khiến cô gặp ít nhiều áp lực chi tiêu. Thứ nhất là tiền tiêu Tết giảm 1/3 so với năm ngoái. Bên cạnh đó, khi đi chơi Tết, cô cũng gặp nhiều áp lực khi họ hàng hỏi thăm về tình hình công việc, lương thưởng tháng 13.

151229-1702633400.png
Ảnh minh hoạ

Sau khi thất nghiệp, Khánh Linh ở nhà đến tháng 5 năm nay, trước khi quay lại Hà Nội tìm cơ hội mới. Những tháng ở quê, Linh chỉ tiêu 2 triệu đồng/tháng. Số tiền này khá ít bởi cô nàng không cần đưa tiền sinh hoạt phí cho bố mẹ hay mua bán thực phẩm. Sau khi lên Hà Nội, chi phí sinh hoạt đã tăng lên 4-5 triệu đồng/tháng.

Linh cho biết thêm, hiện tại chi tiêu của cô nàng đã quay về với mức "tiêu tiền như thời sinh viên", do đó chất lượng sống đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, với Linh việc cắt giảm chi tiêu là cần thiết trong thời điểm khó xin việc làm.

Đồng cảnh ngộ, Thu Phương (SN 1998, Hà Nội) chính thức rời công ty cũ vào đầu năm nay. Đáng nói, thời điểm cô bị sa thải gần ngày tổ chức đám cưới và đang mang thai con đầu lòng, do đó mọi thứ ban đầu tương đối khó khăn với cặp đôi trẻ.

Hiện tại, Thu Phương vẫn thất nghiệp và đang tìm hiểu về kinh doanh trực tuyến để gia tăng thu nhập. Tổng thu nhập 10 - 15 triệu đồng/tháng của gia đình chủ yếu đến từ công việc làm công nhân của chồng.

151230-1702633400.png
Thu Phương (Ảnh: NVCC)

Được biết, hiện tại tâm lý của Thu Phương đã ổn định và thoải mái hơn nhiều so với thời điểm mới thất nghiệp.

"Thời gian đầu nghỉ việc, mình có hơi khủng hoảng chút. Những hôm đầu mình khóc nhiều lắm nhưng có chồng luôn an ủi mình. Mình cũng là người tích cực nên thường tự động viên bản thân: 'Tiền thì để sau này kiếm được, còn con đến với mình là lộc rồi, không phải ai cũng được may mắn như mình'. Còn sau 2-3 tháng thì mọi thứ đã ổn định hơn", Phương nhớ lại.

Cô nàng tâm sự, tình trạng thất nghiệp của ít nhiều ảnh hưởng đến đám cưới. Tuy nhiên, may mắn có bố mẹ hai bên và phụ giúp nhiều nên họ bớt phần nào gánh nặng tài chính. Thêm vào đó, với suy nghĩ "không coi trọng vật chất", quyết tâm tổ chức đám cưới tiết kiệm để dành tiền nuôi con đầu lòng nên đám cưới của vợ chồng cô cũng diễn ra suôn sẻ.

"May mà sau đám cưới, chúng mình còn có chút 'vốn' từ tiền mừng. Nếu không thì chưa biết xoay xở thế nào trong giai đoạn đó", Thu Phương nhớ lại.

Rút được bài học nào sau khi bị sa thải?

Từng gặp khó khăn về tài chính sau khi bị sa thải, vợ chồng Thu Phương rút ra nhiều bài học cho cá nhân.

- Thất nghiệp không đáng sợ, bản thân mất định hướng mới đáng sợ

Thu Phương nhớ lại, trước khi rơi vào cảnh thất nghiệp, cô nàng luôn nghĩ có một công việc ổn định là mọi thứ tốt rồi. Thế nhưng, suy nghĩ này giờ đây đã thay đổi theo chiều hướng khác.

"Hàng ngày, mình cứ đến công ty làm việc như một cái máy mà không có tính toán gì cho tương lai. Mình chưa bao giờ tự hỏi bản thân: 'Liệu 1-2 năm sau mình sẽ là ai? Mình có thể phát triển được gì thêm với công việc này không?'. Mình luôn trong trạng thái hài lòng với công việc và bị mê hoặc bởi 2 chữ 'ổn định'.

Cho đến khi bị thất nghiệp gần đây, mình mới cuống cuồng đi tìm định hướng của bản thân, tài năng, đam mê, cũng như thế mạnh… Mình là kiểu người 'có mỗi thứ một ít' nhưng không chắc chúng có thể theo mình suốt đời hay không. Vậy nên các bạn trẻ bây giờ hãy luôn đặt lộ trình để nâng cấp bản thân nhé".

151231-1702633400.png
Ảnh minh hoạ

- Thứ hai: Luôn luôn phải có quỹ tiết kiệm và quỹ dự phòng. Đồng thời, bạn nên học cách quản lý chi tiêu

"Để có thể bình tâm vượt qua bão sa thải, bạn nên chuẩn bị một quỹ dự phòng và học cách kiểm soát tài chính đủ để trang trải nhiều chi phí trong thời gian thất nghiệp như tiền sinh hoạt, chi phí thuê nhà, điện nước, ăn uống, tiền khám chữa bệnh…", Phương chia sẻ.

- Thứ ba: Cố gắng chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất

Theo Thu Phương, ngay cả khi bản thân vẫn làm rất tốt mọi thứ, bạn vẫn có thể nằm trong danh sách thất nghiệp. Do đó, bạn nên luôn sẵn sàng và chuẩn bị trước cho hành trình nghề nghiệp mới bằng cách phát triển kỹ năng cá nhân, nâng cấp CV và cập nhật hồ sơ công việc.

Còn về phía Khánh Linh, cô nàng nhận định, dù có kiếm được nhiều tiền hay không, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một khoản tiết kiệm để dự phòng bất trắc. "Không chỉ khi thất nghiệp, tài khoản có số dư lớn cũng khiến bản thân an tâm hơn. Khi có khoản lớn, nếu có cơ hội đầu tư hay khởi nghiệp thì có thể nhanh chóng nắm bắt mà không bị vấn đề tài chính cản trở", Linh cho hay.

Theo Phụ nữ số