Grand

Có phải bạn đang muốn đổi việc? Trước tiên hãy hỏi bản thân 5 điều này

Có lẽ bạn đang không thỏa mãn với công việc hiện tại, hoặc bị sa thải không có lý do và đang hối hả tìm công việc mới. Dù sốt ruột đến mức nào, bạn cũng nên dành một ít thời gian để suy nghĩ về những nhu cầu và mong muốn của bản thân để khám phá những lựa chọn phù hợp. Để bắt đầu (hoặc tái định vị) hành trình sự nghiệp mơ ước, bạn có thể tự hỏi bản thân những câu hỏi như sau:
290221-1709217430.png
 

Điều gì khiến bạn hào hứng?

Theo bạn, kết quả của quá trình ứng tuyển là một công việc với mức lương ổn thỏa, hay là sự thấu hiểu bản thân và cách bạn kết nối với người khác? Trước khi tìm kiếm trên thị trường, hãy tìm hiểu đam mê và động lực của chính mình - trong cả công việc lẫn cuộc sống - và liệu những điều đó đã thay đổi như thể nào kể từ lần cuối bạn tìm việc. Điều gì khiến bạn khóc? Bạn sẽ cứu thứ gì đầu tiên trong một trận hỏa hoạn? Cuối tuần bạn thường làm gì? Bạn làm gì khi ở một mình? Khi ở với bạn bè thì sao?... Câu trả lời sẽ phần nào giúp bạn vẽ nên được mong muốn của bản thân.

Bạn sẽ cống hiến điều gì?

Đặc biệt trong thời điểm tìm việc làm, đừng cố gắng biến mình thành "kẻ mạo danh" (tức là không vướng vào "imposter syndrome"). Đây là khoảng thời gian bạn có quyền mơ mộng và cân nhắc các lựa chọn một cách tự do và không bị ai phán xét, kể cả bản thân. Kỹ năng và thế mạnh của bạn là gì? Điểm độc đáo ở bạn là gì? Tính cách của bạn trong môi trường làm việc ra sao? Bạn thích đi một mình hay cùng một tập thể tiến về phía trước? Kể cả những điểm yếu cũng là người đồng hành cùng chúng ta, vậy nên hãy xác định rằng công việc mơ ước nên được xây dựng dựa trên thế mạnh, gắn liền với sở thích và hỗ trợ bạn vượt qua những hạn chế của bản thân.

Đổi lại, bạn sẽ nhận được gì?

Cố gắng xác định chi tiết thứ bạn cần. Lương cao hơn bao nhiêu? Linh hoạt đến mức nào? Thử thách khó khăn ra sao? Thể hiện bản thân theo khía cạnh nào? Bạn có thể mong cầu nhiều thứ, nhưng hãy đặt một hoặc hai nhu cầu ở vị trí ưu tiên - không thể thỏa hiệp. Bạn có thể sử dụng mô hình 3P (Pay, Portfolio, Passion) - vốn được sử dụng để đánh giá tiềm năng đầu tư - để đánh giá tiềm năng của một công việc. Lý tưởng nhất là một công việc đáp ứng cả 3 chữ P này, nhưng trong thực tế thường chỉ đạt được 1 hoặc 2. Và "passion - đam mê" của bạn nên phù hợp với "purpose - mục đích" của tổ chức bạn đang nhắm tới.

290222-1709217430.png
 

Bạn có phù hợp với nơi này?

Có một số điều căn bản mà mọi môi trường làm việc nên có: Bình đẳng, tôn trọng, lòng vị tha, sự an toàn. Nhưng ngoài nền tảng cơ bản này, bạn đang tìm kiếm loại văn hóa làm việc nào? Bạn muốn nhà tuyển dụng có tầm nhìn như thế nào? Nếu không quá gấp gáp, hãy tìm hiểu xem doanh nghiệp đang tự miêu tả bản thân như thế nào, và họ có hoạt động theo đúng tuyên bố của mình hay không. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn qua những buổi hội thảo online, hình ảnh tập thể và những cuộc thảo luận trên mạng xã hội. Câu chuyện của công ty mà bạn nhắm đến nên mang lại cảm giác phù hợp và một chút thiện cảm, thậm chí đồng cảm với câu chuyện của riêng bạn.

Liệu bạn có thể học hỏi và trưởng thành không?

Bạn muốn công việc này đi đến đâu? Bạn không cần kế hoạch 5 năm thật chi tiết, chỉ cần một ý tưởng về những chuyển biến trong tham vọng và sở thích của bản thân trong tương lai gần. Điều này sẽ có ích khi bạn muốn thể hiện mức độ cam kết và tinh thần học hỏi trong những buổi phỏng vấn sắp tới. Một công việc đáng thử không chỉ phù hợp trong thời điểm hiện tại, mà còn trong tháng tới, thậm chí trong năm tới. Nếu bạn có cảm giác bạn sẽ chán vị trí này, hãy tìm kiếm cơ hội khác. Nếu bạn có cảm giác hào hứng với một công việc hay một công ty nhất định, hãy tìm hiểu lý do, và giữ vững tinh thần học hỏi ấy.

Theo Lofficielvietnam