Grand

Bình an với thác nước ẩn mình phía sau ngôi chùa tĩnh lặng

Nguyễn Thị Bình An
Giữa núi rừng Lâm Đồng hùng vĩ có ngôi chùa Di Đà mang kiến trúc in đậm dấu ấn Tây Nguyên, cùng hai dòng thác hoang sơ tuyệt đẹp ẩn mình đằng sau chùa, làm say lòng bao du khách.

Chùa Di Đà tọa lạc tại thôn 6, thuộc xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 21km. Khu vực chùa vốn là một buôn làng của người dân tộc Châu Mạ mang tên Đăng Đừng, vì vậy, chùa Di Đà còn được người dân xung quanh quen gọi là chùa Đăng Đừng.

dd-1-1622687778.jpgChánh điện chùa Di Đà

Chùa Di Đà được xây dựng từ năm 2005, hiện tại vẫn còn đang thực hiện nhiều hạng mục, nhưng cảnh quan và kiến trúc chung đã thành hình, trở thành một công trình kiến trúc tâm linh độc đáo và ấn tượng.

Khuôn viên chùa rất rộng, phía trước và bên cạnh là những đồi chè trải dài. Đằng sau chùa là đồi cà phê và cây ăn trái (như sầu riêng, vú sữa,…).

Còn lại là những công trình Phật giáo như: cổng tam quan thu hút, chánh điện đặc sắc với thiết kế kết hợp giữa kiến trúc chùa truyền thống của Việt Nam cùng kiến trúc nhà rông trong văn hóa Tây Nguyên, hồ nước xanh tĩnh lặng với mái đình lấy ý tưởng từ chùa Một Cột ở Hà Nội, các tượng Phật giáo sinh động và hài hòa giữa rất nhiều loại hoa cỏ khoe sắc thắm,…

dd-2-1622687830.jpgCác tượng Phật giáo sinh động và hài hòa giữa rất nhiều loại hoa cỏ khoe sắc thắm

Nhưng có lẽ điểm hấp dẫn du khách chính là hai dòng thác tuyệt đẹp giữa núi rừng hoang sơ và vắng lặng đằng sau chùa Di Đà.

Men theo con đường nhỏ dẫn lối, bước xuống những bậc thang bằng đá trát xi măng mộc mạc, ngang qua vườn cà phê và cây ăn trái, đầu tiên du khách sẽ bắt gặp thác Quan Âm thấp thoáng sau rặng cây. Đây là một dòng thác thơ mộng và thanh bình, quanh năm reo ca giữa núi rừng.

dd-3-1622687891.jpgThác Quan Âm thấp thoáng sau rặng cây rừng
dd-4-1622687964.jpgDòng thác thơ mộng và thanh bình, quanh năm reo ca giữa núi rừng
dd-5-1622687964.jpgCảnh quan thiên nhiên tươi mát giữa suối và đá

Từ thác Quan Âm, du khách chịu khó đi bộ thêm khoảng 10 phút nữa, men theo con đường dốc nhỏ và gồ ghề, bước xuống những bậc thang bằng đá rêu phong, thì sẽ đến được thác Tam Hợp.

Ngọn thác tuyệt đẹp và ấn tượng này nằm giữa khu rừng nguyên sinh cành lá dày đặc, vì đường đi xa xôi cách trở nên rất ít người đặt chân tới. Thác được hình thành từ ba dòng nước lớn tụ lại, đổ xuống ở độ cao lên tới 70m, nên được gọi là Tam Hợp.

dd-6-1622688128.jpgThác Tam Hợp tuyệt đẹp nhìn từ trên cao
dd-7-1622688232.jpgThác được hình thành từ ba dòng nước lớn tụ lại, trút xuống Đào Nguyên Cốc

Nơi thác Tam Hợp trút xuống là một hồ đá, xung quanh chỉ toàn vách núi dựng đứng, được gọi là Đào Nguyên Cốc. Từ dưới nhìn lên, du khách có cảm giác mình như những bậc tiên nhân xa lánh chốn trần thế, ngày ngày ngồi đây ngắm thác, nghe tiếng chim rừng líu lo, chẳng màng đến thế thái nhân tình.

dd-8-1622688232.jpgHoa dại bên thác

Cả hai dòng thác Quan Âm và Tam Hợp đều thuộc khuôn viên chùa Di Đà, xung quanh thác đều có đặt các bức tượng Phật giáo, nên du khách ghé thăm nơi này vui lòng đi nhẹ, nói khẽ, không đùa giỡn quá trớn, không mang thức ăn mặn vào và tự ý tổ chức picnic, cắm trại.

Cũng xin nhắc nhở nhẹ hãy là một du khách có trách nhiệm với môi trường, không xả rác bừa bãi: “Đi không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”.