Từ bỏ môi trường sinh viên, không ít bạn còn mang tư tưởng màu hồng về cuộc sống, một cuộc đời tươi đẹp để bước chân vào môi trường công sở; rồi bị những cảm xúc hụt hẫng, căng thẳng áp lực “vã cho không trượt phát nào” mới nhận ra được sự ngây thơ của mình. Ở môi trường làm việc, nhất là môi trường công sở không như thời đi học, có những quy tắc bạn bắt đầu phải tập làm quen dù nó có trước treo bảng hay chỉ đơn giản là những quy tắc ngầm do những người trong công ty đề ra.
Đồng thời, nơi làm việc là nơi làm việc, lúc nào cũng có những quy tắc bạn bắt đầu phải tập làm quen. Đó là những quy tắc ngầm. Tuy nhiên, có thể vì thiếu kinh nghiệm, có thể vì suy nghĩ quá màu hồng, cũng có thể vì sự tự tin quá mức mà những người trẻ mới đi làm thường mắc khá nhiều sai lầm.
1. Luôn coi mình là "trung tâm" của vũ trụ
Với tư duy bằng cấp, cũng như được 'cưng chiều' trong môi trường đại học, nhiều bạn luôn coi mình là "cái rốn" của vũ trụ ngay cả trong môi trường làm việc. Có thái độ coi thường những đồng nghiệp, tự cao tự đại những gì mình có.
Nhưng bạn giỏi thì cũng có nhiều người khác giỏi hơn bạn, cái công ty cần ở bạn không phải là bằng cấp mà là bạn làm được gì cho công ty, có thể bạn giỏi trong môi trường này nhưng khi đặt bạn vào môi trường khác thì bạn chưa chắc thành công. Do đó, các bạn nên ngưng vĩ đại hóa tấm bằng của mình
Chỉ cần bạn đi làm, dù tài giỏi đến mấy cũng cần học được cách gạt bỏ hết sự kiêu ngạo của bản thân để học cách hạ mình xuống, học cách khiêm tốn, không phô trương quá mức. Đây là một trong những điều kiêng kỵ ở nơi làm việc. Tự tin quá mức, thích khoe mẽ sẽ khiến quãng thời gian đi làm của bạn không mấy yên ổn đâu.
2. Quá phụ thuộc vào người khác
Những bạn mới bước vào môi trường làm việc hiện nay, đa phần là những bạn có 9x hoặc thời kỳ cuối của 9x. Hầu như những bạn ở thế hệ này đều được sự bao bọc từ nhỏ của bố mẹ, thầy cô, thậm chí là bạn bè. Bởi vậy, sau khi bắt đầu đi làm, được sếp giao việc, phản ứng đầu tiên của họ thường là: “Tôi không biết làm việc này thế nào”, “Sếp chưa chỉ em cách giải quyết công việc này”, “Tôi cần sự hỗ trợ từ công ty”, “Tôi cần đồng nghiệp giúp đỡ”… Và rồi, họ trở thành một người học trò thực thụ trong môi trường mới.
Công ty tuyển bạn vào làm là để làm việc không phải là nơi trả lương để bạn học. Vì thế, khi được giao việc, bạn nên vận dụng những kiến thức để giải quyết công việc chứ không phải lúc nào cũng để người khác cầm tay chỉ bài cho bạn.
3. Làm việc vì đam mê nhất thời, không hài lòng với công ty mình đang làm
Chúng ta thường thấy một vấn đề rất rõ ràng đối với những sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, đó chính là họ thường thích tập trung nói chuyện, than vãn kể lể, bày tỏ sự bất mãn với các điều kiện của công ty, đồng thời họ cũng có cho mình rất nhiều ý kiến, đề xuất.
Đam mê, hăng hái là tốt nhưng họ thường bỏ quên một sự thật rằng bất kì nơi chốn làm việc nào cũng cần thời gian cọ xát, làm quen và nơi nào cũng cần sự cân bằng để có thể hoạt động lâu dài. Việc phá vỡ sự cân bằng này sẽ khiến người trẻ phải trả giá rất nhiều. Nhiệt huyết là đặc tính của tuổi trẻ nhưng nếu không kiềm chế được nó cho tốt thì rất có thể nó sẽ gây ra phản ứng ngược.
4. Luôn luôn lo sợ, không dám tìm sự trợ giúp
Những bạn hay mắc khuyết điểm này thường là những người sống khá nội tâm. Họ luôn lo sợ mình đang làm phiền người khác, lo sợ mình không làm nổi việc được giao này, lo sợ mình làm sai. Việc lo sợ quá mức khiến năng lực của họ không được đánh giá cao trong mắt người khác. Bên cạnh đó, việc lo đông lo tây làm họ không dám tìm sự trợ giúp của những người xung quanh, dù không hiểu nhưng họ cũng không muốn hoặc không dám hỏi người khác và tự mình mân mê mày mò giải quyết tất cả. Kết quả là họ thường hay bị sếp phê bình vì không theo kịp suy nghĩ hoặc tiến độ chung.
5. Phàn nàn quá nhiều về công việc hiện có
Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp rất thích phàn nàn về quy trình làm việc, cách làm việc, mô hình làm việc tại nơi họ vừa gia nhập, thậm chí phủ nhận luôn cả thái độ làm việc cũng như khả năng làm việc của nhân viên cũ tại đây. Điều này, có thể làm thỏa mãn những gì bạn nghĩ nhưng với người đối diện lại không mấy thiện cảm. Trong môi trường công việc, có những điều bạn nghĩ thì chỉ nên dừng lại ở suy nghĩ không nên nói ra. Bộc lộ thái độ riêng một cái thái quá khiến bạn dù tài giỏi đến đâu cũng trở thành kẻ thô lỗ, khó hợp tác trong mắt người khác.
Việc phàn nàn quá nhiều không mang lại cho bạn một công việc nhàn hạ hơn, ông sếp tốt tính hơn hay quy trình nhẹ nhàng hơn mà chỉ cho bạn nhiều rắc rối hơn trong công việc mà thôi. Nên nhớ rằng, không môi trường làm việc nào là hoàn hảo, vì thế bạn nên chấp nhận những cái không hoàn hảo ở chính môi trường làm việc của mình.
6. Chuyên đi mách lẻo
Trên thực tế, rất nhiều người mới không phân biệt được đâu là khiếu nại đâu là mách lẻo. Trong nhiều trường hợp, họ đơn giản là đang thỏa mãn sở thích kể lể, nói xấu của bản thân.
Thế nhưng, nơi làm việc khác với trường học. Ở trường, không mấy ai quan tâm chuyện bạn nói xấu sau lưng người khác, nhưng nếu việc này lặp đi lặp lại ở chốn công sở, bạn sẽ trở nên tầm thường trong mắt người khác. Đó là chưa kể đến những người thực sự không vừa mắt với tất cả, chỉ thích mách sếp hết chuyện này đến chuyện khách để vu khống người khác. Đây cũng chính là hành động đáng ghét nhất, và bạn sẽ tự cô lập bản thân cũng như trở thành mục tiêu chỉ trích của số đông nếu bạn làm vậy.
7. Giao tiếp kém và thiếu logic
Giao tiếp ở đây không có nghĩa là nói không ngừng. Thứ nhất, có một số người mắc tật nói năng thiếu trước sau, thiếu logic. Kết quả là họ cứ dông dài mãi mà không sao chỉ vào điểm chính được. Khi báo cáo công việc, họ thường nói lòng vòng khiến chính họ cũng không hiểu được mình nói gì.
Thứ hai là có những người chẳng bao giờ dám nói gì. Nếu bạn bắt họ nói chuyện, họ sẽ rất căng thẳng, nói chuyện lí nhí, lộn xộn.
Khi mới bước vào môi trường việc làm sẽ có những điều làm bạn bỡ ngỡ và khó chịu. Nhưng thay vì cố tỏ thái độ hay làm theo ý kiến riêng của mình thì bạn nên tập cách quan sát những cách ứng sử, tìm ra những quy tắc ứng xử trong công ty. Ngoài ra, bạn nên kìm chế bản thân mình, không nên hấp tấp, vội vàng. cũng đừng thể hiện quá nhiều lỗi sai của mình trong công việc. Biết khi nào nên làm và không nên làm cũng là một nghệ thuật trong môi trường này. Và đương nhiên, đừng bao giờ ngừng cố gắng, vì sự cố gắng của bạn chắc chắn sẽ được nhìn nhận, dù ít dù nhiều.
Theo Sống khỏe Plus