Grand

3 thói quen là thủ phạm âm thầm "đánh cắp" trí nhớ và tàn phá não bộ

Sức khỏe não bộ và khả năng ghi nhớ của chúng ta có thể bị tác động xấu bởi những “sát thủ vô hình” trong lối sống hàng ngày.

Khi nhắc tới yếu tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe não bộ và và trí nhớ, người ta thường nghĩ ngay tới tuổi tác, chấn thương và bệnh tật. Tuy nhiên, cũng có những thói quen nhỏ nhặt hàng ngày có thể âm thầm “đánh cắp” trí nhớ, làm suy giảm não bộ mà ít người hay biết. Ví dụ như 3 thói xấu phổ biến dưới đây:

1. Thói quen ngủ không tốt

Những thói quen ngủ không tốt như mất ngủ kéo dài, thức khuya, ngủ quá lâu có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học và cơ chế ngủ của cơ thể, dẫn đến chất lượng giấc ngủ giảm sút. Chất lượng giấc ngủ kém kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của não, bao gồm trí nhớ, suy nghĩ và khả năng phán đoán.

030501-1714727712.png
Ngủ quá nhiều hay quá ít đều gây hại cho não bộ và sức khỏe nói chung (Ảnh minh họa)

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Alzheimer's & Dementia cho thấy mối liên hệ hai chiều giữa những giấc ngủ ngắn vào ban ngày và sự suy giảm nhận thức liên quan đến bệnh Alzheimer. Nghiên cứu cho thấy những giấc ngủ ngắn nối tiếp liên tục, thường xuyên hơn có liên quan đến sự suy giảm nhận thức. Đồng thời, sự suy giảm nhận thức ở não bộ gây mất ngủ, khó ngủ và ngủ ngắn, khó ngủ sâu.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy nên ngủ trưa quá dài, cụ thể ngủ trên 1 tiếng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer lên 40%. Nên ngủ trưa nhưng chỉ ngủ khoảng 15 - 30 phút.

Còn nếu muốn não bộ khỏe mạnh, cải thiện trí nhớ thì cần ngủ trên 6 tiếng và dưới 10 tiếng 1 ngày. Trong đó, 80% thời gian ngủ nên là buổi tối và tốt nhất là ngủ trước 23 giờ. Giờ giấc đi ngủ và thức dậy nên cố định, tránh hoạt động thể chất quá mức và thiết bị điện tử trong 1 giờ trước khi ngủ.

2. Ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn uống không lành mạnh có hại tới mọi cơ quan trong cơ thể và não bộ cũng không ngoại lệ. Trong đó, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường, nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ và các bệnh về não.

Bên cạnh đó, bỏ bữa sáng cũng là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới Alzheimer dù bạn ở độ tuổi nào. Một nghiên cứu được công bố trên "Tạp chí Khoa học Nhân văn và Dịch vụ Xã hội Nhật Bản" chỉ ra rằng những người bỏ bữa sáng có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao gấp 4 lần so với những người khác. Điều này chủ yếu là do cơ thể không nạp đủ chất dinh dưỡng. cơ thể, không thể đáp ứng được nhu cầu của não.

030502-1714727712.png
Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn tới trí nhớ và sức khỏe não bộ (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu này còn cho thấy những người quen ăn vặt hoặc không chú ý cân bằng dinh dưỡng có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao gấp 2,7 lần so với những người khác. Người ăn thừa muối có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao gấp 2,7 tới 3,4 lần tùy vào lượng ăn. Chưa kể, ăn nhiều muối làm natri dư thừa làm cản trở lưu thông máu lên não, tăng nguy cơ viêm nên dễ gây nhiều bệnh về não bộ, bao gồm cả đột quỵ.

3. Ngồi lâu một chỗ

Nhiều người cho rằng thói quen ngồi lâu một chỗ, lười vận động chỉ ảnh hưởng tới cân nặng và tim mạch, nhưng đó là sai lầm. Thói xấu này ảnh hưởng xấu tới mọi mặt sức khỏe thể chất và tinh thần, làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.

Nghiên cứu của Đại học Sydney ở Úc cho thấy so với những người ngồi dưới 4 giờ mỗi ngày, những người ngồi từ 8 - 11 giờ có nguy cơ tử vong cao hơn 15%. Những người ngồi nhiều hơn 11 giờ có nguy cơ tử vong tăng tới 40% so với bình thường. Nghiên cứu cũng đề cập rằng ngồi trên ghế sofa xem TV liên tục sẽ rút ngắn tuổi thọ của bạn trung bình 22 phút mỗi giờ.

Duy trì thói quen ngồi lâu một chỗ trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu tới não bộ và làm suy giảm trí nhớ, tăng nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ. Do ngồi lâu sẽ hạn chế quá trình lưu thông máu ở chi dưới, từ đó ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của toàn cơ thể, dẫn đến lượng máu cung cấp lên não không đủ. Việc cung cấp máu không đủ này sẽ khiến não bị thiếu oxy và ảnh hưởng đến hoạt động tư duy bình thường. Nếu tình trạng này diễn ra lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và dễ viêm nhiễm, hình thành cục máu đông.

030503-1714727712.png
Ngồi lâu một chỗ không chỉ tăng cân, hại xương khớp, tim mạch mà còn không tốt cho não bộ (Ảnh minh họa)

Mặc dù đặc thù công việc, học tập, môi trường sống có thể khiến bạn buộc phải ngồi nhiều, nhưng hãy cố gắng hạn chế tác hại của nó. Hãy giãn cơ tại chỗ hoặc tốt hơn là đứng dậy đi lại mỗi 45 - 60 phút một lần. Dù tác hại của việc ngồi trong thời gian dài không thể được bù đắp bằng thói quen tập thể dục nhưng nếu chăm chỉ vận động khoảng 150 phút 1 tuần sẽ giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả bệnh về não.

Theo Phụ nữ mới