Khoai tây có thể dùng chế biến rất nhiều món ăn ngon như nghiền, nướng, chiên, bỏ lò, hầm canh, sốt vang… Do nó được sử dụng khá thường xuyên nên nhiều người hay mua lượng lớn về để sẵn trong nhà. Tuy nhiên, nếu không biết cách giữ khoai tây tươi ngon như mới, khoai sẽ hỏng rất nhanh khi bạn chưa kịp sử dụng.
Nếu muốn kéo dài thời gian bảo quản khoai tây và giữ chúng luôn tươi ngon, không bị biến chất trong nhiều ngày, bạn có thể tham khảo những cách dưới đây.
Khoai tây luôn chứa một lượng nhất định solanine - chất có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 -0,4 gram trên 1kg trọng lượng cơ thể. Ở củ khoai tây bình thường, hàm lượng solanine ở mức an toàn. Chất độc này tăng lên rất nhiều khi khoai tây tiếp xúc với ánh sáng và vỏ chuyển sang màu xanh.
Solanine có khả năng gây độc đối với con người khi tiêu thụ với hàm lượng cao, gây các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, hôn mê và trong một số trường hợp hiếm gặp là tử vong.
Cách tốt nhất để tránh ngộ độc solanine là không ăn khoai tây đã chuyển màu xanh hay mọc mầm. Để bảo quản khoai tây không bị xanh, bạn nên cất khoai trong túi giấy và để ở nơi tối, thoáng khí.
Nếu không có sẵn túi giấy, bạn cũng có thể tận dụng giấy báo cũ để bọc khoai tây, sau đó cất gọn vào giỏ và để ở nơi thoáng mát. Nơi tốt nhất để bảo quản khoai tây là ở khu vực khô ráo, thoáng khí, có hệ thống thông gió tốt và tránh ánh nắng trực tiếp (ví dụ dưới tầng hầm, gầm tủ bếp…).
Nhiệt độ tối ưu để tránh cho khoai tây bị hư hỏng và mọc mầm là từ 7,2 - 10 độ C. Như vậy, bạn có thể giữ cho khoai tây tươi trong từ 3-4 tháng liên tục, mà lượng vitamin C vẫn được bảo đảm tuyệt đối.
Bạn cũng cần lưu ý rằng một cách giữ khoai tây tươi ngon như mới là sự lưu thông không khí thích hợp. Do đó, bạn có thể đặt khoai tây trong giỏ hoặc túi giấy có sự lưu thông gió tốt xung quanh. Tránh bảo quản khoai tây trong hộp kín khiến cho không khí không lưu thông được, hơi ẩm từ khoai tây thoát ra tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc gây hư hỏng.
Mặc dù nhiệt độ mát mẻ là lý tưởng để bảo quản khoai tây nhưng tủ lạnh và tủ đông lại không phải là nơi phù hợp để bảo quản.
Khi tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp, tinh bột trong khoai tây sẽ được chuyển hóa thành đường, ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị của khoai.
Bên cạnh đó, khoai tây chưa qua quá trình nấu chín cũng không nên bảo quản trong tủ đông. Khoai tây chứa hàm lượng nước lớn, khi bảo quản trong tủ đông thì lượng nước này sẽ nở ra và tạo thành các tinh thể phá vỡ cấu trúc thành tế bào, làm cho chúng bị nhão và không sử dụng được sau khi rã đông.
Bạn chỉ có thể đông lạnh khoai tây khi chúng đã được chế biến, nấu chín hoàn toàn hoặc nấu chín một phần.
Khoai tây được trồng dưới đất nên đôi khi chúng vẫn còn lưu giữ bụi bẩn trên vỏ. Theo thói quen, nhiều người rửa sạch lớp đất trên khoai rồi mới mang đi bảo quản. Đây là một trong những sai lầm khiến khoai nhanh hỏng hơn bình thường.
Rửa khoai tây sẽ tạo thêm độ ẩm khiến khoai nhanh nảy mầm hoặc thúc đẩy sự phát triển của nấm, vi khuẩn trong quá trình bảo quản làm hỏng khoai.
Theo nghiên cứu, để giữ được khoai tây tươi lâu hơn thì nên bảo quản riêng, tránh xa hành tây, táo, chuối, cà chua và các loại hoa quả tạo ra khí ethylene. Khí này sẽ kích thích khoai tây mọc mầm nhanh hơn.
Vì vậy, cách giữ khoai tây tươi ngon như mới chính là tránh để gần hành tây, các loại hành nói chung và các loại quả chín.
Theo VTC News
Link nội dung: https://song247.vn/cach-giu-khoai-tay-tuoi-ngon-nhu-moi-a48433.html