Theo chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Thu Huyền, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhiễm khuẩn thực phẩm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Nhiều gia đình có thói quen bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh để kéo dài thời gian sử dụng nhưng thực hiện không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Không vệ sinh thực phẩm trước khi cho vào tủ
Rau củ quả, thịt cá tươi sống chưa được rửa sạch chứa nhiều vi khuẩn có hại như e.coli gây nhiễm khuẩn đường tiểu, tiêu chảy nặng, nhiễm khuẩn máu; vi khuẩn listeria, clostridium, salmonella khiến bụng và đầu đầu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, sốt.
Để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn sang các thực phẩm khác, trước khi cho đồ vào tủ lạnh, gia đình cần rửa sạch, cho vào túi hoặc hộp đựng thực phẩm chuyên dụng. Nên thấm khô nước ở thực phẩm, vì độ ẩm còn sót lại (đặc biệt trong rau) là môi trường thích hợp cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển.
Sắp xếp thực phẩm không đúng cách
Sai lầm phổ biến nhất là để trứng và sữa ở cánh tủ lạnh. Đóng mở cánh tủ khiến nhiệt độ ở cánh tủ thay đổi thường xuyên, không đủ điều kiện để bảo quản hai thực phẩm này.
Cánh tủ lạnh chỉ thích hợp để thực phẩm có thời hạn lâu dài và khả năng chịu biến động nhiệt độ như các loại gia vị, đồ khô.
Để lẫn lộn thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã chế biến cũng tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn từ thịt, cá và rau củ chưa qua chế biến dễ lây nhiễm sang đồ ăn chín.
Các gia đình nên phân loại thực phẩm như thịt tươi sống, rau củ chưa chế biến, thức ăn chín vào những ngăn riêng cố định. Thịt sống, hải sản tươi, trứng nên để ở những ngăn có nhiệt độ lạnh nhất để giữ thực phẩm tươi lâu hơn. Thường xuyên kiểm tra tủ để loại bỏ thực phẩm quá hạn, tránh vi khuẩn lây nhiễm.
Không đậy kín thức ăn thừa
Thức ăn không được bọc, đậy kín dễ nhiễm khuẩn sang thực phẩm khác. Bọc thức ăn trong bao bì kín khí hoặc hộp bảo quản thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, giữ độ ẩm và ngăn ngừa thức ăn lẫn mùi từ các thực phẩm khác trong tủ lạnh.
Tích trữ thức ăn qua đêm không đúng cách
Thời gian lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh quá dài có thể làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số thức ăn như rau, nấm không nên bảo quản qua một đêm vì hàm lượng nitrite gia tăng cao. Người lớn hấp thụ với hàm lượng nitrit 0,01 mg/l có thể gây độc, tiêu thụ lâu dài dẫn đến ung thư.
Gỏi, nộm không chế biến qua nhiệt độ nên dễ sót lại vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Chúng không ngừng sinh sôi, nảy nở khi để thời gian lâu dù là trong tủ lạnh.
Đợi thực phẩm nguội hẳn rồi cho vào tủ lạnh
Sau khi chế biến, thực phẩm từ 100 độ C nguội dần. Khi nhiệt độ thực phẩm xuống 60 độ C, vi khuẩn bắt đầu phát triển. Ở nhiệt độ 30-40 độ C, vi khuẩn sinh sôi mạnh mẽ. Nếu không được bảo quản kịp thời, thức ăn dễ hư hỏng, đồng thời chứa nhiều vi khuẩn gây hại.
Người lớn nên cho thức ăn ở mức nhiệt 70-80 độ C vào tủ lạnh, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm hoặc hộp bảo quản để ngăn vi khuẩn xâm nhập.
Sử dụng túi nilon bảo quản thực phẩm
Túi nilon tiện lợi nhưng có thể chứa nhiều chất độc hại như chất tạo màu có nguy cơ gây ung thư. Loại túi này cũng chứa nhiều vi khuẩn dễ gây hại sức khỏe.
Các gia đình nên sử dụng các loại túi được dành riêng cho thực phẩm hoặc hộp thủy tinh, hộp nhựa có nắp đậy chuyên dụng.
Cấp đông lại sau khi rã đông
Cấp đông lại thực phẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn còn tồn tại phát triển mạnh. Các gia đình nên chia thực phẩm thành nhiều phần phù hợp và sử dụng hết sau khi rã đông.
Trong trường hợp lỡ rã đông thừa, nên cho phần thừa vào hộp thực phẩm đậy kín, để riêng ra một khu vực và sử dụng càng sớm càng tốt. Thực phẩm đã được rã đông hoàn toàn, sau đó hâm nóng đến nhiệt độ phòng hoặc đã để ngoài tủ lạnh hơn hai giờ không nên sử dụng.
Thực phẩm rã và cấp đông nhiều lần có thể mất đi kết cấu, hương vị, hình thức và chất lượng, giảm hương vị.
Không làm sạch tủ lạnh thường xuyên
Sau thời gian sử dụng, thực phẩm sản sinh ra lượng lớn vi khuẩn trong tủ lạnh, ám mùi và nguy cơ gây các bệnh đường tiêu hóa.
Gia đình nên vệ sinh tủ lạnh ít nhất một lần mỗi tháng hoặc hơn, loại bỏ thực phẩm hư hỏng, lau kỹ từng ngăn tủ, ngóc ngách. Làm sạch ngay các vết bẩn trong tủ lạnh do thực phẩm không chỉ làm giảm sự phát triển của vi khuẩn listeria còn giúp ngăn ngừa lây nhiễm chéo vi khuẩn từ thực phẩm này sang thực phẩm khác.
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, nhiễm khuẩn tiêu hóa ít ảnh hưởng đến người trưởng thành, song nguy cơ biến chứng nghiêm trọng ở người có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm khuẩn tiêu hóa có thể dẫn đến nhiều vấn đề như hội chứng ruột kích thích, chảy máu đường ruột gây nhiễm trùng nặng, bệnh viêm ruột, viêm loét đại trực tràng, viêm dạ dày mạn tính.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn thức ăn như chán ăn, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy. Các triệu chứng này thường khởi phát trong vòng 24h sau khi ăn thực phẩm ô nhiễm, đôi khi có thể xuất hiện muộn hơn sau vài ngày hoặc vài tuần tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh.
Theo VTC News
Link nội dung: https://song247.vn/8-sai-lam-khi-bao-quan-thuc-pham-trong-tu-lanh-a48397.html