Tác phẩm “Về nơi nguồn cội” phản ánh gần như bức tranh toàn cảnh của gia tộc tác giả những năm đầu thế kỷ trước cho đến khi đất nước được độc lập, giang sơn thu về một mối. Lồng ghép vào đấy là phần ký sự, ghi lại các biến cố của dòng họ thông qua số phận các nhân vật gắn liền với sự biến động của đất nước. Cuốn sách có lối kể chuyện tự nhiên, không gò bó. Mở đầu là vẻ đẹp nên thơ của một làng quê thuần nông được tác giả Đới Xuân Việt mô tả với nhiều cảm xúc: “Tôi xa quê đã bảy mươi năm nhưng những gì hương vị quê hương vẫn còn thấm đẫm hồn tôi. Đó là vẻ đẹp một thời của làng quê chiều chiều khói lam xanh tỏa bay trên các mái bếp lợp rơm, rạ.”
Sách dày 208 trang với các nội dung tiêu biểu: Mẹ tôi về làm dâu họ Đái huyện Quảng Xương; Tuổi thơ; Trang ấp của ông ngoại; Trở lại Huế; Ra Hà Nội; Về sống ở trường Chu Văn An; Bố Tôi; Đam mê và liều lĩnh; Mẹ tôi một đời gồng gánh… “Về nơi nguồn cội” là một thiên ký sự, một truyện dài về một dòng họ đã trải qua hơn một thế kỷ từ khi đất nước còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ cho đến khi đất nước hoàn toàn được độc lập. Qua đó, cuốn sách đã ghi nhận những đóng góp của các vị đức cao vọng trọng trong dòng tộc cho xã hội và cho dòng họ. Đó chính là lý do tác giả Đới Xuân Việt đặt bút viết thiên ký sự này.
Cuốn sách kể về cội nguồn của dòng họ nội, họ ngoại của nhà văn Đới Xuân Việt, về các bậc tiên tổ cũng như những tấm gương sáng đáng được ca ngợi và noi theo của các vị đã để lại cho con cháu. Khai thác nét đẹp trong cội nguồn được quán xuyến trong toàn bộ tác phẩm. Thông qua dòng họ của mình, tác giả còn cho thấy người Việt Nam ta từ xưa tới nay đều gắn bó máu thịt với quê hương, làng xóm, đều có lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Trong truyện, có những đoạn đời, phần đời gắn với nhiều sự kiện lớn của đất nước. Bằng giọng văn chân thật và trân trọng, những vấn đề gai góc, thường rất khó truyền tải suôn sẻ bỗng trở nên đơn giản, dễ chấp nhận. Tác giả đã kể cho ta biết những câu chuyện đau lòng, cười ra nước mắt nhưng không khoét sâu vào nỗi đau quá khứ mà chủ yếu phản ánh những con người, những số phận đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát đã đứng dậy ra sao, đã phấn đấu ra sao cho một cuộc sống bình yên và tốt đẹp hơn. Những đau khổ, đắng cay của cuộc đời đã không đẩy họ đến những hành động tiêu cực. Họ vẫn phấn đấu hướng đến những điều tốt đẹp, tiếp tục có những đóng góp tích cực cho xã hội, cho đất nước.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, con cháu là địa chủ trong dòng họ của tác giả đã đi bộ đội chiến đấu ở các chiến trường và đã hoàn thành nhiệm vụ của người lính. Truyện còn kể về một người bà con của tác giả, một ông Cai Tổng trong chính quyền của thực dân Pháp, một đại địa chủ lại là người giác ngộ tham gia cách mạng ngay từ khi Đảng mới thành lập. Ngôi nhà của ông là nơi thành lập và hoạt động của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của vùng phía Nam huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Và đã có ba trong bốn người con trai của ông nối gót tham gia cách mạng. Hiện nay, ngôi nhà của ông được tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
“Về nơi nguồn cội” là tác phẩm tôn vinh các bậc tiền nhân của tác giả đã có công xây dựng dòng họ, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, của xã hội và để lại các tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Nó cũng là nguồn động lực tiếp sức cho các thế hệ sau phấn đấu và vươn lên. Với tác giả Đới Xuân Việt: “Tôi chợt nghĩ đến công lao của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở rộng bờ cõi, tạo dựng nên nước Việt Nam hào hùng và tươi đẹp như ngày hôm nay. Do vậy, tôn trọng công lao của của các bậc tiền nhân là phẩm giá của lớp người kế thừa lịch sử.” Hướng về cội nguồn là tâm tưởng của người Việt từ bao đời nay. Nó luôn nhắc nhở ta sống không quên nguồn gốc của mình, luôn khắc ghi và phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, sống có đạo lý, có trước, có sau. Giá trị của cuốn sách đã vượt qua giới hạn là một cuốn gia phả, trở thành một cuốn truyện ký sự hấp dẫn rất đáng được quan tâm.
Vào 08h30 sáng thứ Bảy ngày 25 tháng 05 năm 2024, tác giả đạo diễn – nhà văn Đới Xuân Việt cùng với phần dẫn chuyện của nhà báo – nhà văn Lê Minh Quốc và hai khách mời là nhà văn Kao Sơn và nhà văn Bùi Quang Lâm sẽ có buổi giao lưu trò chuyện “Về nơi nguồn cội” cùng quý độc giả tại sân khấu chính Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, Q.1).
Thông tin tác giả:
Đới Xuân Việt, sinh năm 1945, nguyên quán huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, lớn lên tại Hà Nội. Nhập ngũ và tham gia chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Năm 1981, ông từ Bộ Tài chính chuyển về Hãng phim truyện Việt Nam, làm việc tại đây cho đến năm 2005. Ông là cử nhân kinh tế, cử nhân nghệ thuật điện ảnh và là hội viên: Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM.
Ông là đạo diễn, tác giả kịch bản của nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình và đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý của các Liên hoan Phim và của các Bộ, Ngành trao cho các bộ phim truyện nhựa như: Người đàn bà nghịch cát, Anh chỉ có mình em,… và cho các bộ phim tài liệu khoa học ấn tượng như: Môi trường Việt Nam đầu thế kỷ 21, Mùa chim di cư, Cây di sản và bản sắc văn hóa Việt Nam…
Ngoài công việc chính là đạo diễn phim, ông còn có niềm đam mê với văn chương, là tác giả một số tựa sách: Đi qua vừng mặt trời (2019), Anh chỉ có mình em (2020), Hoa Đỗ Quyên nở muộn (2020), Truyền thuyết Nàng Tuyệt Vời (2022) và mới đây là tác phẩm Về nơi nguồn cội (2024).
Ngọc Hằng
Link nội dung: https://song247.vn/giao-luu-ra-mat-sach-ve-noi-nguon-coi-tac-gia-doi-xuan-viet-a47973.html