5 thói quen “cắt ngắn” tuổi thọ nhanh nhất, hút thuốc chỉ đứng thứ 2 còn số 4 không ai ngờ tới

Hút thuốc mang đến rất nhiều tác hại cho sức khỏe nhưng nó không phải thói quen “bòn rút” tuổi thọ nhanh nhất.

Tiến sĩ Hong Yongxiang (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, lối sống hàng ngày mà nhất là những thói quen lặp đi lặp lại của một người quyết định rất lớn tới tuổi thọ của họ. Những thói quen tốt có thể khiến một người sinh ra với thể chất yếu, thậm chí mắc bệnh sống thọ. Nhưng ngược lại, những thói quen xấu có thể cắt ngắn tuổi thọ của một người nhanh tới mức chính họ không ngờ tới.

Tiến sĩ Hong đã tóm tắt 5 yếu tố chính làm giảm tuổi thọ dựa trên các tài liệu nghiên cứu khác nhau từ các quốc gia khác nhau trong nhiều năm và xếp hạng chúng. Ông nhắc nhở rằng, nếu muốn sống thọ, sống khỏe thì việc tránh xa chúng là vô cùng quan trọng. Nhất là khi đa số thói quen này đều có thể cải thiện được.

1. Không quan tâm tới kiểm soát cân nặng

Nếu đang có thói quen không quan tâm tới kiểm soát cân nặng thì bạn nên sớm thay đổi. Bởi vì theo Tiến sĩ Hong Yongxiang, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng mức độ thừa cân, béo phì có tỷ lệ thuận với nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân. Béo phì trong 5 năm sẽ tăng gấp đôi nguy cơ tử vong và đối với những người béo phì trong 15 năm, nguy cơ tử vong cao gấp ba lần so với người bình thường.

070501-1715088516.png
Bạn có thể kiểm soát cân nặng bằng việc điều chỉnh ăn uống, tăng cường vận động để sống thọ hơn (Ảnh minh họa)

 

Bởi nó làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng viêm và nhiều nguy cơ sức khỏe khác. Đặc biệt là các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh tim, cholesterol cao, tiểu đường, bệnh mạch máu não, bệnh túi mật, viêm xương khớp và ngưng thở khi ngủ... Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư. Nổi bật như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, ung thư nội mạc tử cung.

Tốt nhất là giữ chỉ số khối cơ thể BMI của mình ở mức trung bình. Theo Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO), chỉ số BMI của người châu Á từ 18.50 - 22.9 kg/m2 là cân nặng bình thường. BMI dưới 18.5 là nhẹ cân, từ 23 - 24.9 là thừa cân và từ 25 trở lên là béo phì. Còn chỉ số BMI theo phân loại quốc tế (WHO) thì dưới 18.5 là nhẹ cân, 18.5 - 24.9 là bình thường, 25 - 29.9 là thừa cân và từ 30 trở lên là béo phì.

2. Hút thuốc, hít phải khói thuốc

Chúng ta đều biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng ít ai thật sự tìm hiểu nó hại như thế nào, rút ngắn tuổi thọ nhiều ra sao.

Tiến sĩ Hong Yongxiang trích dẫn nghiên cứu cho biết, hút một điếu thuốc mỗi ngày sẽ rút ngắn tuổi thọ của bạn tới 13,8 phút. Còn nếu bạn hút một gói (20 điếu thuốc) mỗi ngày, tuổi thọ của bạn sẽ rút ngắn đi 10 năm. Theo khảo sát, tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút từ 5 - 8 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 - 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch… Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút, tức là hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao).

Ngoài ra, hút thuốc không chỉ gây hại cho tính mạng của chính bạn mà khói thuốc thụ động còn gây hại cho những người xung quanh. Theo Tiến sĩ Hong, người tiếp xúc với khói thuốc thụ động mỗi tuần hơn 10 giờ có nguy cơ tử vong do tắc nghẽn phổi cao gấp 1,42 lần bình thường.

3. Ngồi lâu một chỗ

Tiến sĩ Hong chỉ ra rằng có vô số nghiên cứu chứng minh thói quen ngồi lâu một chỗ có hại cho tuổi thọ. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “'Ngồi lâu sẽ gây béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư và rất nhiều các vấn đề sức khỏe khác. Thống kê có khoảng 2 triệu người chết vì nó mỗi năm”.

Về vấn đề này, nghiên cứu của Đại học Sydney ở Úc cho thấy so với những người ngồi dưới 4 giờ mỗi ngày, những người ngồi từ 8 - 11 giờ có nguy cơ tử vong cao hơn 15%. Những người ngồi nhiều hơn 11 giờ có nguy cơ tử vong tăng tới 40% so với bình thường. Nghiên cứu cũng đề cập rằng ngồi trên ghế sofa xem TV liên tục sẽ rút ngắn tuổi thọ của bạn trung bình 22 phút mỗi giờ.

Bởi chỉ cần bạn ngồi trong 30 phút, tốc độ lưu thông máu của cơ thể sẽ giảm 70%. Tức là máu sẽ đặc hơn, khiến mạch máu dễ bị tắc nghẽn, gây cao huyết áp và xơ cứng động mạch, đồng thời tăng cường nguy cơ nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, ngồi lâu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên 2,5 lần và nguy cơ mắc bệnh ung thư lên 21%.

Tiến sĩ Hong cũng lưu ý rằng tác hại của việc ngồi trong thời gian dài không thể được bù đắp bằng thói quen tập thể dục. Nói cách khác, những người thường xuyên ngồi trong thời gian dài, ngay cả khi họ duy trì thói quen tập thể dục hơn 150 phút mỗi tuần, vẫn có mức độ cao mắc các bệnh nêu trên.

4. Chịu đựng mọi thứ một mình, hay cô đơn

Rất nhiều người sẽ bất ngờ khi cô đơn cũng nằm trong danh sách những yếu tố cắt ngắn tuổi thọ nhanh nhất. Bởi khi trải qua mọi thứ một mình, không được bầu bạn hay chia sẻ kịp thời sẽ khiến cả thể chất và tinh thần bị ảnh hưởng tiêu cực.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trạng thái tâm lý cô đơn có thể làm tăng nguy cơ tử vong của một người lên 26%. Sự cô đơn lâu dài làm suy yếu hệ thống miễn dịch của một người, khiến những người cô đơn có nguy cơ chết sớm cao hơn và cao hơn 32% so với dân số nói chung. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong gia tăng do cô đơn chủ yếu liên quan đến 4 nguyên nhân: thiếu thói quen sống lành mạnh, nguồn lực xã hội, áp lực tâm lý và sự giám sát của xã hội.

Tạp chí của Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ năm 2021 cũng đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy người thường cố gắng chịu đựng cảm giác cô đơn có tuổi thọ ngắn hơn từ 3 - 5 năm so với bình thường. Họ cũng có nguy cơ lão hóa tim mạch, não bộ, đột quỵ cao hơn. Quan trọng là cảm giác này xuất hiện ngay cả khi bạn sống cùng gia đình, bạn bè.

070502-1715088552.png
Cố gắng chịu đựng mọi thứ một mình, luôn cô đơn có thể khiến tuổi thọ bị rút ngắn (Ảnh minh họa)

 

5. Thức khuya, thiếu ngủ

Thói quen thức khuya không chỉ là một thói quen không tốt, nó còn là một yếu tố có thể gây nguy cơ tử vong cao. Tiến sĩ Hong cho biết, tổng hợp từ các nghiên cứu cho thấy người thức khuya có tỷ lệ tử vong sớm và cao hơn khoảng 10% so với những người có giấc ngủ đủ và chất lượng. Các nghiên cứu tương tự cũng cho thấy những người ngủ ít có tỷ lệ tử vong cao hơn, ví dụ như người ngủ dưới 6 giờ mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn khoảng 12%.

Bởi thức khuya và thiếu ngủ kéo dài ảnh hưởng xấu tới cơ thể theo rất nhiều cash. Bao gồm: làm rối loạn đồng hồ sinh học, suy giảm hệ miễn dịch, tăng tốc độ lão hóa, tăng khả năng viêm nhiễm và ung thư, rối loạn hormone, suy giảm chức năng não bộ và nội tạng, tăng cân, trầm cảm, tăng nguy cơ đột quỵ… cùng rất nhiều bệnh mãn tính khác.

Tuy nhiên, không phải ngủ càng nhiều thì càng tốt, thậm chí làm tăng nguy cơ bệnh tật và đoản thọ. Tốt nhất là nên ngủ ít nhất 6 giờ và không ngủ quá 9 giờ một ngày để khỏe mạnh, sống thọ. Quan trọng là đảm bảo 80% thời gian ngủ vào ban đêm và nên đi ngủ trước 23 giờ hàng ngày, tốt nhất cho sức khỏe là ngủ vào khoảng 21 - 22 giờ.

Gia Tuệ

Link nội dung: https://song247.vn/5-thoi-quen-cat-ngan-tuoi-tho-nhanh-nhat-hut-thuoc-chi-dung-thu-2-con-so-4-khong-ai-ngo-toi-a46566.html