Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp hiện là giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Bio Planet - một công ty chuyên kinh doanh thực phẩm. Cả chị và chồng đều là người bận rộn lại không sống cùng nội ngoại. Ngay từ khi có kế hoạch có con, vợ chồng chị đều mong muốn tự tay chăm sóc các con, cho chúng nhận được tình thương trọn vẹn từ anh chị. Điều này là điều không dễ dàng với chị, vì chị vẫn đi làm trong suốt thời gian chăm sóc các con, từ khi chị còn đi làm thuê đến khi ra kinh doanh riêng.
Câu hỏi mà chị vẫn đau đáu hỏi mình là: Làm cách nào để chị có thể cân bằng giữa công việc và giành thời gian chăm sóc các con? Bằng kinh nghiệm của mình trong quá trình nuôi dạy ba đứa con, chị đã đúc kết thành những kinh nghiệm sau:
“Bất kỳ điều gì mình làm trong cuộc đời, ưu tiên nhất là vì con”
Ở tuổi 42, chị ứng tuyển học bổng Fulbright và đi học. Nhiều người thắc mắc tại sao công việc của chị vốn không đòi hỏi bằng cấp để thăng tiến, công việc kinh doanh thì bận rộn. Tại sao chị vẫn đi học ở tuổi này, để làm gì? Câu trả lời của chị Diệp là: Vì các con. Chị học để làm gương cho ba đứa con của chị. Chị học để ba đứa con của chị nhìn vào, thấy tự hào vì mẹ chúng ở tuổi này vẫn không ngừng nỗ lực và cầu tiến. Chị học để có thể hiểu áp lực học tập của con bây giờ lớn đến mức nào, để thấu hiểu và đồng cảm với con. Chị học để có thêm nhiều kiến thức, có thêm những mối quan hệ giúp chị hoàn thành công việc làm mẹ của mình tốt hơn nữa. Với chị cánh cửa Fulbright được mở ra không phải chỉ cho chị mà là cho các con của chị.
“Làm bạn cùng con”
Điều hạnh phúc và may mắn lớn nhất mà chị Diệp chia sẻ với chúng tôi là chị thật sự trở thành bạn của các con mình. Ngày nay, không nhiều những đứa trẻ có thể tâm sự những vui buồn của chúng cho cha mẹ. Bởi vì có thể có nhiều bậc phụ huynh với nỗi lo cơm áo gạo tiền không thật sự quan tâm và lắng nghe con cái họ. Để rồi vô tình tạo ra khoảng cách ngày càng lớn với con mình. Chị Diệp thấy mình may mắn vì con trai lớn của chị, dù đã 22 tuổi vẫn có thể thoải mái chia sẻ với mẹ những thành công hay vấp váp của con trong công việc hoặc các mối quan hệ. Chị hạnh phúc vì luôn đồng hành cùng con trải qua những biến cố hay sự kiện trọng đại đến bây giờ.
“Luôn tự hỏi mình sẽ giải thích gì với con trong các công việc mình làm”
Trẻ con giống như một trang giấy trắng mà ở đó cha mẹ sẽ là tấm gương mỗi ngày cho chúng. Vì vậy, mỗi khi làm gì, chị Diệp đều nghĩ đến con đầu tiên. Các con chị sẽ nghĩ gì khi chị quyết định làm hoặc không làm một điều gì đó? Điều này có làm các con tự hào hay xấu hổ vì chị hay không? Nếu con có hỏi, chị sẽ giải thích cho con như thế nào về việc chị làm?... Với những câu hỏi ấy, mỗi quyết định của chị trong công việc và cuộc sống đều hướng đến mọi điều tốt đẹp cho con. Điều này cũng giúp chị suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện và có trách nhiệm hơn với các quyết định của mình.
“Con mình không phải là một đứa trẻ hoàn hảo”.
Chị Diệp đã luôn tâm niệm rằng vợ chồng chị đều là những người bình thường, vì vậy các con cũng là những con người bình thường. Vì là người bình thường nên cuộc sống sẽ có thuận lợi và khó khăn, ưu và khuyết, thành công và thất bại. Điều này làm cho chị không đặt kỳ vọng vào con quá nhiều nên sẽ cảm thấy nhẹ nhàng trước sự va vấp và chưa thành công của con. Mặt khác, chính điều này cũng giúp chị trở nên thấu hiểu, đồng cảm và là chỗ dựa cho con mỗi khi con chị gặp khó khăn. Chị kể nếu như có một ngày con trở về nhà với gương mặt không vui. Chị sẽ không bao giờ la mắng hay trách phạt con mà chỉ nhẹ nhàng bảo con vào nhà tắm rửa cho khỏe rồi ăn cơm. Chị bảo sẽ đau lòng biết bao khi con đang rất nặng nề vì phải đối diện với sai lầm, với chỉ trích từ mọi người, lại về nhà nghe những câu không hay từ bố mẹ. Những lúc như thế cha mẹ nên trở thành chỗ dựa cho con, cùng con vượt qua và đi tiếp.
Là một người mẹ tâm lý, sẵn sàng làm bạn với con. Nhưng chị Diệp cũng là một người mẹ rất nghiêm khắc. Chị phân công nhiệm vụ cho các con ở nhà. Chị chỉ cho các con hiểu. Việc nhà không phải là việc của mẹ và phụ nữ. Việc nhà là của các thành viên trong gia đình. Gia đình không ai có trách nhiệm chăm sóc cho người khác mà không nhận lại. Ai cũng có trách nhiệm như nhau. Làm việc nhà không phải là giúp đỡ mẹ mà là chia sẻ trách nhiệm với nhau. Ví dụ: con thứ hai của chị đã 19 tuổi, đã có giấy phép lái xe gắn máy. Vì vậy cháu phụ giúp đưa rước em nhỏ nhất đi học. Bé nhỏ nhất thì phụ trách nấu bữa ăn đơn giản cho cả nhà khi mẹ bận hoặc đi công tác.
Ban đầu, các con của chị phản ứng và so sánh với các bạn ở trường. Nhưng chị giải thích từ từ cho các con hiểu rằng mỗi gia đình có những quy định và thỏa thuận riêng phù hợp với gia đình đó. Các con được phép tranh luận, nhưng chị luôn giữ chúng không đi quá giới hạn cho phép.
Làm mẹ không phải là một việc dễ dàng. Thông qua những kinh nghiệm của chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Sống 247 hy vọng rằng các bà mẹ sẽ đồng hành cùng con trong suốt chặng đường con lớn lên, trưởng thành. Trở thành những bà mẹ tuyệt vời để luôn là chỗ dựa cho con con sau mỗi lần vấp ngã và là niềm tự hào to lớn của các con mình.
Kim Thanh - Hoàng Oanh
Link nội dung: https://song247.vn/doanh-nhan-nguyen-thi-ngoc-diep-bat-cu-dieu-gi-toi-lam-deu-uu-tien-nhat-la-vi-con-a42291.html