Độc đáo trải nghiệm khám phá rùa đẻ trứng
Rùa biển là động vật quý hiếm và nhận được sự quan tâm bảo vệ của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, Côn Đảo là nơi tập trung số lượng rùa mẹ đến sinh sản nhiều nhất với khoảng 350 rùa mẹ đẻ trứng hàng năm. Mùa sinh sản của rùa biển rơi vào khoảng tháng 4 đến tháng 9 và cao điểm là tháng 7 đến tháng 9.
Trong khoảng thời gian này, du khách đi du lịch tại Côn Đảo có thể trải nghiệm xem rùa đẻ trứng và thả rùa con về biển tại Hòn Bảy Cạnh - bãi biển có nhiều rùa lên đẻ trứng nhất. Buổi tối, khi nước dâng lên cao, rùa sẽ lên bờ, chọn bãi biển có bờ cát mịn và sạch sẽ gần lùm cây để đẻ trứng. Sau khi đẻ xong, rùa lấy cát lấp tổ để bảo vệ trứng rồi trở về biển. Đây cũng là lúc nhân viên kiểm lâm lấy trứng mới đẻ đem về tổ ấp tại hồ ấp trứng rùa gần trạm kiểm lâm. Trứng rùa được ấp sau khoảng 45-55 ngày thì nở thành rùa con.
Vì vậy, du khách đến vào thời điểm này có thể vừa xem rùa đẻ trứng vào buổi tối, vừa được thả rùa con về biển vào buổi sáng. Đây không chỉ là trải nghiệm thú vị và hấp dẫn mà còn đặc biệt ý nghĩa đối với những người muốn tìm hiểu về thiên nhiên, động vật.
Tour xem rùa đẻ trứng rất đa dạng, du khách có thể lựa chọn tour nửa ngày hoặc 2 ngày 1 đêm với mức giá giao động từ 1,5 – 2 triệu đồng/người. Lượng khách được tham gia vào hoạt động thú vị này có hạn nên du khách lưu ý cần đặt chỗ trước.
"Kiêng nhựa" để bảo tồn môi trường sống của rùa biển
Rác thải nhựa hiện đang góp phần ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển tại Côn Đảo, khiến rùa biển cũng như sinh vật biển nơi đây đang đối diện với vấn đề ô nhiễm rác thải
Vào mùa rùa sinh sản, cũng là mùa gió chướng, thì rác nhựa theo từng đợt thủy triều ập vào các bờ biển và tồn đọng lại, khiến cho các bãi biển nơi rùa lên đẻ trứng, bị ô nhiễm. Chưa kể khi rùa con trở về đại dương, chúng còn có thể bị thương vì nuốt phải những mảnh nhựa hay túi nilon trôi dạt trên biển, chịu đau đớn khi mắc phải những lưới đánh cá, dây thừng tưởng chừng như vô hại mà con người đã bỏ lại.
Hạn chế nhựa dùng 1 lần khi đi du lịch để ngăn chặn "ô nhiễm trắng" chính giúp là hoạt động thiết thực, hữu ích để góp phần bảo tồn những loài sinh vật biển. Nếu bạn đang có kế hoạch du lịch Côn Đảo, hãy khám phá website "Kiêng Nhựa" và sửa soạn một vali "xanh" gồm những món đồ thân thiện với môi trường. Website này là một điểm nhấn trong chương trình truyền thông nhằm thay đổi hành vi sử dụng nhựa dùng 1 lần thuộc dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam", được triển khai bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cùng Cục biển và Hải đảo Việt Nam.
Website "Kiêng Nhựa" mang đến công cụ đo lường mức độ ảnh hưởng đến môi trường của từng món đồ nhựa dùng 1 lần như chai nhựa, túi ni-lông, hộp nhựa/hộp xốp, ly nhựa, đồ vệ sinh cá nhân dùng 1 lần (bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược nhựa,...). Từ đó, bạn có thể lựa chọn: hoặc tiếp tục sử dụng nhựa dùng 1 lần, hoặc lựa chọn "kiêng" sử dụng và lựa chọn các sản phẩm thân thiện môi trường hơn. Cuối cùng, du khách có thể tự "chấm điểm" mức đóng góp trực tiếp của mình vào việc bảo vệ môi trường, chuẩn bị hành lý "xanh" hơn cũng như hình thành thói quen dùng đồ nhựa có trách nhiệm hơn trong mỗi chuyến du lịch.
Không sử dụng 1 chai nhựa, từ chối 1 túi nilon, mỗi hành động nhỏ cũng có thể đem lại những tác động tích cực đến môi trường xung quanh. Hãy "kiêng nhựa" để biển đảo mãi giàu đẹp và ban tặng con người những trải nghiệm quý giá.
Theo Tổ quốc
Link nội dung: https://song247.vn/bo-tui-kinh-nghiem-du-lich-con-dao-xem-rua-de-trung-a35629.html