Screen Apnea: Bạn có để ý mình "ngưng thở gián đoạn" khi làm việc?

Bạn có để ý cơ thể mình "ngưng thở gián đoạn" khi ngồi trước màn hình làm việc?

Với một danh sách dài đầu việc cần hoàn thiện trong ngày, ngồi 7 đến 8 tiếng trước màn hình không còn là điều gì đó xa lạ. 

Hãy dừng lại vài giây. Hít một hơi thật sâu. Bạn có phát hiện ra sự khác biệt?

Quá tập trung vào màn hình, bạn có để ý mình thở nông hoặc đôi khi… giữ hơi thở vài giây khi bắt gặp một tiêu đề thu hút, quá mải mê tìm thông tin hay đang vội trả lời email?

Bạn dường như không nhận thức được “screen apnea” nhưng dễ thấy rằng, ngồi trước màn hình lâu và liên tục gây ra nhiều tác hại hơn là chỉ “thiếu hoạt động thể chất”.

111009-1697029169.png
Ảnh minh họa

HIỂU VỀ SCREEN APNEA

Lần đầu tiên được gọi tên bởi tác giả và nhà tư vấn Linda Stone vào năm 2017 sau khi cô được chuẩn đoán mắc bệnh hô hấp mãn tính. Qua một khóa học về hơi thở để cải thiện tình trạng này, Linda nhận thấy sự khác biệt trong cách hít thở của cô mỗi khi xem email. Thở nông hoặc ngưng thở tạm thời cũng xảy ra với 80% bạn bè mà Linda khảo sát trong bảy tháng. 20% còn lại không mắc chứng bệnh này là những người đã học cách điều hòa hơi thở để quản lý năng lượng và cảm xúc như vận động viên, vũ công, ca sĩ hay phi công.        

Khi sử dụng thiết bị điện tử, thị giác liên tục bị kích thích khiến cơ thể quên thở đều đặn. Theo tiến sĩ Daniel Boyer, Giám đốc Farr Institute, vô thức tạm ngưng các hoạt động khác đôi khi được thực hiện nhằm dồn năng lượng vào việc cần tập trung trước mắt. Ví dụ, bộ não sẽ tắt cảm giác đói khi bạn bật “mode” tăng tốc hoàn thành deadline. Ngoài ra, mệt mỏi khi ngồi lâu dễ dẫn đến sai tư thế đặt áp lực lên phổi và cơ hoành, từ đó gây ra screen apnea. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến căng thẳng, mệt mỏi, mất nước và chất lượng không khí thấp.  

SCREEN APNEA CÓ THẬT SỰ NGHIÊM TRỌNG?

Trong cuốn sách "Breath: The New Science of a Lost Art" của tác giả James Nestor, cách thở tác động sâu sắc đến một số khía cạnh sinh học của con người, được biết đến phổ biến như ảnh hưởng lên cấu trúc cơ xương mặt. Một nghiên cứu thực hiện bởi tiến sĩ Margaret Chesney và David Anderson từ Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ cho thấy screen apnea là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bệnh liên quan đến căng thẳng như bệnh tim mạch, ung thư và béo phì. Đó là bởi tính axit của môi trường trong cơ thể tăng lên - tình trạng này vốn diễn ra song song quá trình lão hóa; thận tái hấp thu natri; hoạt động sinh hóa bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng giữa oxy, carbon dioxide và oxit nitric. 

Bên cạnh đó, lượng oxy thấp đưa cơ thể vào trạng thái “fight or flight” khiến căng thẳng gia tăng. Theo Viện nghiên cứu Khoa học sức khỏe và đời sống Bồ Đào Nha, dưới áp lực triền miên, phần não bộ liên kết với khả năng quyết định và hành vi theo đuổi mục tiêu suy yếu.    

CƠ THỂ MỆT NHOÀI SAU GIỜ LÀM VIỆC, CÓ THỂ BẠN ĐANG MẮC SCREEN APNEA MÀ KHÔNG HAY

Bạn có đang xiết răng còn cơ hàm thì căng cứng? Vai có đang co lại vì ngồi quá lâu? Dưới đây là một số giải pháp giúp bạn nhận biết và điều hòa hơi thở. 

111010-1697029169.png
Ảnh minh họa

CHỦ ĐỘNG HÍT THỞ 

Từ giờ bạn đã biết đến hội chứng ngưng thở gián đoạn, hãy chủ động để ý hơi thở của mình khi làm việc. Chỉ mất vài giây tạm dừng để lắng nghe cơ thể, bạn đã hạn chế vô vàn nguy cơ liên quan đến sức khỏe rồi. Hãy thả lỏng vai để phổi dễ hít sâu hơn. Một hơi thở sâu NGAY LÚC NÀY cũng đủ để bạn “reset” tâm trí và trấn tĩnh bản thân trước núi công việc đó!

ĐỨNG DẬY VÀ DẠO QUANH – QUY LUẬT 20 - 20 - 20

Mỗi 20 phút làm việc, hãy dành 20 giây đứng dậy và chuyển điểm nhìn sang một thứ cách đó khoảng 20 bước chân. Bạn có thể thở sâu, lắc nhẹ chân tay, giãn cổ vai gáy, đi tưới cây hay ngắm trời mây… Bất cứ điều gì, miễn để cơ thể được di chuyển. Điều này giúp bạn tạm thoát khỏi trạng thái căng thẳng liên tục và thả lỏng các phần cơ căng cứng. Tuy nhiên, hãy linh hoạt áp dụng quy luật phù hợp với khoảng tập trung của bạn vì không phải ai cũng vào trạng thái tập trung cao độ ngay chỉ trong 20 phút.

CHỌN KÍNH LỌC ÁNH SÁNG XANH

Theo một nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Tâm lý học ứng dụng, kính lọc giúp loại bỏ tác hại của ánh sáng xanh - một nguyên nhân của screen apnea, đồng thời cải thiện giấc ngủ cùng khả năng ra quyết định của não bộ.   

ĐIỀU CHỈNH TƯ THẾ NGỒI HỖ TRỢ HỆ HÔ HẤP 

Lưng thẳng, màn hình ngang tầm mắt, cổ và vai thả lỏng - bạn chỉ cần ghi nhớ ba điều này và thực hiện mỗi khi bắt đầu làm việc. Bàn làm việc có thể nâng lên hạ xuống hoặc một chiếc ghế tựa lưng hỗ trợ cột sống sẽ là khoản đầu tư xứng đáng! Bằng cách này, cơ hoành không bị chèn ép, phổi dễ dàng mở rộng để hít sâu thở đều.   

BÀI TẬP HÍT THỞ

Cải thiện cách thở đã được chứng minh mang lại hiệu quả tuyệt vời đối với sức khỏe tổng thể. Nếu bạn thực hành yoga hay gym, bạn đã hiểu quá rõ điều này đúng không? Kỹ thuật Wim Hof hay Box breathing để bạn có thể tập luyện ngay hôm nay. Đa dạng bài tập online khác đã có sẵn, hãy tìm hiểu và lựa chọn hướng dẫn đáng tin cậy nhé.

Theo Lofficielvietnam

Link nội dung: https://song247.vn/screen-apnea-ban-co-de-y-minh-ngung-tho-gian-doan-khi-lam-viec-a34968.html